Nhật Bản có thể tiếp tục tăng lãi suất sau dự báo mới nhất về lạm phát
Theo khảo sát, ngày càng nhiều hộ gia đình ở Nhật Bản dự báo lạm phát sẽ tăng trong vòng một năm tới, mở đường cho một đợt tăng lãi suất khác của BoJ trong năm nay.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
|
Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) công bố ngày 12/4 cho thấy ngày càng nhiều hộ gia đình ở Nhật Bản dự báo lạm phát sẽ tăng trong vòng một năm tới, mở đường cho một đợt tăng lãi suất khác của BoJ trong năm nay.
Ngoài số liệu về tiêu dùng, tiền lương và biến động giá cả, những dự đoán về lạm phát là một trong những yếu tố chính mà BoJ xem xét khi quyết định thời điểm thu hẹp quy mô gói kích thích.
Trong số các hộ gia đình được BoJ khảo sát, 83,3% cho biết họ dự kiến giá cả sẽ tăng trong một năm tới tính từ bây giờ, cao hơn so với mức 79,3% trong cuộc khảo sát ba tháng trước đó.
Cuộc khảo sát này được thực hiện từ ngày 8/2 đến ngày 5/3 cũng cho thấy 80,6% hộ gia đình dự kiến giá sẽ tăng trong 5 năm kể từ bây giờ, tăng so với mức 76,5% trong cuộc thăm dò trước đó.
Kết quả này cho thấy Nhật Bản đã đạt được một số tiến triển trong việc đạt được mục tiêu lạm phát 2% của ngân hàng trung ương một cách bền vững và tăng cơ hội tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay.
Cuộc khảo sát Tankan của BoJ, được công bố mới đây cũng cho thấy các công ty dự đoán lạm phát sẽ ở mức trên 2% trong 5 năm kể từ bây giờ, cho thấy kỳ vọng lạm phát của doanh nghiệp đang dần áp sát với mục tiêu của ngân hàng trung ương.
Phát biểu trước Quốc hội ngày 9/4, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda cho hay nếu điều kiện kinh tế và giá cả phù hợp với các dự đoán hiện tại của BoJ, nghĩa là xu hướng lạm phát sẽ tăng dần. Như vậy, BoJ phải xem xét giảm mức độ của các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho biết chi phí sinh hoạt tăng cao, một phần do các đồn đoán lạm phát ngày càng tăng của các hộ gia đình, có thể hạn chế tiêu dùng và ngăn cản các công ty tăng lương.
Khảo sát cho thấy các hộ gia đình chủ yếu tăng chi tiêu cho mặt hàng thực phẩm và sản phẩm thiết yếu hàng ngày. Trong khi đó, ăn uống, quần áo và du lịch đứng đầu danh sách các mặt hàng được chi tiêu ít hơn so với một năm trước, cho thấy chi phí sinh hoạt tăng cao đang buộc các hộ gia đình phải cắt giảm chi tiêu tùy ý.
Hoạt động chi tiêu tiêu dùng giảm sút là lực cản cho sự phục hồi kinh tế mong manh của Nhật Bản. Chi tiêu hộ gia đình giảm tháng thứ 12 liên tiếp tính đến tháng 2/2024 do nhiều người tiêu dùng vẫn chưa thấy mức tăng lương vượt tốc độ lạm phát.
Một số nhà phân tích cho biết chi phí sinh hoạt tăng cao, một phần do các đồn đoán lạm phát ngày càng tăng của các hộ gia đình, có thể hạn chế tiêu dùng và ngăn cản các công ty tăng lương.
|
Một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, được công bố ngày 10/4 cho thấy các nhà phân tích ước tính nền kinh tế Nhật Bản giảm 0,54% trong quý đầu tiên của năm 2024 do tiêu dùng và sản lượng yếu, trước khi phục hồi 1,69%.
Báo cáo công bố mới đây cho thấy chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản trong tháng 2/2024 đã giảm 0,5% so với cùng kỳ một năm trước đó, đánh dấu tháng giảm thứ 12 liên tiếp do lạm phát cao dai dẳng khiến người dân phải giảm bớt chi tiêu tùy ý.
Mức giảm trên đã thu hẹp so với con số giảm 6,3% trong tháng trước đó, cũng như yếu hơn đáng kể so với dự báo giảm 2,9% của thị trường. So theo tháng, chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản đã tăng 1,4% so với tháng Một, lần tăng đầu tiên kể từ tháng 9/2023 tới nay.
Theo giới quan sát, báo cáo cho thấy tác động của việc tăng giá liên tục đối với cách thức chi tiêu của người dân Nhật Bản. Thước đo quan trọng về lạm phát tiêu dùng trên toàn quốc đã dao động ở mức bằng hoặc cao hơn mục tiêu 2% của BoJ trong gần hai năm. Ngay cả khi người lao động đã đạt được mức tăng lương lớn trong năm tài chính vừa qua (kết thúc vào tháng 3/2024), tiền lương thực tế vẫn giảm trong 22 tháng liên tiếp.
Nhưng quỹ đạo đó có thể thay đổi vào cuối năm nay. Các cuộc đàm phán về lương hàng năm trong mùa Xuân này đang đi đúng hướng và giúp người lao động đạt được mức tăng lương hơn 5% - mức cao nhất trong hơn ba thập kỷ.
Với tốc độ đó, mức tăng lương sẽ vượt xa lạm phát vốn được các nhà kinh tế dự báo sẽ giảm xuống 2,3% vào năm 2024.
Những cam kết mạnh mẽ về tăng lương là yếu tố then chốt trong quyết định của BoJ vào tháng trước. Ngân hàng trung ương này đã chấm dứt chính sách lãi suất âm với lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2007 tại cuộc họp giữa tháng Ba.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ở Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Giới quan sát nhận định BoJ có thể tiến hành một đợt tăng lãi suất khác vào đầu tháng Bảy tới.
Trong một tín hiệu tích cực khác, nền kinh tế Nhật Bản đã ghi nhận nhu cầu tăng nhẹ vượt quá nguồn cung vào quý cuối cùng của năm 2023, lần đầu tiên trong gần bốn năm qua.
Ngoài ra, chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Nhật Bản cũng đã tăng liên tiếp trong năm tháng qua.
Dù vậy, vẫn tồn tại các yếu tố rủi ro đối với triển vọng tiêu dùng cá nhân của Nhật Bản. Đáng chú ý trong số đó là đồng yen suy yếu xuống mức thấp nhất trong 34 năm so với đồng USD gần đây. Diễn biến này sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá nhập khẩu thực phẩm và nguyên liệu thô.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Teikoku Databank, giá của hơn 2.800 mặt hàng thực phẩm và đồ uống dự kiến sẽ tăng trong tháng này - số lượng cao nhất trong một tháng kể từ tháng 10 năm ngoái.
Một rủi ro khác là việc Chính phủ Nhật Bản đã lên kế hoạch chấm dứt trợ cấp cho các tiện ích công (điện, nước) vào cuối tháng Năm, một động thái có thể sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình trong mùa Hè này.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki ngày 5/4 đã nói tỷ giá biến động mạnh là điều không mong muốn, nhắc lại khả năng chính phủ nước này sẽ có những phản ứng phù hợp nhằm ngăn chặn đà giảm giá mạnh của đồng yen.
Ông Suzuki nói điều quan trọng là tỷ giá phải phản ánh các nền tảng và biến động quá mức là điều không mong muốn.
Theo ông, Chính phủ Nhật Bản không thay đổi quan điểm sẵn sàng hành động khi tỷ giá biến động mạnh, không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào./.
Minh Hằng
Vietnamplus
|