Thứ Ba, 28/05/2024 08:17

Thiết kế mới thị trường điện: Khuyến nghị các điểm chính cần xem xét

Ngoài việc xem xét các tác động đến các hợp phần trong kiến trúc thiết kế thị trường điện đã phân tích ở bài “Thiết kế mới thị trường điện và những tác động”, theo tôi cần cân nhắc một số điểm chính sau đây.

Cân nhắc giữa thị trường thương mại với hệ thống vật lý: Thiết kế thị trường thương mại đòi hỏi đơn giản hóa trong khi hệ thống điện có bản chất rất phức tạp. Thị trường thương mại hướng tới cơ chế giá điện vùng, giao dịch song phương, đơn giản hóa các ràng buộc vật lý – kỹ thuật, với các chu kỳ thể hiện trong giao dịch với khách hàng (tháng, quí trở lên) sao cho thuận tiện nhất cho các giao dịch thương mại.

Điện mặt trời ở Dầu Tiếng. Ảnh: H.P

Hệ thống điện vật lý hướng tới cơ chế giá điện nút, giao dịch gộp chung (gross pool), cụ thể hóa càng nhiều càng tốt các ràng buộc vật lý – kỹ thuật, với các chu kỳ kế hoạch truyền thống của ngành điện dài hạn (nhiều năm), trung hạn (vài năm), ngắn hạn (dưới 1 năm) và vận hành thời gian thực sao cho đảm bảo an ninh và tin cậy hệ thống.

Thiết kế thị trường điện cần phải đảm bảo giải quyết được những sai biệt giữa hai yêu cầu thương mại và vật lý nói trên một cách hợp lý.

Cân nhắc giữa thị trường hóa hay điều tiết: Để khuyến khích cạnh tranh, những cơ quan chịu trách nhiệm thiết kế thị trường điện có xu hướng giảm điều tiết và thị trường hóa càng nhiều dịch vụ của thị trường điện càng tốt. Điều tiết được lựa chọn khi thị trường không khả thi và nếu khả thi, có thể có tình trạng quyền lực thị trường tập trung vào một số thành viên lớn.

Chẳng hạn, chúng ta đã đề cập hệ thống điện với mức độ thâm nhập năng lượng tái tạo cao yêu cầu những dịch vụ phụ trợ mới như quán tính, tốc độ thay đổi công suất linh hoạt và sức bền hệ thống. Quán tính và tốc độ thay đổi công suất linh hoạt có thể được thị trường hóa nhưng cần phải cân nhắc tính hiệu quả chi phí. Những thị trường này có thể quá nhỏ, thực hiện lại phức tạp và chi phí quản lý có thể cao so với lợi ích đạt được. Sức bền hệ thống khó thực hiện thị trường hóa hơn vì có một vài dịch vụ khó tách bạch như mức dòng ngắn mạch, bù đồng bộ…

Mặc dù các đơn vị cung cấp dịch vụ bù đồng bộ có thể cạnh tranh với nhau làm tăng sức bền hệ thống, bù đồng bộ còn đóng góp vào nhiều dịch vụ khác như quán tính, điều chỉnh điện áp. Cho nên, dịch vụ sức bền hệ thống có thể vẫn tiếp tục được điều tiết bằng các quy trình đảm bảo yêu cầu vật lý – kỹ thuật.

Một điểm đáng lưu ý là đối với các dịch vụ mới như những dịch vụ nói trên, các dịch vụ bình ổn năng lượng tái tạo, công suất linh hoạt, cho dù là thiết kế thị trường mới hay điều tiết, cần xem xét cơ chế hỗ trợ những người cung cấp dịch vụ mới (công nghệ lưu trữ năng lượng, điều khiển phía nhu cầu…) có thể phục hồi chi phí đầu tư cũng như giảm thiểu rủi ro.

Cân nhắc giữa phân quyền hay tập quyền: Ngay cả trong các thị trường con của thị trường bán buôn, người thiết kế cũng phải cân nhắc lựa chọn thiết kế phân quyền hay tập quyền. Dù bản chất thị trường yêu cầu phân quyền quyết định cho các thành viên tham gia thị trường, các vấn đề vật lý – kỹ thuật phức tạp với nhiều quan hệ và ràng buộc liên kết thời gian lại mang tính tập quyền.

Cân nhắc phân quyền – tập quyền này thể hiện trong các thiết kế thị trường công suất (công ty bán lẻ thực hiện nghĩa vụ công suất hay cơ quan quản lý tập trung đại diện mua công suất thiếu hụt cần bổ sung), thị trường hợp đồng tương lai (song phương, thông qua môi giới, hay sàn giao dịch hợp đồng tập trung), thị trường ngày tới (công ty phát điện tự cam kết tổ máy hay Cơ quan điều hành thị trường MO thực hiện cam kết tổ máy – unit commitment tập trung) và thị trường giao ngay (chào giá tự do hay chào giá theo chi phí).

Có nhiều tiêu chí chung có thể giúp quyết định cân nhắc này như: mức độ phức tạp/bất định của vấn đề (phân quyền hay tập quyền có thể giúp giải quyết vấn đề tốt hơn?), hiệu quả kinh tế (liệu phân quyền có tăng lợi ích/giảm chi phí hơn tập quyền?), quyền lực thị trường (liệu phân quyền có dẫn đến quyền lực thị trường hay thúc đẩy cạnh tranh?), khả năng thực thi (phí giao dịch cao hay thấp, quản lý dễ dàng hay phức tạp?) và nhiều tiêu chí đặc thù khác cho từng thiết kế cụ thể.

Cân nhắc trong thiết kế thị trường bán lẻ điện để hài hòa giữa các mục tiêu chính thường xung đột lẫn nhau như tự do lựa chọn của khách hàng, tính minh bạch, đổi mới sản phẩm, giá cả cạnh tranh và quyền lợi khách hàng. Điểm cần lưu ý cần nhắc lại ở đây: thiết kế có tính tập quyền, điều tiết nhiều hơn có thể làm cản trở phát minh đổi mới, tăng rào cản cạnh tranh. Đơn cử như thị trường bán lẻ hoàn toàn, phân quyền nhiều hơn ở Úc đã tạo ra nhiều gói sản phẩm, mô hình kinh doanh đa dạng, sáng tạo và phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng cũng như thu hút một số lượng lớn các công ty bán lẻ điện mới tham gia thị trường.

Cân nhắc yếu tố ngoại tác và tác động kinh tế: Đây là cân nhắc liên quan đến các nhà làm chính sách năng lượng có tác động lớn đến thiết kế và vận hành thị trường điện. Các chính sách năng lượng bền vững về môi trường như mục tiêu khí phát thải carbon và gây hiệu ứng nhà kính, mục tiêu năng lượng tái tạo mang lại giá trị tích cực về môi trường nhưng có thể làm tăng chi phí sản xuất điện ổn định, tin cậy và có thể ảnh hưởng tiêu cực lên kinh tế của ngành cũng như của quốc gia. Việc cân bằng hợp lý giữa các mục tiêu môi trường và các tác động kinh tế tiêu cực của chúng cần phải được cân nhắc trong việc đưa ra các chính sách năng lượng bền vững.

Thiết kế thị trường điện là lĩnh vực đòi hỏi am hiểu liên ngành liên quan đến thị trường điện bao gồm hệ thống điện, kinh tế năng lượng, tối ưu hóa (vận trù học), đặc biệt là hành vi kinh tế, tương tác thương mại cũng như xung đột lợi ích của các thành viên trong thị trường với các phương án thiết kế. Theo tôi, cần có đội ngũ chuyên trách, với sự trợ giúp của cố vấn độc lập có kinh nghiệm để đánh giá toàn diện thiết kế hiện hữu, thiết kế lại và lựa chọn phương án thiết kế mới phù hợp.

Thái Doãn Hoàng Cầu (Tiến sĩ về hành vi kinh tế trong thị trường điện và có hơn 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong thị trường điện Úc)

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Hàng không liên tiếp tăng chuyến, mở đường bay mới (28/05/2024)

>   Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói về cách tính lương mới khi cải cách tiền lương (27/05/2024)

>   Thủ tướng đề nghị dành khoản vốn 11 tỷ USD của WB cho một số dự án lớn (27/05/2024)

>   Bà Rịa - Vũng Tàu bất ngờ hút vốn đầu tư nước ngoài gấp 12 lần cùng kỳ, đứng đầu cả nước (27/05/2024)

>   TP Hồ Chí Minh: Tổng số vốn giải ngân mới đạt hơn 8% kế hoạch vốn năm 2024 (27/05/2024)

>   Thủ tướng yêu cầu trình dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp trước ngày 30/5 (27/05/2024)

>   Cựu PGĐ Sở KH&ĐT TP HCM nhận tiền tỷ, lệnh cấp dưới làm sai (26/05/2024)

>   Công an thông tin vụ Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò và cấp dưới bị khởi tố (25/05/2024)

>   Khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí LNG (25/05/2024)

>   Liên tục mở trung tâm thương mại mới tại Việt Nam, Aeon Mall kinh doanh ra sao? (25/05/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật