Thứ Bảy, 04/05/2024 19:20

Lý do loạt địa phương giải ngân đầu tư công thấp dưới mức bình quân

Tỉnh Bình Thuận, tỉnh Gia Lai, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước, tỉnh Tây Ninh... nằm trong số các địa phương có mức giải ngân đầu tư công năm 2024 thấp hơn bình quân chung cả nước.

Giải ngân thấp 

Bộ Tài chính vừa gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo kết quả kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo Quyết định số 235/QĐ-TTg. 

Theo Quyết định 235, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng Tổ công tác số 5, hàng tháng có trách nhiệm kiểm tra các địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước trong số 12 địa phương: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án khu tái định cư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu 365 tỷ. Ảnh: Hoàng Anh

Trên cơ sở kết quả giải ngân 3 tháng đầu năm 2024, Bộ Tài chính cho biết có 6/12 địa phương (tỉnh Bình Thuận, tỉnh Gia Lai, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước, tỉnh Tây Ninh) thuộc Tổ công tác số 5 có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 thấp hơn bình quân chung cả nước.

Thực tế đến hết 31/3/2023 tỷ lệ giải ngân của các địa phương (tỉnh Bình Thuận: 8,77%, tỉnh Gia Lai 6,31%, tỉnh Đồng Nai 10,59%, tỉnh Bình Dương 11,98%%, tỉnh Bình Phước 10,7 %, tỉnh Tây Ninh 13,6%) cơ bản vẫn thấp hơn ước giải ngân bình quân chung cả nước.

Ước dự kiến khả năng giải ngân của 4 tháng năm 2024 của 6 địa phương, Bộ Tài chính đánh giá là "không có nhiều đột phá". Cụ thể, tỉnh Bình Thuận 12,88%, tỉnh Gia Lai 11,37%, tỉnh Đồng Nai 18,43%, tỉnh Bình Dương 16,79%, tỉnh Bình Phước 16,36%, tỉnh Tây Ninh 18,18%. 

Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, đến hết 31/3/2024, nhiền dự án đã được bố trí kế hoạch vốn vẫn chưa giải ngân hay số vốn giải ngân rất thấp (dưới 5% kế hoạch vốn năm 2024). Cụ thể, tỉnh Bình Thuận 5 dự án; tỉnh Gia Lai 17 dự án; tỉnh Đồng Nai 5 dự án; tỉnh Bình Dương 2 dự án; tỉnh Bình Phước 4 dự án; tỉnh Tây Ninh 2 dự án. 

Vướng về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện

Phân tích các yếu tố khiến giải ngân của các địa phương này đạt thấp, Bộ Tài chính chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về cơ chế chính sách (Đồng Nai, Gia Lai, Bình Dương).

Đơn cử tỉnh Đồng Nai, Điều 56 Luật Đầu tư công, quy định thời gian cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công tổ chức lập, thẩm định, tổng hợp kế hoạch đầu tư công năm sau gửi báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh từ ngày 30/6 đến 20/7 hằng năm. Thời gian Hội đồng nhân dân tỉnh phải tổ chức họp vào khoảng từ 20/7 đến 25/7 hằng năm để kịp thời thông qua dự kiến kế hoạch đầu tư công năm sau làm cơ sở để UBND tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. 

Như vậy, thời gian từ lúc Ủy ban nhân dân tỉnh trình dự kiến kế hoạch đầu tư công năm sau đến lúc diễn ra kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh là 5 ngày. Khoảng thời gian này không đủ để thực hiện các thủ tục cần thiết chuẩn bị cho kỳ họp.

Cụ thể: Ban kinh tế ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện thẩm tra, trình Thường trực Hội đồng nhân dân thông qua, đồng thời phải đảm bảo gửi tài liệu đến đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trước 7 ngày diễn ra kỳ họp (theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương). 

Còn với tỉnh Gia Lai, việc xác định giá đất còn nhiều bất cập dẫn tới nhiều dự án bị ảnh hưởng tới công tác giải phóng mặt bằng do chưa phê duyệt được giá đất cụ thể và hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất nên chưa có cơ sở phê duyệt được phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng tới việc bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. 

Một số dự án bị thiếu vật liệu san lấp. Tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội về việc thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, Quốc hội đã cho phép thí điểm chính sách khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với danh mục dự án được quy định tại Nghị quyết. Tuy nhiên, một số dự án của các địa phương hiện đang thiếu vật liệu đất đắp không thể áp dụng chính sách thí điểm nêu trên.

Vì vậy, địa phương kiến nghị Chính phủ giao các Bộ, cơ quan trung ương nghiên cứu, sửa đổi Luật Khoáng sản giao về địa phương quy định việc cấp phép khai thác đất san lấp hoặc quy định riêng về thủ tục cấp phép đối với đất san lấp để rút ngắn giai đoạn và thời gian thực hiện và có cơ chế riêng đối với các công trình sử dụng ngân sách nhà nước như đối với các dự án được Quốc hội cho phép thí điểm. 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho biết: Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang triển khai một số dự án mang tính chất liên kết vùng như dự án Nút giao Sóng Thần; dự án Nâng cấp, mở rộng đường An Bình và kết nối cầu vượt Sóng Thần; dự án cầu Thủ Biên mới được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 chưa có quy định trình tự thủ tục và thẩm quyền đối với dự án đầu tư công trên địa bàn 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; trong đó cho phép thí điểm chính sách một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua các địa phương đối với các dự án tại danh mục kèm theo Nghị quyết 106/2023/QH15.

Tuy nhiên, các dự án nêu trên của Bình Dương không nằm trong danh mục kèm theo Nghị quyết 106/2023/QH15 của Quốc hội. Do đó, việc đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn 2 tỉnh nêu trên từ nguồn vốn đầu tư công chưa có cơ sở pháp lý chặt chẽ.

Vì thế, địa phương đề nghị các Bộ, cơ quan liên quan sớm hướng dẫn việc đầu tư các dự án trên địa bàn 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh ngoài các dự án theo Nghị quyết số 106.

Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ chuyên ngành và các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, sớm trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý đối với các vướng mắc, kiến nghị của địa phương liên quan đến cơ chế, chính sách đã được Bộ Tài chính tổng hợp nêu trên. 

Qua công tác kiểm tra phân bổ kế hoạch vốn năm 2024 của Bộ Tài chính, cơ quan này khẳng định nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công còn ở khâu phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật đầu tư công, Quyết định giao vốn kế hoạch năm 2024 của Thủ tướng chính phủ.

Cụ thể, ngay từ đầu năm một số địa phương chưa phân bổ hết số kế hoạch vốn năm 2024, phân bổ chưa đảm bảo nguyên tắc tiêu trí bố trí đủ vốn cho các dự án hoàn thành, quyết toán, dự án chuyển tiếp, mới xem xét bố trí vốn cho các dự án khởi công mới, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; Bộ Tài chính đã có ý kiến về công tác phân bổ kế hoạch đầu tư công gửi các địa phương.

Bộ Tài chính kiến nghị UBND các tỉnh thực hiện việc phân bổ chi tiết theo đúng quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công (trước 31/12/2023); Trong đó, rà soát thật kỹ, phân bổ vốn tập trung, không dàn trải, theo đúng thứ tự ưu tiên, đúng đối tượng cho các nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư, có khả năng giải ngân; Tập trung bố trí đủ kế hoạch vốn năm 2024 cho các dự án quan trọng quốc gia, đường bộ cao tốc, đường liên kết vùng, đường ven biển và các dự án trọng điểm, tránh phân bổ dàn trải, không phân bổ vốn cho các dự án không có khả năng giải ngân;...

Lương Bằng

VietNamNet

Các tin tức khác

>   Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm (04/05/2024)

>   'Nhiều tập đoàn công nghệ lớn muốn đầu tư ngành bán dẫn tại Việt Nam' (04/05/2024)

>   Xây dựng Luật khu công nghiệp: Đón dòng đầu tư chất lượng cao (04/05/2024)

>   Doanh nghiệp liên quan vụ bán dự án điện mặt trời cho Trung Quốc, đề xuất làm 2 nhà máy điện gió ở Lâm Đồng (03/05/2024)

>   Nguyên Bí thư Tỉnh ủy gửi đơn tố cáo hành vi thông thầu ở Ninh Thuận (03/05/2024)

>   Chủ tịch Phan Văn Mãi: Giải ngân đầu tư công TPHCM chùng lại (03/05/2024)

>   Khẩn trương phân bổ, giải ngân vốn các dự án giao thông trọng điểm (03/05/2024)

>   Phó Thủ tướng: Không đề xuất xử lý những dự án BOT do 'lỗi' của doanh nghiệp (03/05/2024)

>   Thủy điện có còn dư địa để phát triển hay sẽ sớm bị thay thế? (03/05/2024)

>   Người Việt Nam đánh giá cao du lịch bền vững (03/05/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật