Thứ Bảy, 04/05/2024 20:02

Họp báo Chính phủ: Kết quả 4 tháng đầu năm tốt hơn cùng kỳ

Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thống nhất nhận định tình hình KTXH tháng 4 tiếp tục tiếp tục chuyển biến tích cực. Nhìn chung 4 tháng đầu năm 2024 đạt được kết quả tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024 - Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Trong không khí phấn khởi, hào hùng hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Chính phủ họp Phiên thường kỳ tháng 04/2024 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhằm đánh giá tình hình kinh tế xã hội (KTXH) tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024; tình hình thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG); giải ngân vốn đầu tư công cùng một số nội dung quan trọng khác; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá trong thời gian tới.

Trong tháng 4 và từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; bất ổn chính trị ở một số khu vực leo thang; kinh tế thế giới dự báo phục hồi chậm... Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, trong đó tập trung chỉ đạo chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ Kỳ họp Trung ương 9, Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội; đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật; tập trung chỉ đạo chuẩn bị, phối hợp tổ chức các hoạt động hướng tới Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược; triển khai nhiều hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế quan trọng...

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành 5 quy hoạch vùng để hoàn thành toàn bộ 6 quy hoạch vùng KTXH theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Thảo luận tại Phiên họp, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thống nhất nhận định tình hình KTXH tháng 4 tiếp tục tiếp tục chuyển biến tích cực, nhìn chung tốt hơn tháng 3 và 3 tháng đầu năm; tính chung 4 tháng đầu năm 2024 đạt được kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Nổi bật là, kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Nông nghiệp phát triển ổn định, trồng trọt, chăn nuôi, khai thác thủy sản đều đạt kết quả tích cực.

Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 0.8% so tháng 3 và tăng 6.3% so cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 6% (cùng kỳ giảm 2.5%). Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 2% so tháng 3 và tăng 9% so cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 8.5%. Lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh, khách quốc tế 4 tháng đạt 6.2 triệu lượt, tăng 68.3% so với cùng kỳ 2023 và tăng 3.9% so với cùng kỳ 2019 khi chưa xảy ra dịch COVID-19. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 4 đạt 50.3 điểm, trong đó lượng đơn hàng mới tăng mạnh.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3.93%. Lãi suất huy động và cho vay tiếp tục xu hướng giảm; tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời.

Các cân đối lớn được bảo đảm

Sau 4 tháng, tổng thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) ước đạt 733.4 nghìn tỷ đồng, bằng 43.1% dự toán năm, tăng 10.1% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi NSNN được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều giới hạn quy định, tạo dư địa chính sách tài khoá.

Xuất khẩu tiếp tục xu hướng tích cực, xuất siêu tăng, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán và ổn định tỷ giá. Tính chung 4 tháng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) đạt 238.9 tỷ USD, tăng 15.2%, trong đó xuất khẩu tăng 15%; nhập khẩu tăng 15.4%; xuất siêu 8.4 tỷ USD.

Xuất khẩu gạo đạt trên 3.2 triệu tấn, kim ngạch đạt 2.08 tỷ USD, tăng 11.7% về lượng và 36.5% về trị giá so với cùng kỳ. An ninh năng lượng, an ninh lương thực và cân đối cung cầu lao động được bảo đảm.

Bên cạnh đó, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đạt 17.46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (15.65%). Thu hút FDI đạt 9.27 tỷ USD, tăng 4.5% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 6.28 tỷ USD, tăng 7.4% (và cao nhất trong những năm qua).

Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Trong 4 tháng có 51,600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 3.4% về số doanh nghiệp và 9.3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ); đồng thời có hơn 29,700 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 2.4%.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; trong tháng 4 có 94.8% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ (tăng 0.7% so với tháng 3). Trong 4 tháng, đã hỗ trợ cho người dân gần 18.5 nghìn tấn gạo.

Cải cách hành chính được đẩy mạnh,nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính; phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.

Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước trên trường quốc tế được nâng lên.

Nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, cung cấp thông tin về tình hình KTXH tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 - Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được là cơ bản, các thành viên Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cần tập trung ứng phó, xử lý, khắc phục.

Trong đó nổi lên thứ nhất là, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tăng, nhất là về tỷ giá, lãi suất. Thứ hai là, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn cao. Thứ ba là, thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết, chưa tháo gỡ được nút thắt trong vấn đề pháp lý; nợ xấu có xu hướng tăng. Thứ tư là, còn hơn 32 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024 chưa phân bổ. Thứ năm là, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng ở nhiều địa phương. Thứ sáu là, an ninh, trật tự an toàn xã hội, tình hình tội phạm trên một số địa bàn còn diễn biến phức tạp…

Kết luận phiên họp, trên cở sở xác định các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phân tích tình hình quốc tế, khu vực, trong nước, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới. Theo đó cần phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ Hội nghị Trung ương 9 và Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Tử Kính

FILI

Các tin tức khác

>   Thủ tướng yêu cầu không tăng giá vào thời điểm tăng lương (04/05/2024)

>   Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng tích cực (04/05/2024)

>   Chính phủ yêu cầu đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong mọi tình huống (04/05/2024)

>   Quốc hội phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động (02/05/2024)

>   Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ (02/05/2024)

>   PMI tháng 4/2024: Số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản suất tăng mạnh trở lại (02/05/2024)

>   Quốc hội họp bất thường vào chiều 2/5 xem xét nội dung nhân sự (01/05/2024)

>   Cung ứng điện đảm bảo dù phụ tải liên tục tăng cao (01/05/2024)

>   Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024 (01/05/2024)

>   TP.HCM: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng (29/04/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật