JPMorgan: Thị trường chứng khoán Mỹ đã quá đông đúc, có thể lao dốc bất kỳ lúc nào
Đi ngược với xu hướng lạc quan trên Phố Wall, vị chuyên gia tại JPMorgan cảnh báo chứng khoán Mỹ có thể quay đầu bất kỳ lúc nào khi giá cả đã phản ánh nhiều yếu tố tích cực và rủi ro ngày càng lớn hơn.
Trong báo cáo công bố vào ngày 27/03, Dubravko Lakos-Bujas, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu toàn cầu tại JPMorgan, khuyến khích nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục và nghĩ tới việc quản lý rủi ro. Vị chuyên gia này nhấn mạnh việc giới đầu tư dồn lực quá mức vào các cổ phiếu đang “bay cao” nhất trên thị trường đang tạo ra rủi ro điều chỉnh.
“Có lẽ đợt điều chỉnh sẽ tới khi không ai ngờ tới. Điều này đã từng xảy ra trong quá khứ, chúng ta đã từng trải qua các cú sụp chớp nhoáng”, ông Lakos-Bujos cho biết trong một hội thảo. “Một quỹ lớn đã bắt đầu giảm bớt đòn bẩy ở một số vị thế, và quỹ thứ hai nghe thấy điều đó và tiến hành tái cơ cấu danh mục, quỹ thứ ba bị mất cảnh giác và rồi thị trường điều chỉnh mạnh”.
Nhận định của ông đưa ra trong những ngày giao dịch cuối cùng của quý 1/2024. S&P 500 sắp khép lại quý này với mức tăng 10%, đánh dấu 5 tháng leo dốc liên tiếp, trong bối cảnh thị trường chứng khoán đón hàng loạt thông tin tích cực. Lợi nhuận doanh nghiệp vẫn còn cao, sự hưng phấn xoay quanh trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục được củng cố, nền kinh tế Mỹ vững mạnh và Fed phát tín hiệu giảm lãi suất trong năm nay.
Tuy nhiên, với ông Lakos-Bujas, bối cảnh tích cực này cũng là một lý do để lo ngại. “Rất nhiều điều tích cực đã được phản ánh vào giá cổ phiếu”, ông cho biết, và nói thêm ngay cả kịch bản ông Donald Trump thắng cử Tổng thống cũng được phản ánh vào giá. Ngoài ra, Lakos-Bujas thấy ngoài Nvidia và triển vọng AI, có ít yếu tố có thể kích thích cho đà tăng. “Các yếu tố có thể tạo ra sự tích cực cho thị trường ngày càng trở nên hạn chế hơn, trong khi rủi ro thì rất nhiều”, ông nói.
Hơn nữa, nhìn lại quá khứ, việc nhà đầu tư đổ xô mua nhóm cổ phiếu đang bay cao, chẳng hạn như nhóm Magnificent Seven, thường dẫn tới sự điều chỉnh sau đó. Tình trạng này đã diễn ra 3 lần kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. “Trong quá khứ, mỗi khi bạn thấy thị trường quá đông đúc, thường thường đà tăng sẽ quay đầu trong vài tuần sau đó”, ông Lakos-Bujas cho biết. Vị chuyên gia này chỉ tới cú giảm 27% của Tesla và 10% của Apple như ví dụ cho trường hợp này. “Cổ phiếu nào sẽ là nạn nhân kế tiếp?”, ông tự hỏi.
Lakos-Bujas và các chiến lược gia khác tại JPMorgan nằm trong số ít những chuyên gia đi ngược xu hướng ở Phố Wall trong năm nay.
Khi hầu hết các công ty trong ngành đều nâng dự báo về giá cổ phiếu, các chuyên gia này vẫn tỏ ra bi quan. Trong số các ngân hàng lớn ở Phố Wall, JPMorgan đặt mục tiêu năm 2024 của S&P 500 ở mức thấp nhất, là 4,200 điểm, ngụ ý mức giảm gần 20% so với mức đóng cửa ngày 27/03.
Vũ Hạo (Theo BloomberG)
FILI
|