Ranh giới của điều chỉnh và những lần "thoát hiểm"
VN-Index đã ở rất gần với trạng điều chỉnh sau nhịp giảm trong tháng 4/2024. Dù chưa thể loại bỏ đi rủi ro nhưng xác suất tích cực vẫn tồn tại dựa trên dữ liệu trong quá khứ. Ngoài ra, vai trò của Ngân hàng sẽ lại một lần nữa cần được thể hiện.
Ranh giới của điều chỉnh và những lần "thoát hiểm"
Cho đến hết tháng 4/2024, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn trong xu hướng tăng tiếp diễn đã được bắt đầu từ năm 2023. Chỉ số đã tăng trưởng 7.04% sau khi đã tăng 12.2% trong năm 2023.
Tuy nhiên, kể cả trong những năm tăng điểm tích cực của thị trường, các nhịp điều chỉnh vẫn có thể xuất hiện thậm chí có những năm đã có nhịp giảm trên 20%. Thống kê, kể từ năm 2012 cho đến nay, thị trường đang có 11 lần tăng điểm nhưng điều chỉnh (giảm từ 10-20%) hoặc thị trường con gấu (giảm trên 20%) đã xuất hiện tổng cộng 8 lần.
Nhịp giảm trong tháng 4/2024 đã đưa thị trường bước gần tới ranh giới của điều chỉnh với mức giảm sâu nhất từ mức đỉnh đầu năm (Maximum drawdown -MDD) đo được là 9.89%.
Với những phiên hồi phục ngay trước kỳ nghỉ lễ, VN-Index đã lấy lại mốc 1,200 điểm và đồng thời tạm tránh được mốc điều chỉnh.
Tất nhiên, sự sợ hãi của nhà đầu tư vẫn chưa hoàn toàn biến mất, dẫn đến việc chưa thể loại bỏ hết xác suất xảy ra hiện tượng điều chỉnh. Tuy nhiên, vẫn có khả năng thị trường có thể tạo đáy ngắn hạn và có thể lần thứ 3 không xảy ra việc chỉ số mất hơn 10% từ đỉnh.
Gần nhất, thị trường đã được chứng kiến Maximum drawdown (MDD) dưới 10% trong các năm 2017 và năm 2019 với mức giảm lần lượt 8,11% và 7,99%. Trong đó, năm 2017 là năm chỉ số VN-Index có mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 15 năm trở lại, đạt 48%.
Thành tích của VN-Index tới hết tháng 4/2024 không chỉ kém xa năm 2017 mà cũng chưa vượt qua kết quả của năm 2019.
Để có thể tránh được điều chỉnh, chỉ số sẽ cần phải nỗ lực bồi đắp thêm những kết quả đã đạt được trong 4 tháng đã qua trong đó vai trò của nhóm cổ phiếu chủ lực như Ngân hàng sẽ cần phải được thể hiện.
Ngân hàng vẫn là nòng cốt của thị trường
Theo thống kê từ cả 3 sàn, đã có 14/27 mã Ngân hàng ghi nhận mức giảm trên 10% từ mức đỉnh của năm 2024. Dù vậy, vẫn có 13 mã chỉ giảm dưới 10%.
Trong top 10 cổ phiếu có thanh khoản cao nhất (dựa trên bình quân 20 phiên gần nhất), tỷ lệ cổ phiếu chưa điều chỉnh và đã điều chỉnh vẫn đang cân bằng với 5/5 mã.
Đi sâu hơn vào vận động của các cổ phiếu Ngân hàng, cũng cần chú ý hơn tới những cổ phiếu "mạnh" nhất - những cổ phiếu lập kỷ lục giá trong giai đoạn đầu năm 2024. Cụ thể, đã có 7 cổ phiếu lập kỷ lục giá và một trường hợp gần phá kỷ lục là CTG.
Cổ phiếu CTG đã có mức giá cao nhất trong năm 2024 là 37.150 đồng/cổ phiếu, cách mức giá cao nhất thời đại 10 đồng (Đồ thị tuần của CTG)
|
Với 8 cổ phiếu "mạnh" nhất ngành Ngân hàng, chỉ có 3 mã đã ghi nhận sự điều chỉnh là CTG (-12%), MBB (-13%), BID (-13%).
Ngược lại, có 5 cổ phiếu chưa xuất hiện sự điều chỉnh là NAB (-1%), LPB (-2%), HDB (-4%), ACB (-7%), VCB (-9%) trong đó LPB mới xác lập mức giá cao nhất lịch sử vào phiên giao dịch ngày 25/4 (trước kỳ nghỉ lễ 1 phiên giao dịch).
Để thị trường lấy lại niềm tin sau kỳ nghỉ lễ các cổ phiếu "mạnh" nhất của nhóm Ngân hàng sẽ cần duy trì được thể trạng trong khi các mã đã ghi nhận điều chỉnh sẽ cần sớm thu hẹp lại MDD.
Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam, ông Nguyễn Thế Minh cho biết, thị trường đã có dấu hiệu cân bằng khi VN-Index về vùng 1.170 điểm nơi có đường xu hướng trung hạn MA200 hiện diện.
Dù không đưa ra dự báo về mức đáy của chỉ số, ông Minh kỳ vọng thị trường có thể tìm được đáy vào những tuần cuối tháng 4 vừa qua. "Khi tin xấu ai cũng biết rồi thì đã không còn xấu nữa", ông Minh cho biết thêm.
Ngoài ra, thị trường cũng trở nên hấp dẫn hơn khi các cổ phiếu Ngân hàng đã giảm trước thị trường và hiện đã về mức định giá PB khá cân bằng. Theo ông Minh, các nhóm ngành Ngân hàng, chứng khoán sẽ là nhân tố không thể thiếu khi thị trường hồi phục trở lại. Cùng với đó, nhà đầu tư có thể tham khảo các nhóm dịch vụ dầu khí, công nghệ, bất động sản.
Quân Mai
FILI
|