Thị trường IPO Hồng Kông chờ được ‘hâm nóng’ bởi các chuỗi trà sữa
Sau nhiều năm suy giảm, thị trường chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Hồng Kông trông chờ vào các thương vụ niêm yết sắp tới của nhiều chuỗi cửa hàng trà sữa trân châu ở Trung Quốc để lấy lại sức sống.
Một cửa hàng trà và kem của Mixue Group khai trương ở Sydney, Úc vào đầu tháng 2. Ảnh: China Daly
|
Dự kiến huy động gần 2 tỉ đô la từ 4 chuỗi trà sữa
Ít nhất bốn chuỗi trà sữa trân châu của Trung Quốc chuẩn bị IPO ở Hồng Kông trong năm nay. Nổi bật trong số này là chuỗi cửa hàng trà và kem Mixue Group, với mục tiêu huy động 1 tỉ đô la Mỹ để mở rộng kinh doanh và tăng doanh thu tăng gấp 3 lần. Theo các nguồn thạo tin, hai chuỗi trà sữa trân châu khác là Guming và Chabaidao được xem là những đối thủ gần nhất của Mixue cũng muốn huy động tới 300 triệu đô la mỗi công ty.
Auntea Jenny, một chuỗi trà sữa trân châu ở Thượng Hải cũng đã nộp hồ sơ đăng ký IPO ở Hồng Kông hồi tháng 2, với mục tiêu huy động hơn 100 triệu đô la.
Những kế hoạch IPO này xuất hiện sau khi tình trạng tăng trưởng suy yếu của Trung Quốc khiến trung tâm tài chính châu Á nằm sát biên giới lao đao. Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông từng chứng kiến hoạt động IPO nhộn nhịp hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Các thương vụ IPO ở đây mang lại nguồn doanh thu phí khổng lồ cho các ngân hàng ở Phố Wall và thu hút hàng loạt nhà đầu tư toàn cầu.
Theo dữ liệu của Dealogic, số tiền 40 tỉ đô la huy động được từ các thương vụ niêm yết cổ phiếu lần đầu trong năm 2019 ở Hồng Kông. Dữ liệu từ thời điểm đó cao gấp khoảng 5 lần so với ở thị trường IPO ở London và chỉ đứng sau số tiền huy động được ở các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ.
Trong những năm bùng nổ, các thương vụ IPO đình đám ở Hồng Kông đều đến từ các công ty công nghệ. Họ bao gồm các tập đoàn kinh doanh dựa vào nền tảng internet như Alibaba Group, JD.com và Meituan, huy động được tổng cộng 20 tỉ đô la.
Các công ty này mang đến cho nhà đầu tư cơ hội đặt cược vào tương lai tươi sáng của Trung Quốc, nơi lĩnh vực công nghệ và truyền thông xã hội được kỳ vọng có thể cạnh tranh với các đối thủ hàng đầu của Mỹ.
Nhưng kế hoạch IPO của các công ty trà sữa trân châu chỉ ra một góc nhìn khác về nền kinh tế Trung Quốc. Tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại, với niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm. Vì vậy, người dân nước ngày càng có xu hướng ưu tiên chọn những sản phẩm giá rẻ. Những công ty bán trà sữa trân châu bán mỗi đơn đồ uống với giá chỉ khoảng 1 đô la Mỹ. Họ đang lao vào cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành khách hàng bằng cách tung ra các chương trình khuyến mãi và giảm giá. Các nhà phân tích nhận xét, các công ty này rất phù hợp với môi trường kinh tế hiện tại của Trung Quốc.
“Đó là xu hướng tiêu dùng chuộng giá rẻ ở Trung Quốc”, Han Zhang, nhà phân tích của ngân hàng Deutsche Bank, nói khi đề cập cuộc cạnh tranh của các chuỗi trà sữa trân châu.
Nhà đầu tư thận trọng
Tuy nhiên, các chuỗi trà sữa trên sẽ cần phải thuyết phục các nhà quản lý danh mục đầu tư vốn đang thận trọng với xu hướng tiêu dùng ở Trung Quốc. Theo FactSet, chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hồng Kông đã mất hơn 40% giá trị trong 3 năm qua và hiện đang giảm trong năm thứ 5 liên tiếp.
Thị trường IPO của Hồng Kông tụt xuống vị trí thứ 9 thế giới trong năm nay, dựa trên bảng xếp hạng các sàn giao dịch theo số tiền huy động được từ các đợt niêm yết mới. Chỉ 471,8 triệu đô la Mỹ được huy động thông qua hoạt động niêm yết ở Hồng Kông kể từ đầu năm 2024. Con số này thấp hơn nhiều so với 8,7 tỉ đô la huy động được ở các sàn chứng khoán ở Mỹ. Hoạt động IPO ở các thị trường tài chính ở Mumbai (Ấn Độ), Frankfurt (Đức) và Athens (Hy Lạp) đều đang bận rộn hơn so với Hồng Kông.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc sau cơn bùng nổ giá cổ phiếu ở Mỹ, Nhật Bản và các nơi khác. Albert Kwok, nhà quản lý danh mục đầu tư thị trường mới nổi của Jennison Associates (Mỹ) cho biết, ông thậm chí không tham gia các cuộc gặp để chào hàng IPO từ các công ty Trung Quốc theo lời mời của các ngân hàng đầu tư. “Đối với tôi, điều đó chỉ lãng phí thời gian”, Kwok nói.
Các ngân hàng cũng sẽ cần phải vượt qua sự hoài nghi từ các nhà đầu tư về cách các công ty trà sữa có thể vượt lên đối thủ của họ. Nhà đầu tư càng lo ngại hơn khi bốn chuỗi trà sữa của Trung Quốc lên kế hoạch bán cổ phiếu cùng một lúc.
“Có rất nhiều đấu thủ trên thị trường trà sữa trân châu, nhưng không ai trong số họ quá nổi trội so với phần còn lại. Không có lợi thế cạnh tranh nào có thể được xây dựng trong lĩnh vực này ở Trung Quốc hiện nay”, Barry Wang, đồng giám đốc danh mục đầu tư ở Quỹ China Opportunities Fund của Oberweis Asset Management nói.
Han Zhang của Deutsche Bank cho biết, trà sữa trân châu rất phổ biến ở Trung Quốc và nhiều nước khác ở châu Á. Nhưng mức độ trung thành của ngườii tiêu dùng đối với thương hiệu trà sữa còn hạn chế.
Có nguồn gốc từ Đài Loan vào thập niên 1980, trà sữa trân châu đã trở thành một món giải khát có đường chủ yếu tiêu thụ trong cộng đồng người châu Á trên toàn thế giới. Món đồ uống này ban đầu có cách pha chế đơn giản gồm trà trộn với sữa và các hạt trân châu dai (thường làm từ tinh bột sắn). Nhưng các cửa hàng trà sữa hiện nay cũng bán món trà sữa bao gồm lớp phủ kem-phô mai và hạt trân châu hương vị trái cây.
Mixue, công ty điều hành hơn 36.000 cửa hàng bán trà sữa trân châu, kem và các món có đường khác, đang nhanh chóng mở rộng ra bên ngoài Trung Quốc. Riêng tại Đông Nam Á, Mixue có gần 4.000 cửa hàng, tính đến đầu năm 2024. Guming, có trụ sở tại Chiết Giang và Chabaidao, có trụ sở tại Tứ Xuyên, đều có ít hơn 10.000 cửa hàng.
Tuy nhiên, có một điềm báo đáng lo ngại đối với những thương vụ IPO của họ. Nayuki là chuỗi cửa hàng trà sữa trân châu duy nhất của Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông cho đến nay. Nayuki huy động được hơn 650 triệu đô la vào tháng 6-2021, nhưng giá cổ phiếu phiếu của công ty giảm hơn 80% kể từ đó.
Khánh Lan (Theo WSJ)
TBKTSG
|