GMD - Đà tăng rất vững chắc (Kỳ 2)
Nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn và bất ổn, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ngành cảng biển được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc trong dài hạn. CTCP Gemadept (HOSE: GMD) vẫn được các nhà phân tích quan tâm và đánh giá cao về khả năng tăng trưởng mạnh từ siêu cảng nước sâu Gemalink và cụm cảng Nam Đình Vũ mang lại hiệu quả cao.
Hoạt động khai thác cảng nỗ lực vượt khó
CTCP Gemadept (HOSE: GMD) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành cảng biển và logistics. Các mảng kinh doanh của GMD gồm khai thác cảng/ICD, vận tải biển - thủy, trung tâm phân phối hàng hóa… Trong đó, hoạt động khai thác cảng và ICD chiếm tỷ trọng lớn (trên 80%) trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận.
GMD hiện đang khai thác 7 cảng/ICD với mạng lưới nằm ở cả 3 miền Bắc (Nam Hải ICD, cảng Nam Hải, cảng Nam Đình Vũ), Trung (cảng Dung Quất) và Nam (cảng Bình Dương, cảng ICD Phước Long và cảng Gemalink).
Nguồn: GMD
GMD vẫn đảm bảo sự tăng trưởng lưu thông hàng hóa qua các cảng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục ảm đạm. Cụ thể, trong năm 2023, khối cảng khu vực phía Bắc của GMD đạt 1,066,000 TEU, chiếm 17% thị phần cảng phía Bắc. Khối cảng khu vực phía Nam đạt 1.9 triệu TEU, chiếm 21% của thị phần khu vực. Lũy kế cả năm, GMD đạt tổng sản lượng hơn 3 triệu TEU trong toàn hệ thống, tăng 52.5% so với năm 2022.
Thêm vào đó, đánh giá về mặt hiệu quả kinh doanh, mảng này ghi nhận doanh thu năm 2023 đạt 2,942 tỷ đồng, giảm 5.19% so với năm trước, nhưng lợi nhuận gộp đạt 1,298 tỷ đồng và tăng 6.41%. Tuy doanh thu giảm, có thể thấy hoạt động kiểm soát và cắt giảm chi phí giá vốn (giảm gần 13% chi phí giá vốn so với năm 2022) đã hiệu quả để có mức lợi nhuận gộp tăng như trên.
Nguồn: GMD, VietstockFinance
Triển vọng khá lạc quan
Số liệu sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP. Hải Phòng ước đạt hơn 170 triệu tấn trong năm 2023, tăng 1.24% so với năm 2022. Mặt khác, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 49.58 tỷ USD, tăng 6.8%. Điều này cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa diễn ra vẫn khá tốt trong bối cảnh suy giảm lực cầu hiện tại.
Nguồn: Cảng vụ Hải phòng, Cục Thống kê Hải Phòng
Nhóm cảng khu vực miền Bắc cũng kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng từ 10 - 15%, khi áp lực dịch chuyển nguồn hàng và cạnh tranh với khu vực cảng nước sâu Lạch Huyện suy giảm do chưa có nguồn cung mới cho đến năm 2025. Mặt khác, tình trạng bồi lắng tại cảng Lạch Huyện vẫn chưa có chuyển biến, khi công tác nạo vét còn chậm, ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận tàu. Điều này sẽ giúp các cảng Nam Hải ICD, Nam Đình Vũ của GMD được hưởng lợi.
Nguồn: GMD, Cảng vụ Hải phòng, Cảng vụ Bà Rịa - Vũng Tàu
Tại khu vực miền Nam, cảng Cái Mép - Thị Vải đã ghi nhận sản lượng hàng container đạt hơn 4.8 triệu TEU, tăng 18.2% so với năm 2022 và duy trì CAGR ở mức khá cao: 17.43%. Chúng tôi dự báo cảng Gemalink sẽ tiếp tục khai thác hết công suất trong năm 2024, nhờ động lực từ các mặt hàng xuất khẩu chính (thủy sản, dệt may…) có sự tăng tốc trở lại. Hơn thế nữa, cảng Gemalink có lợi thế nằm trên tuyến luồng hàng hải quốc tế, ngay cửa sông Cái Mép - Thị Vải với mớn nước sâu nhất, thuận tiện cho việc quay trở tàu, có tổng chiều dài cầu bến dài nhất khu vực (gần 1.5km) để có thể tiếp nhận đồng thời 3 tàu mẹ và 5 tàu feeder.
Nguồn: Bộ Giao thông Vận tải, Cảng vụ Vũng Tàu
Các dự án đang triển khai đầu tư
Sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường và các đối tác, cảng Gemalink đang gấp rút hoàn thiện thủ tục và nguồn vốn để triển khai giai đoạn 2. Dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2024 và 2025, giai đoạn này sẽ nâng tầm cảng Gemalink với quy mô 39ha, 350m cầu bến và công suất 900,000 TEU/năm, đưa tổng công suất của cảng lên 2.25 triệu TEU/năm. Giai đoạn 2 được đầu tư theo từng bước phù hợp với thị trường, tối ưu hóa nguồn lực, hướng đến mục tiêu biến Gemalink thành cảng nước sâu hiện đại và hiệu quả nhất khu vực. Với sự phát triển mạnh mẽ này, cảng Gemalink hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng cho các hãng tàu và góp phần thúc đẩy ngành logistics Việt Nam vươn tầm quốc tế..
Nguồn: GMD
Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 đã chính thức khai trương và đưa vào khai thác từ tháng 5/2023, nâng gấp đôi công suất của cụm cảng. Trong đó, quy mô cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2 có diện tích 42ha, 880m cầu bến và có năng suất 1.2 triệu TEU/năm. Giai đoạn 3 của cảng Nam Đình Vũ có diện tích 23ha, 660m cầu bến và khi hoàn thành sẽ nâng tổng công suất thiết kế lên tương đương 2 triệu TEU/năm. Dự kiến, giai đoạn 3 sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2025, nâng tổng công suất của Nam Đình Vũ lên 2 triệu TEU/năm, gồm 7 cầu bến với tổng chiều dài lên đến 1,5km. Gemadept hiện đang tiếp tục hoàn tất công tác chuẩn bị để sớm khởi công và đưa vào vận hành cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3, phát triển cụm cảng Nam Đình Vũ trở thành cảng sống lớn nhất khu vực miền Bắc.
Nguồn: GMD
Chiến lược đầu tư
Giá cổ phiếu GMD liên tục tạo các đỉnh và đáy mới cao hơn (Higher High, Higher Low) sau khi điểm giao cắt vàng (golden cross) xuất hiện giữa SMA 50 ngày và SMA 100 ngày vào giữa tháng 7/2023, chứng tỏ xu hướng tăng đã hình thành.
Tuy nhiên, chỉ báo Stochastic Oscillator đã xuất hiện tín hiệu bán trong vùng quá mua (overbought) nên rủi ro điều chỉnh sẽ tăng cao nếu chỉ báo rơi khỏi vùng này.
Hiện tại, giá cổ phiếu GMD đã test ngưỡng Fibonacci Projection 100% (tương đương vùng 81,000 - 83,000 đồng) và lập đỉnh cao nhất từ khi được niêm yết đến nay. Có thể canh mua vào khi giá điều chỉnh trong thời gian tới ở khu vực 70,000 - 75,000 đồng với mục tiêu dài hạn là vùng 110,000 - 112,000 đồng (tương đương ngưỡng Fibonacci Projection 161.8%).
Nguồn: VietstockUpdater
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|