Nhịp đập Thị trường 02/05: VN-Index bứt phá cuối ngày, khối ngoại lại tạo mối lo
Càng về cuối phiên chiều, thị trường càng chứng kiến những nhịp tăng dứt khoát hơn. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 6.84 điểm lên 1,216.36 điểm, HNX tăng 0.67 điểm lên 227.49 điểm và UPCoM tăng 0.75 điểm lên 89.51 điểm. Thanh khoản có phần giảm sút.
Sắc xanh bao phủ đến 18 ngành, đẩy lùi sắc đỏ về chỉ còn 7 ngành. Mức tăng cũng ấn tượng với 11 ngành tăng trên 1%, trong đó có 2 ngành dẫn đầu là công nghệ thông tin tăng 3.2%, động lực đến từ FPT tăng 3.33%, CTR tăng 2.82% và CMG tăng 3.36%.
Đứng ngay sau là dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tăng 2.49%, thúc đẩy VNC tăng 8.29%, KPF tăng 1.65% hay nổi bật là nhóm tư vấn xây dựng điện với TV2 tăng 1.84%, TV4 tăng 5.83% và TV4 tăng 1.54%.
Ở nhóm giảm điểm, chỉ có ngành chứng khoán giảm trên 1%, sức ép đến từ SSI giảm 1.42%, VND giảm 1.69%, VCI giảm 1.38% hay HCM giảm 2.59%. Các ngành còn lại đều có mức giảm nhẹ dưới 1%.
Tính riêng lẻ cổ phiếu, FPT, VCB và SAB là 3 cổ phiếu mang về nhiều điểm số nhất cho VN-Index, lần lượt 1.3 điểm, 1 điểm và 0.7 điểm. Tổng cộng 10 cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho chỉ số hôm nay là gần 5.2 điểm, cao hơn con số 2.4 điểm giảm của nhóm 10 cổ phiếu đứng đầu về lấy đi điểm số.
Khối ngoại có lẽ là nốt trầm lớn nhất trong phiên hôm nay khi bán ròng hơn 1,038 tỷ đồng, mạnh nhất trong 9 phiên trở lại đây. Tội đồ gọi tên BWE với giá trị bán ròng đến 524 tỷ đồng, biến mọi nỗ lực mua ròng 243 tỷ đồng tại MWG trở nên vô nghĩa. Như vậy, chỉ sau 1 phiên quay lại mua ròng, khối ngoại đã quay lại với hành động quen thuộc trong thời gian gần đây.
Khối ngoại quay đầu bán ròng trong phiên 02/05/2024 |
|
14h00: Sắc xanh trở lại
Kể từ đầu phiên chiều, dù vẫn có những sự đan xen tăng giảm nhưng xu hướng chung là hồi phục so với phiên sáng. Hiện chỉ số VN-Index đang tăng 1.78 điểm lên 1,211.3 điểm, UPCoM tăng 0.75 điểm lên 89.5 điểm, riêng HNX giảm nhẹ 0.17 điểm còn 226.65 điểm.
Sự cân bằng hơn trong diễn biến các nhóm ngành đã được thể hiện. Tại thời điểm 14h, thị trường có 12 ngành tăng điểm và 13 ngành giảm điểm, đa phần đều biến động dưới 1%.
Đối với nhóm tăng điểm, ngoài công nghệ thông tin và bán lẻ, xuất hiện thêm 3 ngành tăng trưởng trên 1% là cao su tăng 1.66%, dẫn đầu bởi DRC tăng 2.38% và CSM tăng 1.37%; tiện ích tăng 1.34% với POW tăng 5.24%, PGV tăng 2.25%, IDC tăng 4.45% hay SIP tăng 3.33%; thực phẩm đồ uống tăng 1.22% với VNM tăng 0.46%, MSN tăng 0.6% và SAB tăng 4.04%.
Ở nhóm giảm điểm, chỉ có ngành chứng khoán giảm trên 1%, sức ép đến từ SSI giảm 1.85%, VND giảm 1.94%, VCI giảm 1.81% hay HCM giảm 2.22%.
Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng, giá trị hơn 507 tỷ đồng. Thanh khoản có đôi chút suy yếu so với phiên trước và trung bình 5 phiên gần nhất.
Phiên sáng: Sắc đỏ lan tỏa cuối phiên
Dù phần lớn thời lượng phiên sáng thị trường duy trì tăng điểm nhẹ, nhưng việc các cổ phiếu trụ không đủ vững, bên cạnh các nhóm ngành giảm điểm dần lan tỏa khiến thị trường kết phiên sáng trong sắc đỏ. Cụ thể, VN-Index giảm 1.57 điểm còn 1,208 điểm, HNX giảm 0.63 điểm còn 226.19 điểm, chỉ có chỉ số sàn UPCoM vẫn còn giữ được sắc xanh khi tăng 0.64 điểm lên 89.40 điểm.
Về các cổ phiếu trụ, dù vẫn đóng góp điểm tăng cho VN-Index nhưng mức độ đã bị thu hẹp dần về cuối phiên sáng, nổi bật là FPT và VCB. Trong khi đó, CTG, GVR, VIC hay BID tiếp tục giảm điểm dẫn đến sự xoay vần điểm số thị trường.
Top cổ phiếu tác động VN-Index phiên 02/05 |
|
Dần về cuối phiên sáng, số lượng nhóm ngành giảm điểm ngày càng nhiều, để rồi kết phiên sáng có đến 16 ngành giảm điểm, mạnh nhất phải kể đến chứng khoán giảm 1.75% và tài chính khác giảm 1.35%. Đối ứng là số lượng nhóm ngành tăng điểm thu hẹp đáng kể, chỉ còn lại 9 ngành, tích cực nhất là công nghệ thông tin và bán lẻ.
