Fed gửi thông điệp giảm lãi suất, chứng khoán toàn cầu tăng bứt phá
Chứng khoán toàn cầu tăng bứt phá trong ngày 21/03 sau khi Fed cũng đưa ra tín hiệu “bồ câu” trong cuộc họp đêm qua.
Khép phiên ngày 21/03, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 812 điểm (tương đương 2.03%) lên 40,815.66 điểm, vượt kỷ lục xác lập vào ngày 04/03. Nhóm cổ phiếu bluechip, như Hitachi và Mitsui & Co., đều tăng hơn 4% và dao động ở vùng kỷ lục.
“Tôi không thấy một cổ phiếu nào dẫn dắt đà tăng của chỉ số. Thay vào đó, nhà đầu tư rót tiền trên diện rộng”, Yusuke Sakai, Chuyên viên cấp cao tại T&D Asset Management, chia sẻ.
Cổ phiếu của hãng sản xuất tấm wafer bán dẫn Sumco tăng hơn 6%. Đà tăng diễn ra sau khi hãng chip Mỹ Micron Technology công bố lợi nhuận vượt dự báo của thị trường, qua đó thu hút dòng tiền tới các cổ phiếu liên quan tới bán dẫn. Hơn 80% cổ phiếu niêm yết trên sàn Tokyo đều mang sắc xanh.
“Tuần trước, các hợp đồng tương lai đã dẫn dắt đà giảm, khi nhà đầu tư kỳ vọng đồng Yên tăng giá và chứng khoán suy giảm sau cuộc họp chính sách tiền tệ ở Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, nhà đầu tư mới đã gia nhập thị trường trong đợt giảm tuần trước”, Sakai cho biết. Trong 3 ngày giao dịch vừa qua, Nikkei 225 đã tăng hơn 2,000 điểm, cho thấy nhà đầu tư ngắn hạn đã trở lại thị trường.
Không chỉ Nhật Bản mà phần lớn thị trường ở châu Á đều tăng vọt trong phiên 21/03. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng tăng 2.41%, Hang Seng của Hồng Kông vọt 1.88% và ASX 200 của Australia cộng 1.12%. Còn tại Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng hơn 16 điểm (tương đương 1.3%) lên 1,276 điểm.
Đêm qua, Phố Wall cũng lập kỷ lục mới. Chỉ số Dow Jones tăng 401.37 điểm (tương đương 1.03%) lên 39,512.13 điểm, còn chỉ số S&P 500 tiến 0.89% lên 5,224.62 điểm và lần đầu tiên vượt mốc 5,200 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 1.25% lên 16,369.41 điểm. Chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt khoác sắc xanh.
Thông điệp từ các BoJ và Fed
Đà tăng của thị trường chứng khoán toàn cầu diễn ra sau cuộc họp chính sách của hai ngân hàng trung ương quan trọng trên thế giới.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) – cơ quan thiết lập chính sách của Fed – vừa ra quyết định giữ nguyên lãi suất, nhưng vẫn dự báo có 3 đợt hạ lãi suất trong năm nay. Đây là tín hiệu góp phần xoa dịu nỗi lo của nhà đầu tư sau khi dữ liệu lạm phát gần đây đều cao hơn dự báo. Trước cuộc họp, nhà đầu tư lo sợ các quan chức Fed sẽ giảm bớt số lần hạ lãi suất trong năm nay và có thể hạ lãi suất trễ hơn dự báo của thị trường.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết áp lực giá cả vẫn còn lớn, nhưng “vẫn chưa thể làm thay đổi câu chuyện về lạm phát, theo đó lạm phát đang hạ nhiệt dần dần, nhưng con đường sẽ gập ghềnh”.
Ông Powell thừa nhận con số lạm phát trong tháng 2 là cao, nhưng không tệ như tháng 1/2024. “Có lý do để nghĩ rằng số liệu lạm phát của những tháng đầu năm bị tác động của hiệu ứng mùa vụ”, ông nói. “Con số tháng 2 không cao đến mức khủng khiếp”.
Do vậy, Fed vẫn tiếp tục với dự báo 3 đợt hạ lãi suất trong năm 2024. “Chủ tịch Powell nói rõ Fed vẫn dự định triển khai việc hạ lãi suất”, chuyên gia kinh tế Toshiyuki Suzuki chia sẻ. Ông Suzuki kỳ vọng Fed giảm lãi suất vào tháng 6/2024.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) chính thức nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007, kết thúc kỷ nguyên lãi suất âm.
BoJ cũng thông báo chấm dứt chính sách kiểm soát đường cong lợi suất với trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm. Đây là loại trái phiếu được NHTW dùng để kiểm soát lãi suất kỳ hạn dài bằng cách mua và bán trái phiếu khi cần thiết.
BoJ cho biết sẽ ngừng mua chứng chỉ quỹ ETF và chứng chỉ quỹ tín thác đầu tư bất động sản Nhật Bản (REIT). Họ cũng sẽ từ từ giảm mua trái phiếu doanh nghiệp và sẽ ngừng mua trong 1 năm.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)
FILI
|