Việt Nam có lợi gì nếu được Mỹ công nhận là “nền kinh tế thị trường”?
Mới đây, giới đầu tư hồ hởi trước thông tin Mỹ cân nhắc nâng Việt Nam lên “nền kinh tế thị trường”. Nếu được công nhận, đây sẽ là bằng chứng cho sự cải thiện trong mối quan hệ Việt Nam và Mỹ, đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho đất nước hình chữ S.
* Mỹ cân nhắc nâng Việt Nam lên quy chế “kinh tế thị trường”
Trong bài viết trên trang Geopolitical Monitor, ông James Borton – Nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Chính sách Đối ngoại Johns Hopkins/SAIS – đã chỉ ra Việt Nam có thể hưởng nhiều lợi ích từ việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Theo ông, với dòng chảy thương mại ngày càng lớn giữa Mỹ và Việt Nam, việc công nhận quy chế thị trường sẽ giúp Việt Nam mở rộng thương mại và đầu tư với Mỹ. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, các công ty Mỹ có thêm cơ hội tiếp cận thị trường và xuất khẩu, cụ thể là trong các lĩnh vực nông nghiệp, máy móc, máy bay và dược phẩm, tất cả đều góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng phù hợp với lợi ích của Mỹ.
Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên như công xưởng sản xuất lớn trên thế giới. Đất nước hình chữ S là nguồn cung cấp chính cho hàng điện tử tiêu dùng, đồ nội thất, chất bán dẫn và các linh kiện khác, hàng may mặc và giày dép nhập khẩu.
Động thái nâng bậc Việt Nam lên “nền kinh tế thị trường” cũng sẽ góp phần giảm bớt các rào cản thương mại, giúp các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang Việt Nam dễ dàng hơn và rẻ hơn.
Chưa hết, giữa bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng thương mại, việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể khuyến khích hơn nữa các công ty Mỹ đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hướng tới Việt Nam.
Bên cạnh đó, giá nhập khẩu thấp hơn và khả năng tiếp cận thị trường được cải thiện có thể cho phép các công ty Mỹ tăng sản lượng và sản xuất tại Việt Nam. Điều này mang lại tiềm năng tăng doanh thu bán hàng và lợi nhuận cho các công ty Mỹ hoạt động tại Việt Nam.
Ông Murray Hiebert, Giám đốc Nghiên cứu tại Bower Group Asia ở Washington, ủng hộ Mỹ nâng bậc Việt Nam lên nền kinh tế thị trường, cho rằng “Mỹ nên trao quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, đặc biệt là sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện”.
Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN cũng ủng hộ quyết định nâng hạng Việt Nam. “Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường từ trước”, Ted Osius, người đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, nhận định. “Họ đã đáp ứng tiêu chí quan trọng nhất, như khả năng chuyển đổi tiền tệ và sẵn sàng cho việc nâng hạng”.
“Các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam vì họ nhận ra tiềm năng tăng trưởng của đất nước này”, ông Osius, người từng là đại sứ Mỹ ở Việt Nam, chia sẻ. Nhiều ông lớn như Apple, Google, Intel đã tăng cường đầu tư vào Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Hiện đã có tổng cộng 72 quốc gia công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nổi bật là Vương quốc Anh, Canada, Australia và Nhật Bản.
Được biết, để trao quy chế “nền kinh tế thị trường”, Bộ Thương mại Mỹ cho biết đất nước đó phải đáp ứng một số tiêu chí, bao gồm mức độ chuyển đổi tiền tệ, tiền lương là kết quả thương lượng tự do giữa người lao động và ban quản lý, và việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài thành lập liên doanh hoặc thực hiện các khoản đầu tư khác. Ngoài ra, còn có tiêu chí về việc liệu Chính phủ có sở hữu hoặc kiểm soát phương tiện sản xuất, và Chính phủ có kiểm soát việc phân bổ nguồn lực, kiểm soát giá cả và các quyết định sản lượng hay không.
Theo ông James Borton, Việt Nam đã đáp ứng toàn bộ tiêu chí trên sau khi thực hiện các cải cách kinh tế. Đáng chú ý, sở hữu Nhà nước cũng thu hẹp đáng kể.
Ông cho rằng những nỗ lực tích cực của Việt Nam nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư quốc tế đã mang lại kết quả đáng kể.
“Đây là lúc Bộ Thương mại Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vì ngày càng có nhiều mối đe dọa về môi trường, kinh tế và an ninh mà nếu Mỹ trao cho Việt Nam quy chế này, hai nước có thể cùng nhau giải quyết tốt hơn”, ông James Borton chia sẻ trong bài viết được đăng vào ngày 11/03/2024.
Thiên Vân
FILI
|