Về giao dịch khối ngoại, MWG được mua ròng đến hơn 182 tỷ đồng, cao nhất thị trường. Tuy nhiên, việc khối ngoại bán ròng trải đều trên các mã như SSI, DIG, CTG, VCB, VRE, HPG… khiến mọi nỗ lực của MWG là không đủ tạo thế cân bằng.
Top 10 cổ phiếu khối ngoại bán ròng mạnh nhất phiên sáng 02/05/2024 (Tính đến 11h30) |
|
10h40: FPT và VCB nỗ lực giữ sắc xanh
Sau nhiều diễn biến giằng co, thị trường dù vẫn giữ được sắc xanh nhưng đã suy giảm đáng kể. Tại thời điểm 10h40, VN-Index chỉ còn tăng 0.6 điểm, đạt 1,210.12 điểm; UPCoM tăng 0.82 điểm lên 89.58 điểm, riêng HNX đỏ nhẹ 0.48 điểm, còn 226.34 điểm. Thanh khoản có sự gia tăng nhẹ so với phiên trước và trung bình 5 phiên gần nhất.
Ở thời điểm giữa phiên, VN-Index có lúc tăng 4.33 điểm, 2 cổ phiếu trụ là FPT và VCB đã đóng góp lần lượt 1.64 điểm và 1.38 điểm, tổng cộng hơn 3 điểm. Ngoài việc hỗ trợ đà tăng, 2 “ông lớn” này còn hạn chế sức nặng từ VIC, CTG, GVR.
Khối ngoại gia tăng bán ròng, tập trung vào DIG hơn 44 tỷ đồng và SSI gần 41 tỷ đồng, tiếp đến là VRE hay DGC với các mức bán ròng dưới 20 tỷ đồng. Nhìn chung, đà bán ròng phiên hôm hay áp đảo phe mua ròng, dẫn đầu bởi MWG và SAB.
Đà lan tỏa cho tín hiệu tốt hơn đầu phiên sáng khi số lượng ngành tăng điiểm đã chiếm ưu thế hơn. Tổng cộng có 15 ngành tăng điểm, mạnh nhất là công nghệ thông tin tăng 3.83%, dẫn dắt bởi FPT tăng 3.9%, tiếp tục hướng đến ngưỡng giá kỷ lục mới, theo sau là CMG tăng 2.8% và CTR tăng 0.48%. Nhóm bán lẻ vẫn duy trì sự tích cực với mức tăng 1.48%, động lực vẫn là MWG, ngoài ra còn có thêm FRT, sau những kết quả kinh doanh quý 1 khả quan được hé lộ.
Ngược lại, nhóm chứng khoán, bất động sản tạm thời là 2 nhóm gây sức ép lớn nhất lên thị trương, tuy nhiên các mức giảm đều dưới 1%.
Mở cửa: Hưởng ứng nhiều thông tin tích cực
Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên 02/05 xanh nhẹ trên cả 3 sàn, dù chịu đôi chút áp lực sau đó nhưng thị trường nhanh chóng lấy lại sắc xanh. Tính đến thời điểm 9h40, VN-Index tăng 2.11 điểm lên 1,211.57 điểm; HNX-Index tăng 0.06 điểm lên 226.88 điểm; UPCoM tăng 0.55 điểm lên 89.31 điểm.
Tin tức đáng chú ý nhất trước giờ mở cửa của chứng khoán Việt Nam có lẽ Chủ tịch Fed Jerome Powell hầu như loại trừ động thái tiếp theo của ngân hàng trung ương có thể là nâng lãi suất, xoa dịu lo ngại của nhà đầu tư rằng Fed đang mất kiểm soát lạm phát dai dẳng, qua đó giúp Dow Jones tăng điểm. Tuy nhiên, thị trường chung lại suy giảm do đà lao dốc của cổ phiếu các công ty sản xuất con chip gây áp lực cho chỉ số S&P 500.
Một tin tức khác là chỉ số PMI của Việt Nam tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm trong tháng 4, đạt 50.3 điểm, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện nhẹ và đây là lần cải thiện thứ ba trong bốn tháng qua.
Trên thị trường, VCB đóng vai trò trụ đỡ khi mang về 1.5 điểm tăng cho VN-Index, xếp sau là các cổ phiếu vốn hóa lớn khác như MWG đóng góp 1.6 điểm và BID đóng góp 0.4 điểm. Ngược lại, CTG, VIC và GVR là 3 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất, lấy đi tổng cộng 1.8 điểm.
Khối ngoại tạm thời bán ròng nhẹ hơn 85 tỷ đồng, tập trung vào DIG (10.7 tỷ đồng), SSI (10 tỷ đồng), TCH (7.9 tỷ đồng) và HPG (7.8 tỷ đồng). Trong khi đó, MWG được mua ròng 8.8 tỷ đồng không đủ để tạo sự cân bằng.
MWG tăng tốt hơn 2.19%, đóng góp lớn vào chỉ số VN-Index và được mua ròng, đồng thời là cổ phiếu đang dẫn dắt nhóm bán lẻ trở thành nhóm tăng mạnh nhất thị trường với mức tăng 1.39%. Còn lại 10 nhóm ngành tăng điểm khác nhưng mức tăng không đáng kể, đều dưới 1%.
Ngược lại, việc bộ ba VHM, VRE, VIC đều giảm điểm đã tạo áp lực lên nhóm bất động sản, khiến nhóm này giảm 0.82 điểm, mạnh nhất thị trường. Tiếp đến còn có nhóm vật liệu xây dựng giảm 0.8%, chứng khoán giảm 0.8%.
Huy Khải
FILI
|