Cổ phiếu ngân hàng “hụt hơi”
Thị trường trải qua tháng giao dịch nhiều biến động về hướng tiêu cực, khiến hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều chịu áp lực điều chỉnh mạnh.
Trong phần lớn thời gian giao dịch của tháng 4, áp lực bán chi phối tạo ra nhịp điều chỉnh trên thị trường. Kết phiên 26/4, VN-Index rơi về còn 1,209.52 điểm, giảm 6% so với cuối tháng 3. Trong đó, cổ phiếu ngành ngân hàng giảm chậm hơn mức giảm của VN-Index. Cụ thể, dữ liệu VietstockFinance cho thấy, chỉ số ngành ngân hàng tháng 4 giảm 5% so với tháng trước, về còn 684.86 điểm.
Vốn hóa bay màu gần 103 ngàn tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong tháng 4, giá trị vốn hóa của nhóm ngân hàng giảm 102,758 tỷ đồng, xuống còn 2.02 triệu tỷ đồng (tính đến 26/4/2024), giảm 5% so với mức hơn 2.1 triệu tỷ đồng của phiên cuối tháng 3.
Vốn hóa toàn ngành lao dốc khi cả 3 ông lớn ngân hàng “gốc” Nhà nước đều có vốn hóa giảm đáng kể, trong đó VietinBank (CTG) giảm 8%, BIDV (BID) giảm 6% và Vietcombank (VCB) giảm 4%.
Phần lớn nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân cũng có vốn hóa giảm mạnh trong biên độ 2-16%. Trong đó, vốn hóa của NVB giảm mạnh nhất nhóm ngân hàng khi thị giá giảm 16%, về còn 4,956 tỷ đồng.
Lội ngược dòng, vẫn có một vài cổ phiếu cải thiện vốn hóa nhờ thị giá tăng như LPBank (tăng 19%), VBB (tăng 11%) và VAB (tăng 10%). Hai mã VBB và VAB có thị giá tăng sau khi ĐHĐCĐ thông qua việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức và cổ phiếu thưởng năm 2024, trong đó VBB muốn phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2023 tỷ lệ 25% còn VAB dự kiến phát hành cổ phiếu thưởng năm 2024 với tỷ lệ 39%.
Riêng LPB có thị giá tăng đến từ kết quả kinh doanh quý đầu năm tích cực với lợi nhuận trước thuế tăng 84% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện 27% kế hoạch. Đồng thời, ngày 23/4 vừa qua, LPBank công bố nghị quyết HĐQT thông qua việc triển khai phương án chào bán 800 triệu cp cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.
Nguồn: VietstockFinance
|
Thanh khoản sụt nhẹ
Tháng 4 có hơn 231 triệu cp ngân hàng được chuyển giao mỗi ngày, giảm 2% so với tháng 3, tương đương giảm gần 4 triệu cp/ngày. Giá trị giao dịch giảm 1%, về mức 5,389 tỷ đồng/ngày.
Nguồn: VietstockFinance
|
Đáng chú ý, các ngân hàng có thanh khoản tăng mạnh là VBB (tăng 77%), SSB (tăng 61%) và HDB (tăng 35%).
Ở chiều ngược lại, Nam A Bank (NAB) là cổ phiếu có thanh khoản giảm mạnh nhất trong tháng qua, xuống còn 1.8 triệu cp được chuyển giao mỗi ngày, giảm 61% so với tháng Ngân hàng chào sàn HOSE.
Tháng này, thanh khoản cổ phiếu MBB vượt lên dẫn đầu với hơn 23 triệu cp được giao dịch khớp lệnh mỗi ngày và gần 6 triệu cp/ngày được “sang tay”, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt gần 29 triệu cp, tăng 5% so với tháng trước.
BAB vẫn là nhà băng có thanh khoản thấp nhất chỉ với 5,357 cp được giao dịch mỗi ngày, giảm 27% so với tháng trước, giá trị chỉ gần 66 triệu đồng/ngày.
Nguồn: VietstockFinance
|
Khối ngoại bán ròng 520 tỷ đồng
Áp lực bán của khối ngoại gia tăng trong tháng 4 với gần 47 triệu cp ngân hàng bị bán ròng, tăng 68% so với tháng 3. Trong khi đó, giá trị bán ròng đạt 520 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với tháng trước.
Nguồn: VietstockFinance
|
Với thanh khoản cao nhất ngành trong tháng qua, cổ phiếu của MBB cũng được khối ngoại ưu ái khi mua ròng mạnh nhất với gần 17 triệu cp (427 tỷ đồng) trong tháng 4. Trái lại, khối ngoại chốt lời cổ phiếu SHB với khối lượng bán ròng mạnh nhất gần 30 triệu cp, giá trị tương đương 328 tỷ đồng.
Khang Di
FILI
|