Những chuyển động trên thị trường tiền tệ
Thị trường tiền tệ đang phát đi những tín hiệu không mấy tích cực, với lãi suất đang có dấu hiệu đi lên trở lại tại một số khu vực, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có phiên hỗ trợ thanh khoản qua thị trường mở. Liệu đây chỉ là những diễn biến nhất thời?
Chuyển động đáng chú ý
Sau khi tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3, đầu tuần này, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục leo thang, với lãi suất kỳ hạn qua đêm trong phiên giao dịch ngày 01/04 đã leo lên mức 3.45%/ năm, tăng 0.94% so với phiên giao dịch cuối tháng 3, trong khi các kỳ hạn 1 và 2 tuần cũng tăng thêm 0.8%. Nếu so với mức đáy gần nhất vào ngày 22/3, lãi suất qua đêm đã tăng mạnh 3.32%, kỳ hạn 1 tuần tăng 3.29% và 2 tuần tăng 2.33%.
Ngày hôm sau (02/04), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ có động thái ngừng phát hành tín phiếu. Chẳng những vậy, cơ quan này còn hỗ trợ thanh khoản ngược lại qua thị trường mở (OMO), khi mua hơn 5,952 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4% từ 1 tổ chức tín dụng. Đã khá lâu rồi nhà điều hành mới quay trở lại với việc bơm thanh khoản qua kênh OMO như thế, khi mà thời gian qua nguồn vốn của hệ thống luôn dồi dào.
Những diễn biến này dễ đưa đến lo ngại sau nhiều phiên NHNN liên tục hút ròng qua kênh tín phiếu, thanh khoản hệ thống hiện đã bắt đầu chịu áp lực trở lại, nhất là khi nhìn vào sự chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động vốn của toàn hệ thống trong 3 tháng đầu năm nay. Tính đến ngày 25/03, trong khi dư nợ tín dụng đã tăng trưởng dương trở lại so với đầu năm là 0.26%, tăng trưởng huy động vốn vẫn đang sụt giảm 0.76%.
Bên cạnh đó, việc một số nhà băng trong nhóm NHTM cổ phần tư nhân gần đây tăng lãi suất huy động trở lại dường như cũng phản ánh nhu cầu huy động vốn đang tăng trở lại. Cụ thể, từ nửa cuối tháng 3, khung lãi suất tiền gửi các ngân hàng như VPBank, SHB hay Eximbank đã tăng thêm 0.1-0.3%. Dù vậy, ở chiều ngược lại thị trường cũng chứng kiến nhiều nhà băng tiếp tục giảm thêm lãi suất, trong đó đáng chú là nhóm Big 4, như Vietcombank mới đây ngày 01/04 đã giảm thêm 0.1% lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn.
Đặc biệt, cũng cần lưu ý rằng động thái hỗ trợ bơm thanh khoản qua kênh OMO của NHNN trong ngày 02/04 có lẽ chỉ mang tính đặc thù và nhất thời, giữa lúc một nhà băng đang phải đối mặt với tin đồn liên quan đến lãnh đạo của ngân hàng. Vì vậy, để có thêm cơ sở đánh giá về áp lực thanh khoản của hệ thống, cần phải chờ đợi thêm động thái của nhà điều hành trong những phiên giao dịch kế tiếp.
Ngoài ra, lượng tín phiếu mà NHNN bắt đầu phát hành từ ngày 11/03 sẽ bắt đầu đáo hạn lần lượt từ đầu tuần tới (ngày 08/04), khi đó sẽ có một lượng lớn thanh khoản được bơm trả lại hệ thống trong trường hợp nhà điều hành không tiếp tục phát hành thêm tín phiếu. Tính đến ngày 02/04, số lượng tín phiếu NHNN đang lưu hành đã lên tới 171,700 tỷ đồng, trong đó riêng lượng đáo hạn trong tuần sau lên tới 75,000 tỷ đồng, cũng có thể góp phần hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống.
Động thái nhà điều hành
Trong báo cáo mới đây, ngân hàng UOB cho rằng với tốc độ hoạt động kinh tế đang được cải thiện và triển vọng tăng trưởng tốt hơn vào năm 2024, khả năng cắt giảm lãi suất tiếp theo vẫn ở mức thấp nhưng không nên loại trừ hoàn toàn. Cũng theo báo cáo, tỷ lệ lạm phát tăng nhanh gần đây có thể khiến NHNN thận trọng hơn nữa trong bất kỳ thay đổi nào về lãi suất chính sách. UOB nhận định: "NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4.5%. Thay vì tiếp tục hạ lãi suất với các hạn chế trong tính toán mức chặn dưới, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế".
Trong khi đó, điều thị trường quan tâm hơn sẽ là những động thái của nhà điều hành trên thị trường mở. Liệu cơ quan này có tiếp tục phát hành tín phiếu trong thời gian tới hay đã chính thức ngừng lại, sự hỗ trợ thanh khoản qua kênh OMO có kéo dài? Điều này có lẽ sẽ phụ thuộc vào diễn biến tỷ giá cũng như tình hình thị trường tiền tệ liệu có đón nhận thêm tin tức tiêu cực nào có tính ảnh hưởng lớn hay không?
Cũng cần nhắc lại rằng chính sách phát hành tín phiếu của NHNN từ giữa tháng 3 được cho là nhằm hút bớt thanh khoản tiền đồng dư thừa và kiềm chế tỷ giá, khi mà một số tổ chức tín dụng với nguồn vốn nhàn rỗi giai đoạn đó đã tăng cường lướt sóng ngoại tệ và tận dụng chênh lệch lãi suất giữa USD và VNĐ trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức lớn. Do đó, với tỷ giá USD/VNĐ hiện vẫn đang neo cao và có dấu hiệu đi lên trở lại trong những ngày gần đây, không loại trừ khả năng nhà điều hành có thể tiếp tục phát hành tín phiếu.
Dù vậy, cũng có một số yếu tố ủng hộ cho phương án ngừng hút tiền của NHNN, hoặc nếu có tiếp tục cũng chỉ ở mức thấp so với giai đoạn trước. Thứ nhất là với hoạt động tín dụng của các nhà băng có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn từ quý 2, mức độ dư thừa thanh khoản của hệ thống sẽ không còn quá lớn như những tháng đầu năm nay. Cụ thể sau 2 tháng đầu năm sụt giảm, dư nợ tín dụng riêng trong quý 3 đã tăng lại được gần 1%, tương đương mức tăng tuyệt đối gần 133,000 tỷ đồng.
Thứ hai là liều lượng tín phiếu phát hành của NHNN trong hơn nửa tháng quá cũng đã ở mức khá lớn. Một số dự báo trước đó cho rằng quy mô hút ròng cao nhất trong giai đoạn này có thể rơi vào khoảng 150,000 tỷ đồng, tuy nhiên con số hút ròng hiện đã lên mức 171,700 tỷ đồng chỉ trong vòng 16 phiên. Dù con số này vẫn thấp hơn mức 255,600 tỷ đồng của giai đoạn gần nhất từ ngày 21/9-8/11/2023, nhưng bối cảnh của 2 giai đoạn và các áp lực lên thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối, rõ ràng có sự khác biệt.
Điều thị trường quan tâm hơn sẽ là những động thái của nhà điều hành trên thị trường mở. Liệu cơ quan này có tiếp tục phát hành tín phiếu trong thời gian tới hay đã chính thức ngừng lại, sự hỗ trợ thanh khoản qua kênh OMO có kéo dài? Điều này có lẽ sẽ phụ thuộc vào diễn biến tỷ giá cũng như tình hình thị trường tiền tệ liệu có đón nhận thêm tin tức tiêu cực nào có tính ảnh hưởng lớn hay không?
|
Phan Thụy
FILI
|