Điều ít biết về doanh nghiệp tiên phong sàn giao dịch tín chỉ carbon
Từ một doanh nghiệp hoạt động kiến trúc, xây dựng, sau 15 năm biến thành doanh nghiệp về tín chỉ carbon - một lĩnh vực tương đối mới mẻ tại Việt Nam; đồng thời, tuyên bố là đơn vị đi đầu, khởi động sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam; công ty này có năng lực bộ máy thượng tầng ra sao?
Sự kiện ra mắt doanh nghiệp “tiên phong”
Cuối tháng 09/2023, Tập đoàn CT Group công bố việc ra mắt CTCP Sàn Giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA), tuyên bố đây là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam khởi động sàn giao dịch tín chỉ carbon, chủ động thích ứng chính sách thương mại về môi trường quốc tế.
Tại sự kiện ra mắt, bà Hoàng Bạch Dương - Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn CT Group cho biết: “Việc CCTPA được kích hoạt ở Việt Nam sẽ khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang công nghệ sạch hơn, ít carbon và hiệu quả hơn. Bên cạnh mục tiêu giảm lượng khí thải carbon và giúp đạt được cam kết Net Zero vào năm 2050 mà Việt Nam đã tham gia vào Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi Khí hậu, CCTPA còn đầu tư nghiên cứu ứng dụng blockchain cho thị trường carbon, đảm bảo sự minh bạch, tin cậy cao nhất và hiệu quả trong việc quản lý, cấp phát, chuyển giao, tính toán, theo dõi tín chỉ carbon”.
CCTPA sẽ đứng ra tư vấn thông tin cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam về cách xây dựng tín chỉ carbon, cách đăng ký, kiểm tra, xác nhận cùng cơ chế trao đổi, đền bù, vay tín dụng đối với các khoản tín dụng carbon và áp dụng thuế carbon… CCTPA cũng nghiên cứu đưa ra các giải pháp ứng dụng blockchain và crypto cho thị trường carbon.
Thông tin công bố cho thấy, CCTPA đón đầu khá nhiều công nghệ mới mẻ và gần như phục vụ toàn bộ quy trình cấp tín chỉ carbon tại Việt Nam, được đánh giá không hề đơn giản và tốn kém tài chính lẫn chất xám.
Xuất phát điểm của CCTPA là gì?
Trước khi trở thành đơn vị trong lĩnh vực tín chỉ carbon, CCTPA có xuất phát điểm ở ngành xây dựng, kiến trúc, bất động sản.
Tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Thiết kế Song Khuê, thành lập năm 2009. Theo thông tin vào tháng 01/2020, doanh nghiệp do ông Lê Hoài Thanh làm Chủ tịch HĐTV kiêm đại diện pháp luật. Vốn điều lệ khi đó là 20 tỷ đồng, gồm 2 cổ đông góp mỗi bên 50% là CTCP Quốc tế Song Khuê và ông Thanh. Trước đó, phần vốn của ông Thanh do bà Lê Thị Mai Tâm nắm giữ.
Tháng 03/2020, chức Chủ tịch HĐTV kiêm đại diện pháp luật cùng 50% vốn điều lệ Công ty được chuyển sang ông Dương Đức Huy nắm giữ. Tháng 5, Công ty nâng vốn lên 100 tỷ đồng, cổ đông thay đổi khi CTCP Quốc tế Song Khuê nâng sở hữu lên 66%, ông Huy giảm xuống 34%. Tháng 10, Công ty đổi tên thành Công ty TNHH Thiết kế Green City. Tháng 12, tiếp tục đổi thành Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Green City.
Tháng 02/2023, bà Huỳnh Thị Ánh Hồng giữ chức Giám đốc kiêm đại diện pháp luật và giữ luôn 34% vốn doanh nghiệp do ông Huy đứng tên trước đó.
Giữa tháng 9 cùng năm, doanh nghiệp đón nhận sự thay đổi lớn từ việc đổi tên thành CTCP Sàn Giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN. Cơ cấu cổ đông xuất hiện CTCP Tập đoàn CT Group nắm 95% vốn, còn bà Hồng giảm xuống 3%, ngoài ra có thêm ông Lê Minh Trường nắm 2%. Bên cạnh đó, danh sách ngành nghề kinh doanh cũng rút gọn từ 120 xuống còn 104 ngành. Ngành chính giữ nguyên là hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan.
Những cổ đông của CCTPA là ai?
Bà Lê Thị Mai Tâm được biết đến là Phó Giám đốc ban đối ngoại truyền thông Tập đoàn C.T Group, đồng thời bà Tâm từng xuất hiện ở sự kiện gây xôn xao thị trường bất động sản năm 2017 khi là 1 trong 3 nhân viên được CT Group thưởng tết “khủng” bằng xe ô tô.
Ông Lê Hoài Thanh từng là Giám đốc bán hàng của CT Group. Sau đó, ông đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng ở các doanh nghiệp thành viên của CT Group như Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật CTCP Đầu tư Phương Nam Land (tên gọi trước đây là CTCP C.T - Phương Nam), CTCP Đầu tư Quốc tế Liên hiệp quốc (tên gọi trước đây là CTCP Quốc tế C&T), CTCP Tako Holdings (tên trước đây là CTCP HT Holding).
Ông Thanh từng là đại diện của CTCP Quốc tế C&T nắm 99% Công ty TNHH Ngôi nhà Thân yêu I-Home trong nhiều năm (nay là CTCP Đầu Tư Metro Star, chủ đầu tư dự án khu cao ốc chung cư và thương mại Metro Star tại số 360 Võ Nguyên Giáp, phường Phước Long A, TP. Thủ Đức); sau đó ông Thanh có thời gian giữ chức Giám đốc kiêm đại diện pháp luật Đầu Tư Metro Star.
Ông Thanh còn là cổ đông sáng lập nắm 40% vốn CTCP Thiết kế và Xây dựng Công nghệ cao (vốn điều lệ 50 tỷ đồng), nắm 25% vốn Công Ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Vinhland.
Công Ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Vinhland có vốn 8 tỷ đồng. Trong đó, ông Trần Viết Quang (Giám đốc), ông Đinh Đức Liệu, ông Phạm Anh Khoa và ông Thanh mỗi người nắm 25%.
|
Còn CTCP Quốc tế Song Khuê là doanh nghiệp thành viên của CT Group, phụ trách lĩnh vực xây dựng với ngành nghề hoạt động chính là khảo sát, tư vấn, thiết kế, thi công trang trí nội thất, ngoại thất. Công ty thành lập năm 2004, thông tin vào tháng 4/2020 cho biết, doanh nghiệp có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, ông Lê Công Sum làm Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Tháng 06/2020, đại diện pháp luật được đổi sang ông Đặng Anh Huy - Chủ tịch HĐQT.
Ngoài ra, trên website của nhà thầu CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng số 1 cho biết, Quốc tế Song Khuê là chủ đầu tư dự án căn hộ nghỉ dưỡng Leman Cap Resort tại số 24 Hạ Long, phường 2, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Có thể thấy, hầu hết lãnh đạo của doanh nghiệp về tín chỉ carbon CCTPA đều xuất thân từ những người trong CT Group, đứng tên, góp vốn và có chức vụ ở những doanh nghiệp ngành nghề xây dựng, bất động sản.
Ngày 29/09/2023, tức chỉ sau 10 ngày đổi tên doanh nghiệp, CT Group tổ chức sự kiện ra mắt công ty đã có 15 năm tuổi đời, tuyên bố CCTPA trở thành “doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam khởi động sàn giao dịch tín chỉ carbon”.
CTCP Sàn Giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN ra mắt tại TP.HCM để mua bán, trao đổi tín chỉ carbon - Ảnh: CT Group. Trong ảnh gồm ông Trần Kim Chung - Chủ tịch CT Group (thứ ba từ trái sang), ông Nguyễn Võ Trường An - Phó tổng giám đốc CCTPA (thứ hai từ trái sang)
|
Thu Minh
FILI
|