“Xuất khẩu gỗ có tín hiệu tốt, nhưng khách hàng vẫn đang dè chừng”
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Liêm, CTCP Lâm Việt và là Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), tại sự kiện “Diễn đàn ngành gỗ và nội thất Việt Nam năm 2024” diễn ra ngày 06/03.
Nhìn lại, ông Liêm đánh giá năm 2023 là giai đoạn đầy thách thức đối với ngành gỗ Việt Nam. Giá trị xuất khẩu gỗ đã giảm hơn 15% trong năm 2023 sau chuỗi tăng trưởng liên tục từ năm 2016. Tại Bình Dương, thủ phủ xuất khẩu gỗ của Việt Nam và chiếm 45% tổng xuất khẩu gỗ của cả nước, xuất khẩu gỗ giảm 25% trong năm 2023.
Giảm vì đâu?
Sụt giảm mạnh trong năm 2023 được cho là do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu để chống lại lạm phát, và gỗ không được xem là sản phẩm thiết yếu. Thêm vào đó, sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng gia tăng, với nguy cơ gian lận thương mại và giả mạo nguồn gốc sản phẩm. Thách thức lớn còn đến từ việc các đối tác thương mại ngày càng yêu cầu nghiêm ngặt hơn về nguồn gốc gỗ, sản xuất xanh và giảm phát thải.
Trong khi đó, ngành gỗ Việt Nam dựa nhiều vào thị trường nước ngoài. Trong năm 2023, sức mua từ các thị trường chính như Mỹ (chiếm 53% xuất khẩu gỗ Việt Nam), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU đều giảm mạnh. Với các doanh nghiệp Việt Nam, họ còn gặp khó khăn trong việc hoàn thuế VAT.
Tín hiệu tốt từ xuất khẩu, nhưng khách hàng vẫn dè chừng
Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực đã dần trở lại trong những tháng đầu năm 2024, với doanh số xuất khẩu gỗ tăng trưởng mạnh trong 2 tháng đầu năm. Trong đó, doanh số xuất khẩu tháng 1 đạt 1.5 tỷ USD, còn tháng 2 khoảng 1 tỷ USD.
“Đây là thông tin tích cực với xuất khẩu gỗ. Hàng tồn kho ở các nước rồi sẽ giảm và nhu cầu mua của khách hàng sẽ từng bước tăng trở lại”, ông Liêm nói.
Tuy nhiên, vị này lưu ý bối cảnh năm nay rất khác với giai đoạn trước đây. “Những năm trước, các bên mua sĩ có thể mua nhiều để bán từ từ, nhưng giờ lạm phát và lãi suất rất cao, do đó họ không đặt hàng với số lượng lớn. Họ tỏ ra dè chừng, đặt hàng theo tuần, theo tháng hoặc theo quý”, ông cho biết.
Tuy đã có những tín hiệu tích cực từ xuất khẩu gỗ trong năm 2024, nhưng ông Liêm vẫn cảnh giác với bối cảnh thế giới đang đầy biến động. Ông dự báo doanh số xuất khẩu năm 2024 có thể chỉ đạt mức tương đương với năm trước.
Trong khi đó, bà Giovanna Castellina, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và báo cáo thị trường quốc tế ngành công nghiệp nội thất của CSIL, chia sẻ thị trường thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, nhưng ngành gỗ Việt Nam có đủ chất lượng để vượt qua khó khăn hiện tại. Bà cũng dự báo ngành gỗ Việt Nam sẽ đi ngang trong năm 2024 và trở lại đà tăng trưởng trong năm 2025.
Từ trái qua: Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch VIFOREST, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch CTCP Lâm Việt, bà Giovanna Castellina – đại diện CSIL, và ông Zilahi Imre – Chủ tịch Liên minh Quốc tế về Ấn phẩm Nội thất
|
Doanh nghiệp gỗ Việt Nam cần làm gì để vượt khó?
Tại sự kiện, ông Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng phòng chế biến và thị trường lâm sản thuộc Cục Lâm Nghiệp Việt Nam, cũng chỉ ra thực trạng của ngành gỗ Việt Nam.
Ông cho rằng Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế với nhân công giá rẻ, nguồn nguyên liệu dồi dào và có nhiều hiệp định thương mai tự do với nhiều quốc gia và khu vực, nhưng vẫn tồn tại nhiều thách thức.
“Các doanh nghiệp chủ yếu gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài. Dù xuất khẩu tăng trưởng nhiều năm liên tục từ năm 2016, nhưng chủ yếu dựa vào lao động và nguyên liệu giá rẻ, giá trị gia tăng không cao. Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu. Kênh phân phối sản phẩm thường phải thông qua bên thứ 3. Chưa hết, doanh nghiệp vừa và nhỏ sức chống chịu kém”, ông Hưng chia sẻ.
Về phần Giovana, bà cho rằng hệ thống xuất khẩu đồ nội thất của Việt Nam đang không cân bằng khi chủ yếu tập trung vài một vài đối tác thương mại, chẳng hạn như Mỹ. “Sẽ rất rủi ro khi mà 1 thị trường chiếm tỷ trọng quá lớn. Khi đối tác bị suy yếu thì cả ngành bị ảnh hưởng”, bà nhận định.
Theo bà, Việt Nam cần đa dạng hóa bạn hàng để giảm thiểu rủi ro và nâng cao tính bền vững của ngành. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần cải thiện thiết kế, mẫu mã để thu hút thêm nhiều khách hàng trên thế giới.
Còn với ông Liêm, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao thêm về chất lượng. Ông chỉ ra tại Bình Dương, thủ phủ xuất khẩu gỗ của Việt Nam (chiếm 45% xuất khẩu gỗ cả nước), xuất khẩu gỗ giảm 25% trong năm 2023, trong đó các doanh nghiệp Việt giảm 40% hoặc hơn, trong khi nhóm doanh nghiệp FDI chỉ giảm 20%.
“Điều này là do các doanh nghiệp FDI có chuỗi mua hàng ở nước ngoài và họ sản xuất đồ gỗ cho khách tầm trung trở lên – nhóm ít bị tác động hơn so với nhóm thu nhập thấp”, ông cho biết. “Trong bối cảnh kinh tế suy yếu và lạm phát, người tiêu dùng có thu nhập thấp sẽ giảm chi tiêu mạnh nhất. Bằng chứng là lượng hàng xuất khẩu cho Home Depo hay những bên mua hàng giá rẻ giảm rất nhanh, nhưng hàng cao cấp lại giảm ít hơn. Vì vậy, chúng ta làm thế nào đó để nâng chất lượng lên nhiều hơn”.
Vũ Hạo
FILI
|