Thứ Hai, 08/04/2024 13:44

Thiếu nguồn lực sẽ khó thúc đẩy sandbox cho FinTech

Dự thảo mới về quy chế thử nghiệm sandbox cho ngành FinTech đi đúng nguyên tắc tiếp cận, tuy vậy, để cơ chế này thực sự thúc đẩy đổi mới sáng tạo cần giải quyết bài toán về nguồn lực quản lý.

Thu hẹp cơ hội tham gia sandbox

Trải qua bốn năm “thái nghén”, Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) công nghệ tài chính (FinTech) trong lĩnh vực ngân hàng một lần nữa được công bố rộng rãi để lấy ý kiến các bên liên quan, từ đầu tháng 3-2024.

Nhìn chung, ban soạn thảo đã thể hiện rõ sự am hiểu bản chất của cách tiếp cận pháp lý và vận hành của sandbox là quản lý dựa theo nguyên tắc thay vì dựa trên quy định cụ thể. Do đó, nội dung Dự thảo chủ yếu bao gồm các quy định mang tính nguyên tắc chung, tiêu chí khung để phù hợp với tính mới, sáng tạo của các giải pháp FinTech vốn chưa thể nhận diện đầy đủ rủi ro ngay khi nó ra đời.

Quan điểm chủ đạo trong Dự thảo vừa được công bố nghiêng về phòng ngừa, hạn chế tối đa rủi ro trong quá trình thử nghiệm. Điều này thể hiện khá rõ thông qua việc thu hẹp đáng kể phạm vi lĩnh vực được thử nghiệm so với hai dự thảo được công bố trước đó vào tháng 5-2020 và tháng 4-2022, từ bảy nhóm lĩnh vực giải pháp công nghệ tài chính giảm xuống còn ba lĩnh vực.

Không những vậy, Dự thảo cũng nêu rõ nguyên tắc về việc giới hạn số lượng tối đa tổ chức được xét duyệt tham gia sandbox. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ căn cứ vào khả năng xét duyệt hồ sơ và năng lực giám sát trong từng thời kỳ, phù hợp với điều kiện phát triển thực tế của thị trường trên cơ sở tự nguyện tham gia của các tổ chức để quyết định và công khai số lượng tổ chức được xét duyệt trong từng thời kỳ trên tổng số tổ chức nộp hồ sơ tham gia.

Với hai quy định nêu trên, có vẻ ban soạn thảo đang tiếp cận theo hướng vô cùng thận trọng để vừa vặn với nguồn lực sẵn có cũng như hạn chế tối đa rủi ro khi triển khai sandbox. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc thu hẹp cơ hội của các tổ chức có giải pháp FinTech được tham gia sandbox.

Nguồn lực dành cho hoạt động quản lý và triển khai sandbox hoàn toàn dựa vào bộ máy sẵn có với nhân sự kiêm nhiệm tại chỗ. Điều này tạo nên gánh nặng rất lớn đối với NHNN khi triển khai sandbox trên thực tế.

Theo thông lệ quốc tế và thực tiễn triển khai sandbox tại một số nước, việc hạn chế số lượng tổ chức được xét duyệt tham gia sandbox không phải là quy định mang tính cá biệt. Vương quốc Anh, Ấn Độ, Singapore hay Malaysia đều có quy định về việc giới hạn số lượng tổ chức tham gia thử nghiệm. Việc xét duyệt hồ sơ đăng ký thường được tiến hành theo từng đợt và số lượng tối đa của từng đợt sẽ được công bố thông tin rộng rãi để toàn thị trường có thể tiếp cận.

Tuy vậy, việc trao quyền cho cơ quan quản lý trong việc xác định số lượng trong trường hợp này có thể tiềm ẩn một số rủi ro.

Thứ nhất, với tính chất là các quy định mang tính nguyên tắc, cơ quan quản lý có mức độ linh hoạt và tùy nghi quá lớn trong quá trình áp dụng pháp luật. Điều này có thể dẫn đến tình trạng quan liêu, cơ chế xin – cho hay chạy đua xin cấp phép tham gia sandbox.

Thứ hai, tính công bằng trong việc xét duyệt có thể không được đảm bảo nếu cơ quan hữu quan thiếu sự khách quan trong việc đánh giá các hồ sơ đăng ký tham gia sandbox.

Thứ ba, khi số lượng tổ chức tham gia sandbox đã đạt tới giới hạn tối đa, các tổ chức có giải pháp FinTech đột phá hoặc sáng tạo hơn sẽ không có cơ hội được tham gia cơ chế thử nghiệm. Điều này không tạo được động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Hai giải pháp có thể sử dụng để giải quyết những lo ngại nêu trên đó là: (i) quy định chi tiết và rõ ràng quy trình xét duyệt, nguyên tắc xác định thứ tự ưu tiên và nghĩa vụ công bố thông tin của cơ quan quản lý; (ii) đa dạng hóa thành phần hội đồng xét duyệt hồ sơ đăng ký với sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan khác nhau và các thành viên độc lập như các chuyên gia trong ngành.

Trở lại quy định hiện tại của Dự thảo, mặc dù đã có quy định về việc công khai số lượng tổ chức được xét duyệt trong từng thời kỳ trên tổng số tổ chức nộp hồ sơ tham gia, thế nhưng quy trình xét duyệt lại chưa đề cập đến nguyên tắc xác định thứ tự ưu tiên khi có cùng lúc nhiều tổ chức có giải pháp FinTech nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện tham gia sandbox.

Bài toán nguồn lực

Nguồn lực quản lý và vận hành sandbox là một bài toán cần giải. Người viết cho rằng đây cũng là một trong những lý do dẫn đến sự thận trọng của ban soạn thảo trong việc xác định phạm vi lĩnh vực giải pháp FinTech được tham gia sandbox khá hẹp như Dự thảo vừa công bố, cũng là lý giải cho quy định hạn chế số lượng tổ chức tham gia sandbox trong từng thời kỳ.

Thông lệ quốc tế cho thấy, để quản lý và vận hành sandbox, các nước cần một nguồn lực đủ điều kiện về chất lượng cũng như số lượng. Theo đó, để triển khai một sandbox cho 1 FinTech từ đầu đến cuối, cơ quan quản lý cần một nhóm nhân sự từ 2-6 người cùng với sự tham gia của một cán bộ cấp cao dành thời gian để hỗ trợ, giám sát. Đồng thời, việc này cũng phải cần được phân bổ một lượng ngân sách nhất định.

Các yêu cầu này là một bài toán nan giải cho cơ quan quản lý Việt Nam. Bởi lẽ, toàn bộ máy, trong đó có Chính phủ cũng như NHNN đều đối mặt với nhiệm vụ tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế theo chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trong bối cảnh này, nguồn lực dành cho hoạt động quản lý và triển khai sandbox hoàn toàn dựa vào bộ máy sẵn có với nhân sự kiêm nhiệm tại chỗ. Rõ ràng, nguồn nhân lực quản lý dành riêng cho đổi mới sáng tạo nói chung và trong lĩnh vực FinTech nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Điều này tạo nên gánh nặng rất lớn đối với NHNN khi triển khai sandbox trên thực tế.

Thêm nữa, theo tinh thần của Dự thảo, quá trình rà soát, thẩm định hồ sơ đăng ký tham gia sandbox sẽ do NHNN làm đầu mối nhưng có sự phối hợp của bảy bộ liên quan gồm Bộ Công an, Tư pháp, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ). Cơ chế lấy ý kiến bằng văn bản dự kiến sẽ được sử dụng. Do đó, tổ chức đăng ký tham gia sandbox phải nộp 8 bộ hồ sơ qua cơ chế một cửa. Sau đó, dựa vào ý kiến của từng bộ, ngành, tổ chức nộp hồ sơ phải làm giải trình.

Việc lấy ý kiến cùng lúc nhiều bộ ngành với việc triển khai các giải pháp sáng tạo trên thực tế trong bối cảnh chưa có pháp luật quy định là cần thiết, để đóng góp các góc nhìn chuyên môn đa chiều cũng như chia sẻ trách nhiệm với NHNN. Tuy nhiên, cơ chế này khá rườm rà và đặc biệt sẽ phát sinh vấn đề khi giữa các bộ, ngành không có sự đồng thuận về quan điểm.

Người viết đồng ý với nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần một cách tiếp cận mới về cách tổ chức nguồn lực quản lý để thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như triển khai các sandbox, trước mắt là sanbox đối với FinTech và hướng đến sandbox trong nhiều lĩnh vực khác. Do đó, việc thành lập một cơ quan có địa vị pháp lý rõ ràng, có cơ chế đặc thù, tập hợp nguồn lực, có tinh thần đổi mới, sáng tạo (có thể là Ủy ban đổi mới sáng tạo hoặc Ủy ban cơ chế thử nghiệm) là một giải pháp cần được cân nhắc.

Bên cạnh đó, việc triển khai các sandbox luôn tiềm ẩn những rủi ro pháp lý không chỉ đối với tổ chức tham gia sandbox mà còn đối với cơ quan quản lý, nhân sự triển khai. Bởi lẽ, tính chất của các giải pháp FinTech là mới, sáng tạo và chưa lường hết được rủi ro khi đưa vào thực tế. Do đó, việc quy định rõ những trường hợp miễn trách nhiệm pháp lý cho đội ngũ quản lý triển khai sandbox là điều cần thiết. Chỉ có như thế, cơ quan quản lý mới mạnh dạn theo đuổi và thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo.

Lưu Minh Sang

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Thêm giải pháp ổn định thị trường ngoại hối (08/04/2024)

>   Giá USD lùi nhẹ (07/04/2024)

>   Saigonbank đặt mục tiêu lãi trước thuế 2024 đạt 368 tỷ đồng, tăng 11% (08/04/2024)

>   Sacombank: Lợi nhuận giữ lại lũy kế vượt 18,300 tỷ đồng, không đề cập chia cổ tức (07/04/2024)

>   Nhận diện chiêu lừa đảo mới nhằm chiếm đoạt tiền mùa quyết toán thuế (06/04/2024)

>   Triệt phá đường dây thu thập thông tin cá nhân mở hàng trăm tài khoản ngân hàng trái phép (06/04/2024)

>   Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng công khai mặt bằng lãi suất cho vay trước ngày 10/4 (06/04/2024)

>   Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Không đẩy tín dụng ồ ạt vì nợ xấu đang tăng nhanh (06/04/2024)

>   Nghẽn vốn, doanh nghiệp mong muốn gì? (05/04/2024)

>   Lãi suất qua đêm liên ngân hàng hạ nhiệt sau khi lập đỉnh 1 năm (05/04/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật