Thứ Hai, 17/06/2024 09:43

Doanh nghiệp vẫn đang loay hoay giữa chuyển đổi xanh và chuyển đổi số

Một trong những thử thách là hiện nay phải song hành giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Cho dù là song hành thì cũng phải có “bước trước, bước sau” điều này khiến không ít doanh nghiệp loay hoay.

Lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ tại ESG Talk. Ảnh: Tử Kính

Thách thức vì cần tồn tại trước

Tại buổi ESG Talk về chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi xanh và chuyển đổi số hướng tới phát triển bền vững” chiều ngày 14/06, Giám đốc kinh doanh một khu công nghiệp tại Long An chia sẻ về việc trong tháng 4 vừa qua, đã có công ty sản xuất linh kiện điện tử muốn tìm vị trí đặt nhà máy nhưng chưa rõ khu công nghiệp có thể xin các loại chứng nhận liên quan đến ESG cho doanh nghiệp đó hay không, vì hàng hóa của đơn vị này muốn xuất khẩu đi châu Âu.

Chúng tôi hiện chưa rõ là có thể xin các tài liệu này ở đâu, ai cấp và thời gian là bao lâu? Và thật sự cũng đã đi hỏi rất nhiều nơi, điện thoại lên cả Sở Tài nguyên và Môi trường ở tỉnh Long An để hỏi nhưng người ta cũng còn rất mơ hồ về vấn đề này”, lãnh đạo giãi bày.

Tiến sĩ Dương Văn Thịnh - đại diện Country Head Việt Nam Cemtes International Pte Ltd, cho rằng thử thách lớn nhất hiện nay để có thể xin các tài liệu chứng nhận về ESG nằm ở khả năng triển khai bởi văn bản chưa đủ, luật chưa quá rõ ràng, tính phổ dụng chưa cao vì chưa nhiều doanh nghiệp có thể làm được.

Thêm một thử thách nữa là hiện nay phải song hành giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Cho dù là song hành thì cũng phải có “bước trước, bước sau” nhưng theo ông Thịnh nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay.

Chuyển đổi số đã được nhắc tới từ 10 – 15 năm trước nhưng thống kê cho thấy trong 100 doanh nghiệp thì hơn 83 doanh nghiệp đã thất bại. Nếu vậy, tỷ lệ thất bại của chuyển đổi xanh có thể cao hơn bởi sẽ hao tổn nguồn lực hơn; chẳng hạn con người, thời gian, tiền bạc,…

Trong khi thời gian lại là điều cần thiết để doanh nghiệp có thể kiếm tiền. Phải tồn tại được trước. Nhưng phải là tồn tại và phát triển, bởi nếu chỉ tồn tại không thì có thể bị tiêu diệt vì cạnh tranh cực kỳ khốc liệt”, chuyên gia nhấn mạnh.

Về mặt tích cực, ESG có thể làm tăng tính cạnh tranh. Nếu doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thì khả năng cạnh tranh sẽ cao hơn. Như vậy, phải đánh đổi. “Bây giờ có tiền rồi mới làm hay làm trước rồi thì mới có tiền, đều do chiến lược của mỗi doanh nghiệp”, ông nói.

Ông Thịnh khuyến nghị lãnh đạo khu công nghiệp nên đi gặp thêm nhiều chuyên gia hơn nữa để có nhiều thông tin hơn, và cương quyết phải làm đến cùng. Vì không doanh nghiệp này thì sẽ có doanh nghiệp khác yêu cầu về vấn đề ESG, điều này là bình thường, nếu không làm được cho khách hàng đầu tiên thì sẽ không có khách hàng thứ hai. Đây sẽ là một thử thách.

Kết nối với cơ quan chức năng để tìm giải pháp

Tiến sĩ Trần Quý – Viện trưởng Viện kinh tế số Việt Nam cho biết không thể có câu trả lời chính xác về vấn đề này. Ông cho hay, từ đầu năm sau, nhiều nước ở châu Âu bắt đầu áp dụng các quy định liên quan đến ESG. Điều này có thể khiến rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi khu công nghiệp, hoặc thậm chí rời khỏi các quốc gia không đáp ứng.

Tuy nhiên, việc di chuyển một nhà máy rất cực và tốn kém nên không thể nói đi là đi nên chủ các khu công nghiệp cần làm việc với doanh nghiệp đó, cũng như kết nối với Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc một số đơn vị quản lý chuyên ngành để đưa ra các giải pháp riêng cho họ, chẳng hạn thông qua một số cam kết bởi điều này liên quan đến cả quốc gia chứ không còn thuộc riêng một khu công nghiệp nữa.

Tiến sĩ Trần Quý – Viện trưởng Viện kinh tế số Việt Nam. Ảnh: Tử Kính

Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Nepa Social Enterprise và “GLC Project”, chuyên gia tư vấn phát triển bền vững và doanh nghiệp tạo tác động, bà Nguyễn Phạm Kim Ngân chia sẻ thêm, hiện các bộ ngành tại Việt Nam đã và đang trong quá trình bàn luận, thống nhất để có thể đưa ra được một tiêu chuẩn chung, chẳng hạn cấp chứng chỉ kiểm kê khí nhà kính như thế nào.

Các chứng chỉ toàn cầu thì đã có rồi, nhưng những chuyên gia đó sang Việt Nam thì chúng ta chưa có quy định riêng của mình, dẫn đến nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, chẳng hạn về chi phí để thực hiện những việc này”, chuyên gia nói.

Ở các quốc gia phát triển khác, như Nhật Bản, đã có nền tảng lâu dài và họ đã đi từng bậc một còn Việt Nam đang phải “gồng gánh” cả 2 phần một lượt (gồm cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh), thì rõ ràng các doanh nghiệp đang gặp thử thách. Nhưng đây là một cơ hội cực kỳ lớn để Việt Nam có thể tiếp cận với thị trường toàn cầu.

Theo bà Ngân, các bộ ngành đã trao đổi với nhau và đang có kế hoạch thử nghiệm trong năm sau, đến năm 2028 có thể ban hành những quy định dành riêng cho các chuyên gia này theo các tiêu chuẩn của Việt Nam.

Bà Nguyễn Phạm Kim Ngân - Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Nepa Social Enterprise và “GLC Project”. Ảnh: Tử Kính

Có thể tham khảo từ các doanh nghiệp đã niêm yết

Chi tiết hơn về vấn đề trên, ông Nguyễn Thành Quang – CEO Tiên Phong CDS nói, trong chuyển đổi số đã liên quan đến 2 phần, là xã hội (S) và quản trị (G). Còn về phần E – liên quan đến môi trường – phải có những thiết bị đo kiểm đi kèm. Đối với một doanh nghiệp sản xuất, có 3 chi phí thường tốn kém nhất là lò hơi, hệ thống xử lý nước thải và hệ thống giám sát khí thải. Hiện nay đã có những tổ chức đi đo kiểm và báo cáo những chỉ số đó.

Chuyên gia cho biết thêm hiện một tổ chức Hàn Quốc có thể tài trợ lò hơi miễn phí cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp, nhưng đổi lại phần khí thải carbon, ở dạng tín chỉ thu được thì tổ chức này sẽ lấy.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tham khảo các mẫu báo cáo bền vững của các công ty lớn niêm yết trên sàn; sau đó triển khai, tư vấn cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp làm theo và cập nhật các số liệu vào từ các đơn vị đo kiểm độc lập.

Nói về thử thách, rủi ro trong thực hiện ESG, CEO Tiên Phong CDS cho rằng sẽ mang lại giá trị nhiều hơn. Chẳng hạn như Vinamilk, khi đầu tư vào ESG, từ quy trình nuôi bò như thế nào, xử lý chất thải của bò ra sao để không thải ra môi trường. Giá trị đầu tư ban đầu về công nghệ, nguồn lực có thể rất lớn và kết quả đưa vào có thể làm giảm biên độ lợi nhuận nhưng sau một vài năm thì chi phí đó không đáng kể nếu so với lợi ích mang lại.

"Nên xác định đầu tư vào ESG là đầu tư vào “tài sản mềm” và có được các chứng nhận đó sẽ giúp hàng hóa có cơ hội tham gia vào thị trường quốc tế tốt hơn. Rủi ro gần như không có nhưng chi phí để đạt được điều đó thì sẽ cao”, ông Quang chốt lại.

Tử Kính

FILI

Các tin tức khác

>   Mì ăn liền Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm tại EU (15/06/2024)

>   Tìm nhà đầu tư 2 dự án xây dựng, bảo dưỡng tàu bay gần 1,600 tỷ tại Long Thành (15/06/2024)

>   Đề nghị kỷ luật Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên (15/06/2024)

>   'Báo động đỏ' nạn sản xuất, buôn bán hàng giả (15/06/2024)

>   Bốn nguyên Chủ tịch tỉnh bị cảnh cáo (15/06/2024)

>   Một nữ giám đốc bị khởi tố (15/06/2024)

>   Kiến nghị giải pháp “ gỡ khó” cho sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng (15/06/2024)

>   Phát triển nhà ở xã hội, tăng sử dụng cầu cạn với các cao tốc (15/06/2024)

>   Tổng giá trị doanh thu hằng năm ngành vật liệu xây dựng đạt 47 tỷ USD (15/06/2024)

>   Hãng rượu xứ sở Kim Chi chọn Việt Nam để đầu tư nhà máy ở nước ngoài đầu tiên (15/06/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật