Thứ Hai, 08/04/2024 13:11

Làm sao để ESG doanh nghiệp bớt tốn kém?

Khái niệm ESG hiện đại được hình thành vào những năm 2000, ban đầu được áp dụng cho phân tích tài chính để xác định rủi ro, đánh giá tác động tích cực của doanh nghiệp với xã hội. Dần dần, nó trở thành công cụ, một kim chỉ nam để đánh giá rủi ro các khoản đầu tư vào doanh nghiệp, để tránh bỏ tiền vào những thương vụ gây tác động xấu và phi đạo đức.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, từ bối cảnh các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững được dấy lên không chỉ ở Việt Nam mà ở phạm vi toàn cầu, ESG đã trở thành chủ đề được bàn tán rộng khắp.

“Cả thế giới đang quan tâm đến ESG” là nhận định mang tính thực tế, gần như chẳng thể phủ nhận.

Một buổi chiều nắng đẹp, người viết may mắn có dịp trò chuyện cùng hai nhân vật. Đó là bà Nguyễn Phạm Kim Ngân - Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Nepa Social Enterprise và “GLC Project”, Chuyên gia tư vấn phát triển bền vững và doanh nghiệp tạo tác động; và ông Phạm Nguyễn Hoàng Thịnh - Tổng Giám đốc CTCP Giáo Dục STEMax, điều phối viên chương trình CREST Awards, chương trình giáo dục STEM trọng điểm của Vương Quốc Anh tại Đông Nam Á.

Bà Ngân hoạt động trong mảng tư vấn các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (social impact) và phát triển bền vững. Ông Thịnh là chuyên gia mảng giáo dục, cũng thường xuyên hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp thực hiện phát triển bền vững. Dưới góc nhìn của hai chuyên gia, câu chuyện ESG tại Việt Nam có những điều còn trăn trở và cần phải tìm được giải pháp.

Tại COP26, Việt Nam đã cam kết lộ trình đạt Net Zero (trung hòa phát thải) vào năm 2050. Mục tiêu này phù hợp với xu hướng chung trên thế giới. Tuy nhiên, bà Ngân đánh giá Việt Nam còn rất nhiều điều cần làm để đạt được mục tiêu này.

“Việt Nam nằm trong số 50 - 60 quốc gia đầu tiên cam kết đạt Net Zero theo lộ trình này. Nhưng cần biết rằng, Nhật Bản cũng nằm trong số các quốc gia cam kết cùng Việt Nam, mà họ đang khá ngần ngại. Thực tế, Nhật Bản đã đi trước khi phát động các chiến dịch kinh tế xanh từ thập niên 1990” - vị chuyên gia nhận định.

Một trong các giải pháp để đạt được mục tiêu này là yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động một cách bền vững, rộng ra là thực hiện ESG.

“Nguồn gốc của ESG bắt nguồn từ SDG (PV: Sustainable Development Goals - các mục tiêu phát triển bền vững). Khung ESG đầu tiên được phát triển tại tổ chức Hội nghị Trái đất đầu tiên tại Rio de Janeiro, còn được gọi là “Earth Summit năm 1992” đồng thời với sự ra đời của các SDG. Trong 17 mục tiêu SDG của Liên hiệp quốc (UN), họ phân biệt bao nhiêu mục tiêu vào E, bao nhiêu vào S, bao nhiêu vào G” - bà Ngân giải thích.

Thông qua các khảo sát, UN đã có các chương trình giúp Việt Nam phát triển các SDG từ năm 2020. Bốn năm trôi qua, việc thực hành phát triển bền vững tại các doanh nghiệp cũng đã có thành tựu. Theo báo cáo Phát triển Bền vững Doanh nghiệp năm 2023 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ doanh nghiệp thực hành phát triển bền vững tại Việt Nam đang ngày càng tăng. Cụ thể, số doanh nghiệp niêm yết thực hiện báo cáo phát triển bền vững đã tăng từ 60% (năm 2020) lên 70% (năm 2022) và 80% (năm 2023).

Tuy vậy, vị chuyên gia cho rằng những con số vẫn còn khá hạn chế và khiêm tốn. Sự hỗ trợ của UN hiện vẫn đang tập trung vào truyền thông chính sách, du lịch, nông nghiệp, dịch vụ...

“Các mục tiêu Net Zero tại Việt Nam phải được định hình vào năm 2030 - tức còn 6 năm nữa. Việt Nam đã có những ký kết cùng châu Âu (CBAM, EUDR) và Mỹ (Dự thảo cạnh tranh sạch). Việt Nam cam kết thực hiện theo lộ trình đó, nhưng cùng hạn định với Nhật Bản - đất nước đã đi trước chúng ta 30 năm. Có nghĩa, đây là một vấn đề rất khẩn thiết, cấp bách, để đạt được lộ trình ESG và Net Zero” - bà Ngân kết luận.

Theo bà Ngân, Việt Nam vẫn còn tồn tại những vấn đề lớn. Đầu tiên, Việt Nam sở hữu một nền kinh tế thâm dụng tài nguyên thiên nhiên (đất, nước và môi trường), nhưng lại chưa biết cách tận dụng hiệu quả.

“Gần đây có xu hướng trong giới trẻ về việc ‘vất vả quá thì về quê nuôi cá và trồng thêm rau’. Vui thôi, nhưng cũng cho thấy sự thâm dụng tự nhiên đã tồn tại từ suy nghĩ. Có điều, nhận thức về việc tận dụng tự nhiên hiệu quả ra sao thì chưa được cao. Chúng ta bào mòn tự nhiên quá nhiều” - vị chuyên gia nói thêm.

Thứ hai là nội lực doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế. Đơn cử là các ngành công nghiệp phụ trợ hầu hết đều phải nhập khẩu. “Việt Nam còn thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển mạnh như Thái Lan, Philippines hay Indonesia... đang sở hữu” - bà Ngân nhận định.

Tuy vậy, bà tin rằng Việt Nam đang có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và vị trí địa lý tốt. “Nhìn chung, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Trong bối cảnh này, việc thực hành ESG vừa là động lực, vừa là áp lực, vừa là cơ hội cho Việt Nam”.

Bên cạnh đó, là người đã đồng hành nhiều năm cùng các doanh nghiệp tạo tác động xã hội, chuyên gia Kim Ngân cũng thấu hiểu những khó khăn của các doanh nghiệp khi phải thực hiện ESG một cách bài bản.

“Có những doanh nghiệp, bản thân hoạt động đã có lồng ghép các yếu tố phát triển bền vững trong đó. Nhưng ESG hiện tại đã được chuẩn hóa, cần báo cáo theo các chuẩn quy tắc nhất định. Với các doanh nghiệp này, việc ép họ phải báo cáo không được thực tế cho lắm, vì các chi phí phát sinh”.

Dẫu vậy, bà Ngân đánh giá ESG sẽ là xu hướng tất yếu trên thế giới, bởi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang dần bắt buộc phải báo cáo. Như EU (Liên minh châu Âu) gần đây đã ban hành chính thức việc bắt buộc các doanh nghiệp lớn phải công bố phải công bố báo cáo  thẩm định bền vững (CSDD).

“Quan trọng là dù có hay không có ESG, chuyện phát triển bền vững là bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Sớm hay muộn, họ đều cần phải được trang bị kỹ năng, kiến thức về vấn đề này. Nhìn chung, ESG nằm ở cái tâm của doanh nghiệp, vì có những bên họ không cần theo đuổi mà bản chất họ đã định hướng theo bền vững, thậm chí là hơn thế nữa. Tôi cho rằng Chính phủ cần nhận ra và có những chính sách hỗ trợ họ. Còn đối với các doanh nghiệp chỉ theo đuổi lợi nhuận, sẽ cần có những chế tài nhất định” - bà Ngân kết luận.

Đồng tình, chuyên gia Hoàng Thịnh cũng cho rằng, công tác phát triển bền vững tại Việt Nam tồn tại những hạn chế. Nhưng ở góc nhìn của một chuyên gia giáo dục, ông nhận định vấn đề nằm ở “con người”, về cách chúng ta tận dụng các nguồn tài nguyên như thế nào.

“SDG không chỉ là môi trường, mà còn là con người. Bởi một trong các mục tiêu SDG từ UN là Quality Education - chất lượng giáo dục” - trích lời ông Thịnh.

Ông Thịnh chia sẻ, một trong những điều hỗ trợ tăng trưởng bền vững là sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên. Từ chuyện tắt - bật đèn, học online hay offline, cho đến các hoạt động bình thường như sử dụng giấy… đều có ảnh hưởng đến hiệu suất công việc.

“Doanh nghiệp đưa ra bài bài toán kinh doanh, nếu không có phương án kiểm soát nguồn lực, đó sẽ là sự lãng phí về con người, thời gian và tài nguyên. Chẳng hạn với dự án nghiên cứu R&D, nếu có những con người biết cách tận dụng tài nguyên hiệu quả, chỉ cần thời gian ít hơn với số tiền nhỏ hơn. Nhưng chỉ mải mê làm mà không có sự kiểm soát, có thể tốn tới hàng chục tỷ đồng mà chưa chắc hiệu quả”.

Yếu tố con người sẽ là rất quan trọng để biết cách sử dụng tài nguyên hiệu quả và theo chuyên gia Hoàng Thịnh là cần phải được giáo dục: “Tôi có làm việc với một số trường đại học nước ngoài. Các trường như như vậy sẽ liên kết với những tập đoàn bán dẫn, bệnh viện… Các tập đoàn đặt hàng đại học đào tạo để ra được thế hệ nhân viên kế cận đã được tiếp thu về phát triển bền vững và đặc biệt là hiệu suất công việc.

Nhìn chung, câu chuyện phát triển bền vững chính là con người. Tôi cũng mở doanh nghiệp và đôi khi nó rất phí phạm ở cách chúng ta quản lý con người như thế nào”.

Chắc chắn là “Có”, bởi một trong những vấn đề lớn nhất để phổ biến ESG nằm ở chi phí. Tất nhiên, cần phải hiểu chi phí dành cho phát triển bền vững là một khoản đầu tư dài hạn. Việc xây dựng quy trình, chuẩn mực, mô hình phục vụ cho chuyển đổi ESG ban đầu có tốn kém, nhưng về lâu dài sẽ trở về cân bằng và dần dần lợi ích có thể vượt xa. Khi chi phí bỏ ra mang lại lợi ích lớn, đó là hiệu quả đầu tư.

Đây là câu chuyện đã được chứng minh bằng thực tế nghiên cứu. Như Tập đoàn tài chính Fidelity tại Mỹ đã đưa ra phân tích về các khoản đầu tư liên quan đến ESG trên phạm vi toàn cầu, giai đoạn 1970 - 2014, cho thấy hơn 50% các khoản đầu tư này cho hiệu suất tốt hơn các nhóm khác trên thị trường. Hoặc, Công ty Morningstar tại Mỹ cũng có nghiên cứu cho thấy các quỹ đầu tư tập trung vào ESG có biến động thấp hơn, mang lại lợi nhuận đều đặn.

Tuy vậy, thực tế nhãn tiền vẫn là khoản chi phí cần bỏ ra cho ESG là không nhỏ, qua đó trở thành rào cản cho nhiều doanh nghiệp tiếp cận và chuyển đổi. Vấn đề là liệu có cách nào giảm bớt các khoản chi phí?

Về điểm này, chuyên gia Kim Ngân cho biết, Việt Nam đang có các chương trình kêu gọi sự giúp đỡ từ UN, châu Âu,  Mỹ... Bản thân Việt Nam đã cam kết theo lộ trình, nghĩa là có quyền kêu gọi giúp đỡ. Những sự giúp đỡ này, nhìn rộng ra, có thể hỗ trợ xây dựng cộng đồng tiêu thụ sản phẩm xanh, giải quyết bài toán đầu ra cho doanh nghiệp. Khi đã có đầu ra ổn định, doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để thực hiện.

“Như GLC nơi tôi làm việc có thể hỗ trợ, vì chúng tôi đi từ ý thức cộng đồng. Cộng đồng chính là khách hàng tiêu thụ các sản phẩm xanh. Một khi cộng đồng ý thức được, bài toán đầu ra cho các sản phẩm xanh có thể được giải quyết và bản thân các doanh nghiệp cũng có động lực tiếp tục phát triển bền vững” - trích lời bà Ngân.

“Ngoài ra còn các hợp tác công - tư (PPP). Về cơ bản, thực hành ESG gồm hai phần: kỹ thuật (technical) và nhận thức. Khi cả hai điều này kết hợp, chúng ta mới có hiệu quả bền vững. Các hợp tác công - tư có thể cải thiện công tác quản trị doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, tăng nhận thức cho cộng đồng. Khi cộng đồng đã có ý thức, đó mới là điều bền vững nhất. Từ hàng chục năm trước đã có các hợp tác công - tư xuất hiện, nhưng hiệu quả chưa được cao”.

Một vấn đề khác, theo bà Ngân, là Chính phủ cần tạo hành lang để các tổ chức quốc tế tiếp cận, giúp đỡ Việt Nam trong việc thực hành ESG. “Việt Nam hiện đang đi chậm hơn Trung Quốc về mảng này, khi nước bạn đã giảm được 37% lượng phát thải. Chúng ta đã cam kết thực hiện, nhưng còn hạn chế về chi phí, do đó cần kêu gọi giúp đỡ, tạo hành lang để các tổ chức quốc tế tiếp cận, giúp đỡ”.

Trong khi đó, Thạc sĩ Hoàng Thịnh đưa một giải pháp khác để doanh nghiệp có thể làm lớn với nguồn lực nhỏ hơn. Đó là câu chuyện về nền kinh tế chia sẻ - Sharing Economy.

“Nền kinh tế chia sẻ, hiểu đơn giản, là tận dụng các nguồn lực nhàn rỗi, san sẻ vào chuỗi giá trị. Ví dụ như cách Uber hay Airbnb đã làm, dù còn nhiều hạn chế. Ví dụ khác, 1 khu phố có 5 hàng phở, sẽ có hàng bán ế, hàng bán được. Hàng ế sẽ phải đổ đi, đó là sự lãng phí. Thay vào đó, chúng ta không mở hàng phở mà mở nước mía, trà sữa… qua đó tận dụng được nguồn lực tốt hơn.

Nghĩa là thay vì cố gắng ôm đồm phần lớn của một miếng bánh nhỏ, mỗi người hãy ăn phần nhỏ của miếng bánh lớn hơn” - vị chuyên gia đề cập.

Theo ông Thịnh, nhiều startup hiện nay đang rơi vào xu hướng sẵn sàng tiêu tốn nhiều nguồn lực để tăng tính cạnh tranh. Trong khi đó, Sharing Economy có thể xem là từ khóa để tạo ra con đường giúp các doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận mà giảm được chi phí, tối ưu được các nguồn tài nguyên. Và việc tối ưu tài nguyên thực chất cũng là một trong những tiêu chuẩn của phát triển bền vững.

Tuy nhiên, Sharing Economy tại Việt Nam vẫn còn đang chậm phát triển, một phần do doanh nghiệp chưa tìm hiểu kỹ về pháp lý, nên còn tồn tại tâm lý lo sợ.

Có một vấn đề cần phải làm rõ, đó là các chuẩn phát triển bền vững không chỉ có một. CSR (Corporate Social Responsibility - trách nhiệm xã hội) sẽ cần nhiều tiền, dành cho các doanh nghiệp lớn và không bắt buộc; SDG (Sustainable Development Goals) thì không tốn tiền, cũng không bắt buộc; còn ESG là bắt buộc và phải tốn tiền. Với nhiều doanh nghiệp, CSR và ESG tương đối khó, nhưng có thể làm SDG vì nó gắn liền với nội tại hoạt động của họ.

Hai vị chuyên gia làm việc trong những lĩnh vực khác nhau, nhưng đều có những câu chuyện liên quan đến phát triển bền vững của doanh nghiệp và có lẽ phần nào tạo nên một nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp.

“Tôi từng tư vấn cho một doanh nghiệp về mật ong, nuôi ong để bảo vệ rừng nguyên sinh nên sản lượng rất ít. Tôi đồng hành cùng họ hơn 1 năm. Ban đầu, họ xây dựng bộ máy nhân sự, vì đây là một doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Để vận hành được, họ cần phải gọi vốn từ các quỹ” - chuyên gia Kim Ngân chia sẻ.

“Họ không phụ thuộc vào việc sản xuất số lượng lớn để lấy lời, mà lồng ghép vào việc nâng nhận thức cho các khu rừng nguyên sinh, để giáo dục cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong khu vực hiểu rằng bảo vệ rừng đi liền với sản xuất. Khi họ biết có các chương trình từ nước ngoài quan tâm, họ biết có thể thuyết phục hợp tác xã để nuôi ong theo hướng bảo vệ (không thuốc trừ sâu, không can thiệp nhiều, nhìn chung là hoàn toàn tự nhiên). Chỉ là, doanh nghiệp này không đủ tiền để mang sản phẩm qua nước ngoài (ở đây là Thụy Sỹ) để có chứng nhận.

Gần đây, doanh nghiệp này đã nhận được quỹ khoảng vài trăm ngàn USD để phát triển chương trình của mình. Tôi đánh giá doanh nghiệp này không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, mà nuôi dưỡng hệ sinh thái bảo vệ rừng, bảo vệ loài ong không bị tận diệt”.

Ông Hoàng Thịnh tiếp cận ở một góc nhìn khác. Là người làm về giáo dục, mang phương pháp giáo dục STEM (Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán) về Việt Nam, vị chuyên gia tiếp cận câu chuyện phát triển bền vững dưới góc độ tìm kiếm giải pháp thay thế từ khoa học công nghệ, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp.

“Một lần, tôi đến diễn đàn phát triển bền vững, có tập đoàn lớn nói rằng họ sẽ sử dụng toàn bộ bao bì 100% là nhựa tái sinh (nhựa tái chế) và nhựa phân hủy.

Lúc này, tôi nghĩ đến một chuyện khác. Chẳng hạn một doanh nghiệp khởi nghiệp sản xuất ra nước uống đóng chai, họ cần cạnh tranh về giá. Nếu họ sử dụng nhựa tái sinh, chi phí sẽ cao hơn, rất khó để kinh doanh. Nếu như có chế tài bắt buộc làm, rất khó để xuất hiện các doanh nghiệp mới, mà họ buộc phải làm dưới doanh nghiệp lớn. Hoặc họ phải đổ số tiền lớn để R&D mà chưa chắc đã kinh doanh được, hoặc họ sẽ phải làm ‘chui’ và lại dẫn đến câu chuyện khó giải đáp về chi phí ESG” - ông Thịnh cho hay.

Theo ông Thịnh, khoa học công nghệ chính là đáp án để giải quyết câu chuyện này.

“Ví dụ như PLA - nhựa phân hủy sinh học, chỉ phân hủy sau vài năm so với hàng trăm năm của nhựa thường. Vấn đề lớn nhất là giá. Mặc dù PLA có giá thành cao hơn các loại nhựa phổ biến hiện nay, nhưng với việc áp dụng khoa học, giá thành của chúng có thể được giảm xuống đáng kể trong tương lai. Ví dụ như nhóm học sinh mà STEMax hướng dẫn đã tạo ra một công thức trộn PLA và bã cà phê mới, không chỉ giúp giảm giá thành nhựa, tận dụng bã cà phê sau sử dụng mà còn làm tăng độ bền của PLA nhưng thay đổi rất ít về thời gian phân hủy. Doanh nghiệp khởi nghiệp có thể sử dụng loại nhựa này”.

Ông Thịnh cho rằng bản chất câu chuyện về khoa học công nghệ với các sản phẩm như vậy không khó. Điều cần thiết là tìm kiếm các nhà đầu tư chịu rót tiền, giúp các công nghệ mới như PLA trở thành nguyên liệu giá rẻ để các startup có thể tiếp cận.

“Như tập đoàn lớn nêu trên, nếu như quy định tất cả các bao bì phải sử dụng nhựa tái sinh hoặc nhựa có nguồn gốc sinh học, các doanh nghiệp nhỏ sẽ khó có cơ hội cạnh tranh về giá. Câu chuyện nhựa và ‘chất thải trắng’ rất tốt về môi trường và tập đoàn cũng đang làm tốt. Tuy nhiên, việc này cũng buộc các doanh nghiệp nhỏ phải đầu tư thêm chi phí, gây khó khăn trong quá trình kinh doanh.

Các doanh nghiệp thực chất không cần quá lo về việc đạt chuẩn được hay không, mà đo lường bằng hiệu quả kinh tế đạt được so với nguồn lực - SDG sẽ nằm trong đó luôn. Với một nguồn lực bỏ ra không nhiều mà mang lại hiệu quả lớn, chỉ số này đo lường được. Đó là hiệu quả chi phí (cost efficiency). Tiền bạc bỏ ra thực chất liên đới với tài nguyên thiên nhiên, dù là người, xe cộ, phương tiện… Nếu bỏ ra ít mà hiệu quả lớn, đó là SDG rồi”.

Xét cho cùng, việc phổ biến hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay là điều khẩn thiết. Kết thúc buổi trò chuyện, bà Kim Ngân đã nói một điều khiến người viết không thể quên.

“Khi đưa ra ESG, đó là tiếng chuông cảnh báo cho toàn xã hội và đặt trách nhiệm rất lớn cho doanh nghiệp. Trái đất đã bị tổn thương và không thể phục hồi nếu con người chúng ta không hành động”.

Châu An

Ảnh: Tử Kính

Thiết kế: Tuấn Trần

FILI

Các tin tức khác

>   PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Dự án cấp tín dụng xanh, trái phiếu xanh nhưng có thể sau đó không còn xanh nữa (04/04/2024)

>   Quy mô dư nợ còn thấp, giải pháp nào để thúc đẩy tín dụng xanh, trái phiếu xanh Việt Nam? (04/04/2024)

>   Góc nhìn 04/04: Cẩn trọng? (03/04/2024)

>   Góc nhìn 03/04: Tích lũy? (02/04/2024)

>   Chứng khoán tháng 4: Nên phòng thủ hay tấn công? (02/04/2024)

>   Góc nhìn 02/04: Có thể xuất hiện các nhịp “bull trap”? (01/04/2024)

>   Cổ phiếu BCM, PTB và VHC liệu có hấp dẫn? (01/04/2024)

>   Chuyên gia VDSC quan tâm nhóm ngành nào trong quý 2/2024? (31/03/2024)

>   Góc nhìn tuần 01-05/04: Mốc 1,260 sẽ là hỗ trợ ngắn hạn? (31/03/2024)

>   VN-Index 2024: Sóng bắt đầu từ đâu? (02/04/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật