Thứ Bảy, 18/05/2024 20:26

Nâng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2030 tối thiểu 25% GDP bằng cách nào?

Mục tiêu đạt dư nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2030 đạt tối thiểu 25% GDP là vô cùng thách thức. Để thực hiện, cần có tiền đề là sự minh bạch thị trường và ba điều kiện liên quan đến thông tin về mức độ rủi ro, hệ thống tham chiếu và cơ cấu nhà đầu tư.

Tại hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm" ngày 17/05, mục tiêu nâng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2030 lên tối thiểu 25% GDP được các chuyên gia đánh giá rất thách thức. Đồng thời, tiền đề và các điều kiện để hiện thực hóa mục tiêu cũng đã được thảo luận.

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm” diễn ra vào chiều ngày 17/05

Mục tiêu thách thức và cần có tiền đề, điều kiện cần để hiện thực hóa 

Nhận xét về sự phát triển và vai trò của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đối với nền kinh tế, ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết, sau giai đoạn 2018 - 2021 bùng nổ, đỉnh điểm năm 2022 đạt dư nợ trái phiếu đến 15 - 16% GDP, khi đó Việt Nam kỳ vọng có được một thị trường tài chính, chứ không dừng lại là thị trường vốn trước đây chỉ có tín dụng. Nhưng sau nhiều vấn đề xảy ra, dư nợ rơi xuống còn quanh 11 - 12% GDP trong những năm qua và chưa có chiều hướng tăng lên. Phát hành mới quay trở lại giúp cho việc tái cấu trúc chứ chưa phải đầu tư mới.

Vốn từ TPDN so với tổng vốn huy động của nền kinh tế còn thấp, cho thấy các doanh nghiệp chưa tiếp cận được thị trường vốn qua kênh trái phiếu mà vẫn nhờ vào Ngân hàng, do đó tiềm năng thị trường TPDN còn rất lớn.

Chất lượng cũng còn vấn đề, trong quy mô thấp thì TPDN chỉ tập trung vào nhóm ngân hàng và bất động sản, nhưng thực chất nhóm ngân hàng phát hành trái phiếu không hẳn để đầu tư các doanh nghiệp sản xuất, nhóm bất động sản cũng không hẳn phát hành để đầu tư sản phẩm mới mà nhiều phần mục đích nhằm đầu cơ. Ông Cường nhấn mạnh: “Thị trường TPDN chưa thể hiện rõ các hỗ trợ cho việc phục hồi sản xuất kinh doanh nói chung của nền kinh tế”.

Một vấn đề khác là tỷ lệ TPDN được phát hành mà doanh nghiệp được kiểm định, xếp hạng chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với các thị trường khác trong khu vực.

“Rõ ràng những con số chỉ ra mục tiêu đến 2030 đạt tối thiểu 25% là rất khó đạt được, nhưng vẫn có triển vọng trong bối cảnh các doanh nghiệp bước vào giai đoạn phục hồi, bắt đầu có đơn hàng, nhưng muốn mở rộng lại gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn, vẫn còn nợ cũ nên phải nghĩ đến phát hành trái phiếu”, ông Cường cho biết.

Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam thảo luận tại hội thảo

Cũng chia sẻ liên quan đến mục tiêu thách thức này, theo ông Trần Lê Minh – Tổng Giám đốc VIS Rating dẫn chứng nhiều số liệu đáng chú ý.

Cụ thể, quy mô thị trường TPDN Việt Nam không phải nhỏ, khoảng 47 tỷ USD, cao hơn Philippines và Indonesia, nhưng nhỏ hơn đáng kể Malaysia và Thái Lan. Nhìn vào mục tiêu 2030 đạt 25% GDP là mục tiêu khó. Nếu Việt Nam tăng trưởng GDP bình quân 5.5 - 6%/năm đến 2030 thì quy mô TPDN năm 2030 phải đạt 160 - 170 tỷ USD, tức phải tăng 3.5 lần trong vòng 8 năm, khi đó quy mô thị trường Việt Nam sẽ tương đương Malaysia, đồng nghĩa mỗi năm quy mô thị trường tăng trưởng bình quân 17%, giá trị phát hành ròng mỗi năm phải 370 ngàn tỷ đồng. Nếu như vậy, mỗi năm phải phát hành mới tương đương 2020 – năm đỉnh cao trước khi bùng nỗ liên tiếp các vấn đề trên thị trường.

Để có thể làm được điều này, ông Minh chỉ rõ, cần một tiền đề là sự minh bạch thị trường và ba điều kiện cần gồm thông tin về mức độ rủi ro của tổ chức phát hành và trái phiếu được bán trên thị trường; có hệ thống tham chiếu đủ đơn giản, đủ phổ biến để các nhà đầu tư biết trái phiếu giao dịch ở mức giá như thế nào; cuối cùng là có sự thay đổi trong cơ cấu nhà đầu tư theo hướng thúc đẩy các nhà đầu tư tổ chức.

“Nếu làm được hai điều kiện đầu tiên, điều kiện cuối cùng sẽ tự đến. Hiện tại, chúng ta đang làm rất tốt tiền đề và đặt bước đầu tiên để thực hiện hai điều kiện đầu”, ông Minh nhấn mạnh.

Ông Trần Lê Minh – Tổng Giám đốc VIS Rating thảo luận tại hội thảo

Không cần quá nhiều công ty xếp hạng tín nhiệm

Theo ông Minh, ở những thị trường có quy mô TPDN đang lưu hành lớn như Trung Quốc khoảng 7 ngàn tỷ USD có 9 công ty xếp hạng tín nhiệm, hay Hàn Quốc quy mô khoảng 1.5 ngàn tỷ USD có 3 công ty, cho thấy các thị trường trên thế giới không cần có quá nhiều công ty xếp hạng tín nhiệm.

Thực tế, ba công ty xếp hạng tín nhiệm nổi tiếng nhất trên thị trường là Moody’s, Fitch và S&P, có hai tổ chức nhà nước quản lý lớn nhất liên quan đến hoạt động cổ phiếu và trái phiếu nằm ở thị trường Mỹ và châu Âu. Trong hai thị trường này, ba công ty nêu trên chiếm hơn 90% tổng số lượng xếp hạng tín nhiệm.

Quay lại với thị trường Việt Nam, hiện có khoảng 740 doanh nghiệp có trái phiếu đang lưu hành, nếu tuân thủ theo quy định hiện tại về xếp hạng tín nhiệm bắt buộc có khoảng 240 doanh nghiệp phải thực hiện xếp hạng, nhưng thực tế số công ty cần phải thực hiên xếp hạng thấp hơn nhiều, vì chỉ cần thực hiện khi phát hành trái phiếu mới.

Trong 2024, tổng số doanh nghiệp cần phải xếp hạng không đến 100, do đó với 4 tổ chức được cấp phép xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam thì con số này không lớn.

“Khi thị trường lớn lên theo thời gian thì chất lượng các đơn vị xếp hạng cũng sẽ lớn lên tương ứng”, ông Minh cho hay.

Cũng theo ông Minh, trình độ xếp hạng tín nhiệm giữa các thị trường không khác biệt quá lớn. Ở thị trường quốc tế, Moody’s, Fitch và S&P thống lĩnh và ngay ở thị trường như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc thì các công ty xếp hạng thành công ở thị trường nội đia bản chất có sự liên kết với ba công ty lớn đó.

Có ba điểm chung mà bất kỳ công ty xếp hạng tín nhiệm nào cũng phải có, thứ nhất là tuân thủ quy định của cơ quan quản lý, thứ hai là có phương pháp xếp hạng đã được chứng minh qua thời gian, thứ ba là phải chính trực trong mọi hoạt động. Do đó, chất lượng dịch vụ sẽ tương tự như nhau ở các thị trường. Tuy nhiên, thực tế một số nhóm khách hàng lớn sẽ lựa chọn một nhóm tổ chức xếp hạng tín nhiệm nhất định, còn lại các tổ chức xếp hạng nhỏ hơn sẽ phục vụ các khách hàng nhỏ hơn.

Huy Khải

FILI

Các tin tức khác

>   4 điểm nghẽn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (18/05/2024)

>   Kế hoạch của ông Trump đối với Fed sẽ làm tái diễn tình trạng lạm phát của thập niên 1970 (18/05/2024)

>   Góc nhìn 17/05: Hạn chế tâm lý FOMO (16/05/2024)

>   Góc nhìn 16/05: Thị trường sẽ điều chỉnh nhẹ vào các phiên tiếp theo? (15/05/2024)

>   Góc nhìn 15/05: Sẽ có một đợt điều chỉnh? (14/05/2024)

>   Góc nhìn 14/05: Tiếp tục rung lắc? (13/05/2024)

>   Lợi nhuận hay dòng tiền? (13/05/2024)

>   Góc nhìn tuần 13 - 17/05: Vùng 1,220 - 1,230 đóng vai trò hỗ trợ? (12/05/2024)

>   Có nên kỳ vọng vào cổ phiếu DBC, ELC và REE? (13/05/2024)

>   ABS Research: Tiềm ẩn rủi ro tâm lý dao động mạnh trong tháng 5 (11/05/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật