Nhận diện chiêu lừa đảo mới nhằm chiếm đoạt tiền mùa quyết toán thuế
Đối tượng lừa đảo gọi điện thoại tự xưng là cán bộ thuế yêu cầu cung cấp thông tin, hình ảnh CCCD để được hỗ trợ làm thủ tục giảm thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế, hướng dẫn cài đặt phần mềm độc hại…
Công ty Chứng khoán VPS vừa đưa ra cảnh báo thủ đoạn lừa đảo, khuyến cáo khách hành tránh bị lộ thông tin tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và mất tiền oan.
Cảnh báo được đưa ra bởi tháng 4-2024 này là kỳ cao điểm quyết toán thuế năm 2023.
Theo đó, đối tượng gọi điện thoại tự xưng là cán bộ cục thuế, chi cục thuế các địa phương, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin, hình ảnh CCCD để được hỗ trợ làm thủ tục giảm thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế… Tiếp đó, đối tượng hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng phần mềm độc hại trên điện thoại để nhận được thông tin từ cơ quan thuế.
Một thủ đoạn khác là giả mạo trang web có giao diện gần giống với trang web của cơ quan, doanh nghiệp để nạn nhân lầm tưởng là trang web của đơn vị cung cấp; giả mạo tin nhắn (SMS) brand name của Tổng Cục Thuế để phát tán tin nhắn giả mạo; thậm chí gọi điện hăm dọa, sử dụng chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người nộp thuế.
Các đối tượng xấu còn giả mạo cơ quan chức năng hỗ trợ dịch vụ công, yêu cầu cung cấp thông tin, gửi hình ảnh CCCD và gửi các đường link kèm hướng dẫn cài đặt ứng dụng di động độc hại để chiếm quyền điều khiển điện thoại.
"Nhằm ngăn chặn nguy cơ bị xâm nhập và đánh cắp thông tin tài khoản, tránh thiệt hại về tài chính, khách hàng tăng cường biện pháp bảo mật như sử dụng phương thức xác thực 2 lớp Smart OTP kết hợp các biện pháp xác thực vân tay, khuôn mặt chống đánh cắp mã PIN, OTP" - Công ty Chứng khoán VPS khuyến cáo.
Thực tế, thủ đoạn giả mạo cơ quan thuế, tòa án, viện kiểm sát, công an… liên tục được cảnh báo nhưng thời gian qua vẫn không ít người bị lừa và mất hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng.
Các thủ đoạn lừa đảo liên tục được cập nhật và cảnh báo, nhưng vẫn có rất nhiều người bị lừa mất tiền trong tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán...
|
Một chiêu thức lừa đảo khác cũng vừa được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cảnh báo là cuộc gọi giả mạo cán bộ BIDV mời, tư vấn mở hoặc nâng hạn mức thẻ tín dụng. Tiếp đó, kẻ gian đề nghị kết bạn trên Zalo để hướng dẫn, có thể gửi kèm link yêu cầu tải app hoặc cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản nhằm chiếm đoạt tài sản.
BIDV khẳng định không yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản qua Zalo và các kênh mạng xã hội khác.
Trong khi đó, Ngân hàng Quốc Dân (NCB) thông tin về một loạt chiêu thức lừa đảo tinh vi của tội phạm công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
NVC khuyến cáo khách hàng cần cảnh giác với thủ đoạn mạo danh cơ quan công an, viện kiểm sát, Tổng Cục Thuế, Bộ Y tế… để gọi điện yêu cầu cài đặt ứng dụng giả mạo của Chính phủ, Tổng Cục Thuế. Mục tiêu của kẻ gian là chiếm quyền kiểm soát thiết bị (điện thoại, máy tính bảng) của khách hàng từ xa, chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng rồi đánh cắp tiền.
"Dù bất kể thủ đoạn lừa đảo, giả mạo là gì thì kẻ gian thường thúc giục khách hàng cung cấp thông tin tài khoản hoặc truy cập vào link để điền thông tin đăng nhập… Đặc biệt, chúng luôn yêu cầu cung cấp mã OTP, Smart OTP vừa gửi đến cho khách hàng. Chỉ cần có mã OTP, Smart OTP, kẻ gian sẽ chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng của khách hàng và lấy cắp tiền" - đại diện NCB giải thích.
Các ngân hàng, công ty chứng khoán khuyến cáo khách hàng cần tuyệt đối bảo mật thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, không cung cấp mã OTP, smart OTP trong bất cứ trường hợp nào, để tránh mất tiền oan.
|
Thái Phương
Người lao động
|