Mỹ cân nhắc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Mới đây, trang Reuters đưa tin Mỹ đang xem xét việc nâng cấp Việt Nam lên quy chế “nền kinh tế thị trường” trong một nỗ lực củng cố mối quan hệ bền chặt giữa đôi bên.
Vào chiều ngày 08/05 (giờ Mỹ), Bộ Thương mại Mỹ sẽ tổ chức một cuộc điều trần trực tuyến để lắng nghe các quan điểm về việc gắn nhãn “nền kinh tế thị trường” cho Việt Nam.
Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN ủng hộ quyết định nâng hạng Việt Nam. “Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường từ trước”, Ted Osius, người đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, nhận định. “Họ đã đáp ứng tiêu chí quan trọng nhất, như khả năng chuyển đổi tiền tệ và sẵn sàng cho việc nâng hạng”.
Về phần mình, Việt Nam muốn gỡ bỏ mác “nền kinh tế phi thị trường” sau khi đã thực hiện các cuộc cải cách kinh tế trong thời gian gần đây. Khi chưa được Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường, hàng hóa Việt Nam khi vào thị trường Mỹ dễ bị áp mức thuế chống bán phá giá cao hơn.
Trong chuyến công du tới Hà Nội vào năm 2023, Mỹ và Việt Nâm đã nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện”.
Năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thúc giục Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gỡ bỏ mác “nền kinh tế phi thị trường” với Việt Nam, như một phần trong chiến lược đặt sản xuất tại các quốc gia bằng hữu (friend-shoring) của Mỹ.
“Các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam vì họ nhận ra tiềm năng tăng trưởng của đất nước này”, ông Osius, người từng là đại sứ Mỹ ở Việt Nam, chia sẻ.
Được biết, để được gắn nhãn “nền kinh tế thị trường”, Bộ Thương mại Mỹ cho biết đất nước đó phải đáp ứng một số tiêu chí, bao gồm mức độ chuyển đổi tiền tệ, tiền lương là kết quả thương lượng tự do giữa người lao động và ban quản lý, và việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài thành lập liên doanh hoặc thực hiện các khoản đầu tư khác. Ngoài ra, còn có tiêu chí liệu Chính phủ có sở hữu hoặc kiểm soát phương tiện sản xuất, và Chính phủ có kiểm soát việc phân bổ nguồn lực, kiểm soát giá cả và các quyết định sản lượng hay không.
Vũ Hạo (Theo Reuters)
FILI
|