Nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch được thực hiện trên kênh số
Nhiều nghiệp vụ ngân hàng cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền,...), nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.
Số liệu được công bố tại sự kiện "Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024" tổ chức ngày 08/05/2024.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại sự kiện
|
Sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 nhằm lan tỏa những kết quả tích cực của ngành Ngân hàng trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, cũng như đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chủ đề năm nay là “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” - có sự tiếp nối với chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số” của Ngày Chuyển đổi số ngân hàng năm 2023.
Xác định đẩy mạnh chuyển đổi số là một chủ trương lớn, hướng đi tất yếu để bảo đảm thích ứng với bối cảnh mới, ngày 11/05/2021, NHNN đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với quan điểm lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả chuyển đổi số. Việc ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN có thể xem là cột mốc quan trọng giúp xác định rõ định hướng, kế hoạch triển khai của ngành ngân hàng trong xu thế chuyển đổi số. Thời gian qua, ngành ngân hàng đã chủ động, nỗ lực thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên các mặt, bao gồm chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ và bảo đảm an ninh, an toàn.
Hoạt động chuyển số ngành Ngân hàng đã ghi nhận những thành tựu rõ nét. Về khuôn khổ pháp lý, NHNN đã nghiên cứu, ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển. NHNN đã khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai chuyển đổi số, kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác nhau để hình thành và mở rộng hệ sinh thái số cung ứng sản phẩm dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm, cung cấp trải nghiệm giao dịch liền mạch, cá nhân hóa. Các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán (TGTT) đã ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng; đồng thời, đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân và tích hợp với nhiều hệ sinh thái đối tác khác nhau trong các lĩnh vực. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền,...), nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch được thực hiện trên kênh số. Hoạt động TTKDTM và hoạt động ngân hàng số trong 3 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ 2023 tiếp tục đạt những chuyển biến tích cực. Giao dịch TTKDTM tăng 56.57% về số lượng và 31.35% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 48.81% và 25.73%; qua kênh điện thoại di động tăng 58.7% và 33.12%.
Bên cạnh đó, các TCTD đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp giấy phép cung cấp giải pháp xác thực người dùng bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip để tổ chức triển khai giải pháp xác thực khách hàng. Trong đó, nhiều TCTD đã ký kết hợp đồng, đang triển khai thực tế: 48 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp qua ứng dụng điện thoại; 60 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp qua thiết bị tại quầy. Về làm sạch dữ liệu: 24 TCTD đã ký kết với C06 (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an) triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng theo phương thức offline; 19 TCTD đang triển khai thử nghiệm ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) vào các nghiệp vụ: mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng; 7 TCTD đã và đang triển khai giải pháp chấm điểm khả tín.
Thời gian tới, NHNN tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, cụ thể:
(i) Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về TTKDTM, chuyển đổi số, trong đó có Nghị định mới về TTKDTM và Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng; hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản, thông tư hướng dẫn Luật Các TCTD, Nghị định mới về TTKDTM.
(ii) Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, tổ chức triển khai Ngày chuyển đổi số ngân hàng năm 2024 và Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN (giữa Bộ Công an và NHNN) triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06, nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi cho các ngân hàng, tổ chức TGTT cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; trong đó tập trung triển khai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép các TCTD có thể xác minh thông tin nhận biết khách hàng, làm sạch dữ liệu và hỗ trợ khách hàng trong tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.
(iii) Tiếp tục đẩy mạnh TTKDTM đối với dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội.
(iv) Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng; phối hợp xử lý tội phạm công nghệ cao, triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.
Cát Lam
FILI
|