Góc nhìn 04/04: Cẩn trọng?
Các công ty chứng khoán (CTCK) cho rằng nhà đầu tư nên thận trọng và giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình trong thời gian này.
Tiếp tục đà giảm
CTCK Yuanta Việt Nam: Thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ thử thách lại vùng hỗ trợ ngắn hạn 1,255 – 1,260 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng cho nên áp lực điều chỉnh có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong những phiên giao dịch tới, đặc biệt tỷ giá tiếp tục gia tăng cho nên Yuanta đánh giá nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng trong những phiên giao dịch tới.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn hạn chế mua mới trong giai đoạn này, đặc biệt các nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục và hạ đòn bẩy về mức thấp, nhưng các nhà đầu tư chưa cần thiết bán hết toàn bộ.
Tâm lý nhà đầu tư đang thận trọng
CTCK Beta (Beta): Beta cho rằng thị trường bắt đầu xuất hiện những phiên rung lắc/điều chỉnh tại vùng kháng cự mạnh cho thấy tâm lý nhà đầu tư thận trọng và không mấy lạc quan.
Về mặt ngắn hạn, các nhà đầu tư cần quan sát các diễn biến thị trường, tránh tâm lý mua đuổi cũng như bán bằng mọi giá để hạn chế rủi ro cho danh mục đầu tư.
Đối với tầm nhìn trung và dài hạn, các yếu tố vĩ mô tích cực và chiến lược nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, nhà đầu tư cần lưu ý theo dõi biến động tỷ giá trong thời gian tới cũng như động thái giao dịch của khối ngoại.
Giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình
CTCK Asean (Aseansc): Aseansc khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình, trong trường hợp thị trường diễn biến tiêu cực hơn, vùng 1,260 điểm trở thành vùng quản trị rủi ro. Nhà đầu tư có thể mở mua mới, thăm dò nếu như thị trường kiểm định lại ngưỡng 1,200-1,220 thành công.
Kỳ vọng VN-Index tiếp tục xây nền tích lũy quanh mốc 1,270-1,290
CTCK Vietcombank (VCBS): VCBS nhận định VN-Index kết phiên giảm điểm do thanh khoản bán gia tăng và áp lực điều chỉnh diện rộng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Ở khung đồ thị ngày, VN-Index vẫn đang duy trì tích lũy trên đường MA20, tuy nhiên các chỉ báo CMF, RSI, và MACD vẫn cho dấu hiệu hướng xuống cho thấy thị trường vẫn đang thiếu động lực. Tín hiệu không quá xấu là chỉ số chung vẫn đang sideway quanh khu vực 1,270-1,290 và kịch bản được kỳ vọng là VN-Index sẽ tiếp tục xây nền tích lũy quanh mốc nêu trên để lấy lại động lực cho xu hướng tiếp theo. Tuy nhiên cũng cần tính đến trường hợp áp lực bán quá lớn và thị trường chịu rung lắc mạnh và không giữ được mức nền này.
Ở khung đồ thị giờ, chỉ số chung tiệm cận đường dưới dải Bollinger band và cho tín hiệu đi vào trong mây Ichimoku. Chỉ báo dòng tiền CMF hướng xuống môc 0 cho thấy dòng tiền đang suy yếu và tâm lý chung của nhà đầu tư vẫn đang lưỡng lự và thận trọng khi thị trường một lần nữa quay lại khu vực 1,290.
Lo ngại về tỷ giá
CTCK Đông Á (DAS): DAS cho rằng trong ngắn hạn, các lo ngại về tỷ giá đang ảnh hưởng lên quyết định của nhà đầu tư.
Chiến lược áp dụng là nắm giữ danh mục dài hạn, Chờ cơ hội gia tăng tỷ trọng khi cổ phiếu có giá hấp dẫn hơn. Quan tâm nhóm cổ phiếu sản xuất kinh doanh cơ bản, cổ phiếu dầu khí, năng lượng, chứng khoán, khu công nghiệp và đầu tư công.
Kiểm nghiệm lại vùng 1,270 điểm
CTCK Tiên Phong (TPS): TPS đánh giá rủi ro đã đến với VN-Index khi hình thành cây nến bán với khối lượng giao dịch lớn. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực ở thời điểm hiện tại là chỉ số vẫn giữ được vùng hỗ trợ 1,270 điểm.
Trên khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI tiếp tục suy yếu cho thấy đà tăng đang có dấu hiệu chậm lại. Trong phiên 04/04, VN-Index có khả năng sẽ kiểm nghiệm lại vùng 1,270 điểm. Tại đây, nếu lực cầu được cải thiện, chỉ số sẽ đi ngang, tạo nền quanh vùng 1,270 – 1,280 điểm. Ngược lại, VN-Index có thể thoái lui về vùng gap 1,260 điểm đã được tạo lập vào ngày 21/03/2024.
Thượng Ngọc
FILI
|