G20 lo ngại tác động tiêu cực khi đồng đô la chiếm vị thế thống lĩnh
Khối G20 sẽ khai mạc cuộc họp các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương trong tuần tới tại Washington. Đồng đô la và tác động tiêu cực từ sự thống trị của đồng tiền này với nền kinh tế toàn cầu có thể là đề tài chính bao trùm nghị sự.
Bên ngoài một quầy đổi tiền ở trung tâm thủ đô Nairobi, Kenya. Các nền kinh tế mới nổi trên thế giới đang cảm thấy sức ép ngày một tăng khi đồng bạc xanh mạnh quá mức. Ảnh: Reuters
|
Đây là cuộc họp “4 trong 1” khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức cuộc họp mùa xuân 2024 trong ba ngày từ 17 đến 19-4. Khối G7 và G20 cùng lúc cũng tổ chức các cuộc họp bên lề nghị trình của IMF và WB.
Hai định chế ngân hàng toàn cầu sẽ bàn luận các vấn đề to tát hơn như cải cách định chế ngân hàng phát triển đa phương, chuẩn hóa và tinh giản quá trình cho vay hay nguồn tài trợ các dự án phát triển xanh… Với cấu trúc gồm các nền kinh tế giàu có và các quốc gia mới nổi, G20 tập trung vào vấn đề cấp bách hơn là sức mạnh ngày càng tăng của đồng bạc xanh.
Các đồng nội tệ trượt giá nhanh
Đồng tiền của các nước G20 hầu như đều mất giá so với đồng bạc xanh. Từ đầu năm đến nay, các nền kinh tế phát triển và mới nổi đều chứng kiến tiền tệ suy yếu với tốc độ nhanh chóng. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu khối G20 với tỷ lệ mất giá 8,8%, đồng yen Nhật Bản giảm đến 8% và đồng won Hàn Quốc giảm 5,5%. Ở các nền kinh tế phát triển, đồng đô la Úc, đô la Canada và đồng euro giảm lần lượt 4,4%, 3,3% và 2,8%.
Sức mạnh của đồng đô la Mỹ là khả năng ngày càng kém đi việc Quỹ Dự trữ liên bang (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất, nghĩa là Fed sẽ neo lãi suất cao lâu hơn mọi người mong đợi. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố hôm 10-4 đã tăng cao hơn kỳ vọng của thị trường. Hiện tại, nhiều người tin rằng thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất của Fed sẽ bị trì hoãn sau tháng 6, vốn là kịch bản chính. Sau khi công bố chỉ số CPI, các loại tiền tệ như yen và euro tiếp tục giảm giá so với đồng bạc xanh.
Chính phủ các nước ngày càng lo ngại về đà mất giá của đồng nội tệ. Các nền kinh tế mới nổi đặc biệt nhạy cảm với tác động tiêu cực, khi gánh nặng nợ bằng đồng đô la tăng lên cùng với chi phí lãi vay lớn hơn do lãi suất cao hơn.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khi đồng đô la Mỹ tăng giá 10% trên thị trường tiền tệ, GDP thực tế của các nền kinh tế mới nổi giảm 1,9% sau một năm, nhưng các tác động kinh tế bất lợi kéo dài hơn hai năm. Năm 2022, khi đồng đô la tăng giá theo chiều hướng trên, Sri Lanka thực sự rơi vào tình trạng vỡ nợ do đồng nội tệ mất giá.
Ngân hàng trung ương các nước trở nên “diều hâu” hơn
Trừ Mỹ, các thành viên còn lại của G20 đang ngày càng cảnh giác trước sức mạnh gia tăng của đồng đô la Mỹ. Các nền kinh tế mới nổi như Indonesia, Brazil hay Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu hành động để bảo vệ đồng tiền của mình trước khả năng lạm phát mới và áp lực giảm tốc độ tăng trưởng do giá nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu cao hơn.
Hôm 1-4, ngân hàng trung ương Brazil lần đầu tiên can thiệp vào thị trường ngoại hối kể từ khi Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva nhậm chức. Chính phủ và ngân hàng trung ương chưa giải thích rõ ràng động cơ của họ, nhưng nhiều người tin rằng đây là “sự điều chỉnh tình trạng mất giá của đồng real”.
Từ tháng 1, nhiều người đã đồn đoán rằng Ngân hàng Indonesia cũng sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ trong tháng 4 này. Mục tiêu là điều chỉnh mức giá của đồng rupiah đang ở mức thấp nhất trong bốn năm. Nhưng đồng rupiah đã có xu hướng giảm trong những ngày qua, vượt qua cột mốc quan trọng là 16.000 rupiah ăn 1 đô la. Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lãi suất chính sách từ 5% lên 50% trong tháng 3 để đối phó với sự mất giá của đồng lira và lạm phát gia tăng.
Các nước mới nổi lo ngại tình trạng hạ nhiệt của nền kinh tế khi tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, như trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều nền kinh tế mới nổi khác đã ngưng tăng lãi suất trong năm ngoái. Ngay cả khi các nước này sẵn sàng để cắt giảm lãi suất, sự chậm trễ của Fed trong hạ lãi suất cũng khiến nhiều nền kinh tế mới nổi buộc phải quay lại con đường tăng lãi suất.
Eli Remolona, Thống đốc ngân hàng trung ương Philippines, đã ví von rằng “đang cảm thấy mình diều hâu hơn trước đây” bởi nguy cơ lạm phát cao hơn.
Các nền kinh tế mới nổi đã cố gắng ngăn chặn đồng tiền của họ mất giá bằng cách tăng lãi suất trước Fed vào năm 2021 và 2022. Đầu năm 2024, nhiều người tin rằng lãi suất của Mỹ sẽ giảm trong nửa cuối năm và sức mạnh của đồng đô la sẽ trở nên chuẩn xác. Tuy nhiên, thời điểm nước Mỹ cắt giảm lãi suất đang trở nên khó đoán, làm tăng nguy cơ đồng đô la tiếp tục leo thang tăng giá, có thể tác động tiêu cực đến các nền kinh tế mới nổi.
Đồng bạc xanh “vô kỷ cương” gây tác động tiêu cực
Không chỉ các nước đang phát triển lo ngại. Nhật Bản và các nền kinh tế phát triển khác cũng đang lo lắng về sự mất giá liên tục của đồng tiền.
Phát biểu về cuộc họp G20 sắp tới, hôm 12-4, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki phát biểu: “Có thể đồng đô la sẽ nằm trong chương trình nghị sự chính. Chúng tôi đã thảo luận về việc tháo vốn trước đây”.
Sức ép ngày càng tăng của đồng đô la cũng có thể lan sang cuộc họp các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương khối G7, tổ chức gần như song song với G20.
Trong tuyến bố hội nghị G7 năm 2017, khối này nói đã thảo luận về “sự biến động quá mức và biến động mất trật tự trong tỷ giá hối đoái có thể có tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế và tài chính toàn cầu”. Bộ Tài chính Nhật dự định bày tỏ mong muốn G7 và G20 thấu hiểu cho tình cảnh buộc phải can thiệp ngoại hối của nước Nhật khi đồng yen suy yếu quá mức.
“Ngoài giá dầu tăng cao, nguy cơ lạm phát quay trở lại đang gia tăng ở các nền kinh tế mới nổi do tỷ giá hối đoái tăng. Tuy nhiên, nhóm này khó có thể tăng lãi suất. Thay vì phản ứng bằng chính sách tiền tệ, họ có thể sẽ tạm thời phản ứng trước sự mất giá của đồng tiền thông qua các biện pháp can thiệp để câu giờ. Tại cuộc họp sắp tới, các nền kinh tế mới nổi có thể bày tỏ sự không hài lòng với chính sách tiền tệ của Mỹ”, Kota Hirayama của hãng chứng khoán SMBC Nikko Securities bình luận.
Nước Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. “Chống lạm phát vẫn là ưu tiên kinh tế hàng đầu của tôi. Nhưng chúng tôi còn nhiều việc phải làm”, Tổng thống Joe Biden phát biểu trong thông cáo của Nhà Trắng hôm 10-4.
Vẫn còn phải xem liệu G20 có thể tìm được điểm nhất trí giữa Mỹ và các nước còn lại hay không, ít ra là trên bàn hội nghị.
Ricky Hồ (Theo Nikkei Asia, Reuters)
TBKTSG
|