Thứ Tư, 15/05/2024 16:43

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ khai mạc ngày 20/5

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 15 nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Sáng 15/5, tiếp tục Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó, có 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 15 nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Dự kiến, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 26 ngày; khai mạc vào ngày 20/5/2024 và dự kiến bế mạc vào chiều 27/6/2024 (trong đó Quốc hội làm việc thứ Bảy ngày 25/5 và thứ Bảy ngày 8/6).

Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt. Cụ thể, đợt 1: từ ngày 20/5 đến ngày 8/6/2024; đợt 2: từ ngày 17/6 đến ngày 27/6/2024; dự phòng ngày 28/6/2024.

Giải trình về một số vấn đề, ông Bùi Văn Cường cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc thời điểm thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do chính sách bảo hiểm xã hội là chính sách đi sau cải cách tiền lương (trong khi cải cách tiền lương sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2024); ý kiến khác đề nghị lùi thời điểm trình Quốc hội thông qua dự án Luật này sang Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện, bảo đảm được đa số đồng thuận trước khi trình Quốc hội; “đánh giá kỹ tác động của cải cách chính sách tiền lương đối với lương hưu của người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7/2024; những người có mức lương hưu thấp, nhất là nhóm nghỉ hưu trước năm 1995”; “trình Quốc hội xem xét việc thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7 nếu bảo đảm đủ điều kiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.”

Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị trong dự kiến Chương trình Kỳ họp vẫn thể hiện quy trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này; trường hợp qua thảo luận còn có nhiều ý kiến khác nhau, chưa đạt được sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh thời điểm thông qua đối với dự án Luật này theo ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị các nội dung bảo đảm yêu cầu để kịp trình Quốc hội.

Đến thời điểm này các nội dung của kỳ họp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo

Mặc dù công tác chuẩn bị đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao, các cơ quan hữu quan chuẩn bị từ sớm nhưng hiện nay, trừ các nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp này, nhiều báo cáo thẩm tra và tài liệu một số dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp đang tiếp tục được hoàn thiện. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan khẩn trương hơn nữa để hoàn tất việc chuẩn bị các nội dung, kịp gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội trước khi khai mạc Kỳ họp.

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và tinh thần làm việc rất tích cực, khẩn trương của các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành.

Đến thời điểm hiện nay, các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thận trọng, kỹ lưỡng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trên tinh thần khẩn trương, tích cực, những gì còn vướng mắc thì phải giải quyết thấu tình, đạt lý; phấn đấu quyết tâm, quyết liệt thông qua tại Kỳ họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về một số nội dung như: Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa; dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)...

Cùng với đó, bổ sung hồ sơ về các nội dung: dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với dự thảo Nghị quyết về giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng.

Đối với những nội dung hết sức cấp bách, quan trọng, Phó Chủ tịch Thường trực lưu ý, phải cân nhắc thật sự kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tham mưu về thời gian, chương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 7 để xem xét, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội biểu quyết.

Việc chuẩn bị các dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua phải thật kỹ lưỡng, gọn, rõ, trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm chất lượng các nội dung trình Quốc hội, tạo sự đồng thuận cao.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Bộ Chính trị đề nghị Trung ương xem xét thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Hải (14/05/2024)

>   Ông Mai Tiến Dũng, Dương Văn Thái bị đề nghị khai trừ Đảng (14/05/2024)

>   Kỷ luật Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội (14/05/2024)

>   Dấu hiệu cải thiện kinh tế sau 4 tháng, làm sao giữ vững đà tăng? (14/05/2024)

>   Hôm nay khai mạc Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (13/05/2024)

>   Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc ngày 13/5 (12/05/2024)

>   Chính phủ kiên định tinh thần '5 quyết tâm,' '5 bảo đảm,' '5 đẩy mạnh', phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu năm 2024 (10/05/2024)

>   Hoan nghênh Mỹ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (09/05/2024)

>   Thủ tướng: Sớm đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng (09/05/2024)

>   Việt Nam có lợi gì nếu được Mỹ công nhận là “nền kinh tế thị trường”? (08/05/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật