Thứ Ba, 09/04/2024 10:05

Sau tăng vốn, ROE thấp có phải là bất lợi của VPBank?

Nếu chỉ nhìn vào con số, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của VPBank giảm mạnh trong năm 2023 cho thấy hoạt động chưa hiệu quả. Nhưng đào sâu vào bên trong lý do vì sao ROE đột ngột giảm mạnh sẽ thấy đây lại là lợi thế cạnh tranh của VPBank trong tương lai.

Kết thúc năm 2023, VPBank là ngân hàng có mức giảm ROE mạnh nhất trong tổng số các ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Hệ số ROE của VPBank giảm từ 16% cuối năm 2022 xuống còn 9.3% cuối năm 2023.

ROE là một trong những chỉ số quan trọng nhất thường được các nhà đầu tư đánh giá hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp. Chỉ số này phản ánh lợi nhuận được tạo ra từ đồng vốn của cổ đông bỏ ra. ROE càng cao có nghĩa doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh càng hiệu quả. Trong giai đoạn 2017-2022, VPBank luôn dao động trong khoảng từ 20-25%, thuộc nhóm các ngân hàng có chỉ số ROE cao nhất hệ thống. Sự hiệu quả hoạt động này cũng được thể hiện rõ ở lợi nhuận liên tục tăng cao trong nhiều năm. Trong giai đoạn 10 năm từ 2014 đến 2023 lợi nhuận trước thuế tăng 7 lần, tương đương mức tăng trưởng kép hằng năm gần 24%.

 

Tuy nhiên, với chỉ số ROE cuối năm 2023 chỉ đạt 9.3%, có phải VPBank đang hoạt động kém hiệu quả đi? Soi kỹ báo cáo tài chính của VPBank, có thể thấy rằng nguyên nhân chính tác động đến ROE của ngân hàng này không phải do hoạt động thiếu hiệu quả, mà do nguồn vốn chủ sở hữu tăng lên mạnh vào quý IV/2023. Sau thương vụ phát hành riêng lẻ thành công 15% vốn cổ phần cho cổ đông chiến lược SMBC của Nhật Bản, VPBank thu về gần 36 nghìn tỷ đồng. Lượng vốn này đổ vào khiến cho tổng vốn chủ sở hữu của ngân hàng tăng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng, đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 trên thị trường.

Công ty Chứng khoán Maybank nhận định trong một báo cáo về VPBank gửi tới các nhà đầu tư cuối tháng Ba rằng, cũng khẳng định ROE của VPBank giảm xuống thấp trong năm 2023 là “do được bơm vốn rất lớn trong năm 2022-2023.” Maybank cũng nhận định chỉ số ROE của ngân hàng này sẽ tiếp tục ở mức “khiêm tốn” trong giai đoạn 2024-2026 vì VPBank sẽ cần một khoảng thời gian là 2-3 năm để “triển khai sức mạnh vốn” đang có.

Thực tế, việc ROE sẽ giảm mạnh là một điều tạm thời phải chấp nhận sau khi ngân hàng triển khai kế hoạch phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược. Đổi lại, VPBank sẽ có một nguồn vốn lên tới hơn 1.5 tỷ USD có chi phí bằng 0 sẵn sàng phục vụ các kế hoạch kinh doanh dài hạn. Nhìn tổng thể, trong bối cảnh hiện tại, ROE tạm thời giảm mạnh xuống sẽ tạo động lực tăng trưởng cho VPBank trong tương lai khi nắm trong tay một lượng vốn lớn.

“Nền tảng vốn vững chắc luôn là điều kiện tiên quyết trong hoạt động ngân hàng, từ đó mới có thể giúp ngân hàng có cơ sở vững chắc để vượt qua thời kỳ khó khăn nhất”, bà Lưu Thị Thảo, Phó Tổng giám đốc thường trực, Giám đốc Điều hành cao cấp của VPBank nói với các nhà đầu tư tại một cuộc gặp gỡ trực tuyến gần đây. Bà Thảo nhấn mạnh nền tảng vốn lớn chính là lợi thế cạnh tranh mạnh của VPBank trong bối cảnh nhiều ngân hàng ở Việt Nam vẫn bị cho là thiếu vốn.

Nhờ được bổ sung một lượng lớn vào vốn chủ sở hữu, VPBank trong năm 2023 là ngân hàng có hệ số an toàn vốn cao nhất hệ thống, đạt 17.1%. Ông Trần Thái Bình, chuyên gia phân tích thị trường từ Công ty Chứng khoán VPBankS, ước tính 1% tăng lên của hệ số CAR tương ứng với tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng 1.7% ở kì tiếp theo. Chiếu theo quy tắc này, nếu tăng trưởng tín dụng (hợp nhất) của VPBank trong 2023 là 25.6% thì sang 2024 tăng trưởng tín dụng có thể lên đến 32.4%.

“Tiềm lực tài chính dồi dào sẽ giúp VPBank bứt phá giới hạn, không chỉ dừng lại ở các trụ cột khách hàng cá nhân, SME và tài chính tiêu dùng mà còn có thể thúc đẩy các mảng kinh doanh mới, đặc biệt là phân khúc khách hàng FDI nhờ mối quan hệ đối tác chiến lược với SMBC trong nỗ lực tận dụng cơ hội thị trường để tối đa hóa doanh thu và lợi nhuận, đồng thời hỗ trợ cho các phân khúc kinh doanh truyền thống”, ông Bình nói.

Rất có thể, ngay trong năm 2024 này, VPBank sẽ cho thấy lợi thế về quy mô vốn của ngân hàng sẽ phát huy hiệu quả ra sao. Trong tài liệu gửi tới các cổ đông vài tuần trước kỳ họp đại hội đồng cổ đông, VPBank đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế hơn hai lần so với năm 2023. Trong đó, ngân hàng mẹ sẽ có lợi nhuận hơn 20 nghìn tỷ đồng. Các công ty con gồm FE CREDIT, VPBankS và OPES dự kiến sẽ có mức lợi nhuận lần lượt là 1,200 tỷ đồng, 1,900 tỷ đồng và hơn 800 tỷ đồng.

FILI

Các tin tức khác

>   Lãi suất sẽ hình thành xu hướng tăng trong thời gian tới? (09/04/2024)

>   Thiếu nguồn lực sẽ khó thúc đẩy sandbox cho FinTech (08/04/2024)

>   Thêm giải pháp ổn định thị trường ngoại hối (08/04/2024)

>   Giá USD lùi nhẹ (07/04/2024)

>   Saigonbank đặt mục tiêu lãi trước thuế 2024 đạt 368 tỷ đồng, tăng 11% (08/04/2024)

>   Sacombank: Lợi nhuận giữ lại lũy kế vượt 18,300 tỷ đồng, không đề cập chia cổ tức (07/04/2024)

>   Nhận diện chiêu lừa đảo mới nhằm chiếm đoạt tiền mùa quyết toán thuế (06/04/2024)

>   Triệt phá đường dây thu thập thông tin cá nhân mở hàng trăm tài khoản ngân hàng trái phép (06/04/2024)

>   Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng công khai mặt bằng lãi suất cho vay trước ngày 10/4 (06/04/2024)

>   Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Không đẩy tín dụng ồ ạt vì nợ xấu đang tăng nhanh (06/04/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật