Gần 5,000 tỷ USD “bốc hơi” khỏi chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông
Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông đang đối mặt với tình trạng bán tháo và "bốc hơi" tới 4.8 ngàn tỷ USD vốn hóa từ năm 2021, theo ước tính của HSBC. Con số này lớn hơn cả vốn hóa của thị trường chứng khoán Ấn Độ.
Thống kê này không báo hiệu điều tốt lành cho cả Trung Quốc và Hồng Kông, đặc biệt là khi sở giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ (NSE) đang trở nên mạnh mẽ hơn.
Ấn Độ đã vượt mặt sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông (HKEX) để trở thành sở giao dịch lớn thứ 4 trên thế giới vào tháng 1/2024, theo dữ liệu từ Hiệp hội Liên đoàn Sở giao dịch Thế giới. Hiện NSE có tổng vốn hóa lên tới 4.63 ngàn tỷ USD, đứng ở vị trí lớn thứ 3 tại châu Á.
Điều này cho thấy sức hút của thị trường chứng khoán Ấn Độ đã tăng trong vài năm qua, trái ngược với sự suy giảm ở cả Trung Quốc và Hồng Kông.
Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc liên tục giảm trong 3 năm liên tiếp và trong năm gần nhất giảm 11.4%. Hang Seng của Hồng Kông cũng không khá hơn, với năm 2023 là năm thứ 4 liên tiếp có sự lao dốc 13.8%. Cả hai chỉ số này đều nằm trong số các chỉ số có hiệu suất kém nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm ngoái.
Rắc rối ở Trung Quốc lan sang Hồng Kông
Khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc là nguyên nhân gây lo ngại cho nhà đầu tư và cũng ảnh hưởng đến Hồng Kông. Nhiều cổ phiếu bất động sản lớn của Trung Quốc, bao gồm Evergrande và Country Garden, đều niêm yết tại Hồng Kông.
Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2024, nhưng các chuyên gia phân tích vẫn cảm thấy không chắc chắn về mục tiêu này. Tuần trước, S&P Global Ratings dự báo GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4.6% trong năm 2024, thấp hơn mức tăng 5.2% trong năm 2023.
"Chúng tôi tiếp tục dự báo sự suy yếu của thị trường bất động sản, đồng thời hỗ trợ từ chính sách vĩ mô là rất khiêm tốn. Nguy cơ giảm phát vẫn còn nếu tiêu thụ vẫn yếu và Chính phủ tiếp tục chỉ kích thích các khoản đầu tư vào ngành sản xuất," Louis Kuijs, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings, đã viết trong một báo cáo.
Nicolas Aguzin, cựu CEO của HKEX, cũng chia sẻ về sự thiếu niềm tin vào Trung Quốc, cùng với môi trường lãi suất cao và bất ổn địa chính trị đang ảnh hưởng đến định giá và giảm số lượng niêm yết mới trên sàn.
Ấn Độ là điểm đến yêu thích
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Ấn Độ đang trở nên phồn thịnh trong bối cảnh giới đầu tư lạc quan về triển vọng của đất nước. Chỉ số chuẩn Nifty 50 tăng liên tục trong 8 năm, trong đó năm 2023 tăng 20%.
Theo nghiên cứu từ HSBC, Ấn Độ cũng vượt mặt sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải để trở thành sở giao dịch lớn thứ hai trên toàn cầu về khối lượng giao dịch hàng tháng, chỉ sau Thâm Quyến.
Nghiên cứu của EY India cũng cho thấy rằng thị trường chứng khoán Ấn Độ đã ghi nhận nhiều đợt IPO nhất trên thế giới trong năm 2023, mặc dù môi trường IPO tại châu Á đang ảm đạm. Ấn Độ ghi nhận 220 đợt IPO trong năm 2023, huy động tổng cộng 6.9 tỷ USD, tăng 48% so với cùng kỳ.
"Trong khi thị trường Trung Quốc đã chậm lại đáng kể, Ấn Độ lại là ngôi sao sáng," George Chan, người phụ trách mảng IPO toàn cầu tại EY, chia sẻ trong một báo cáo khác.
Dữ liệu từ EY cũng cho thấy có 30 đợt IPO ở Trung Quốc đại lục trong quý 1/2024, huy động tổng cộng 3.4 tỷ USD. Đây là con số IPO thấp nhất kể từ năm 2020, về cả số lượng lẫn giá trị. Hồng Kông chỉ ghi nhận 10 đợt IPO trong 3 tháng đầu năm và chỉ có 2 thương vụ huy động hơn 100 triệu USD. Đây là tình cảnh ảm đạm nhất của Hồng Kông kể từ năm 2010.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|