Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành Bán lẻ ICT - Ngắn hạn xấu, dài hạn tốt
Năm 2023, nền kinh tế trong nước suy yếu và gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành bán lẻ ICT. Tuy ngắn hạn khá xấu, các số liệu cho thấy triển vọng dài hạn vẫn khá lạc quan.
Ngành bán lẻ tiếp tục tăng trưởng
Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6,231.8 tỷ đồng, tăng 9.6% so với năm trước. Như vậy, mức tăng này đã vượt qua mục tiêu Chính phủ đưa ra từ đầu năm là tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ năm 2023 tuy thấp hơn so với năm ngoái nhưng có tăng trưởng và tiếp tục nằm trên tốc độ tăng trưởng của GDP. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra kế hoạch chiến lược mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 - 2030, giá trị thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9 - 9.5%/năm; đến năm 2030 đóng góp khoảng 15 - 15.5% vào GDP cả nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng bình quân 13 - 13.5%/năm.
So sánh tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ và GDP giai đoạn 2016 - 2023
(Đvt: Phần trăm (%))
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Người tiêu dùng vẫn lạc quan, bất chấp thách thức về nền kinh tế
Triển vọng phát triển của Việt Nam trong thập niên tiếp theo vẫn khả quan, vì GDP đã tăng trưởng trở lại - theo phân tích của McKinsey. Tăng trưởng GDP hàng năm dự kiến sẽ đạt mức 2 - 7% trong giai đoạn từ 2023 - 2030. Mức độ tự tin và lạc quan về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam hiện đứng hàng top ở khu vực châu Á.
Mức độ tự tin về khả năng phục hồi kinh tế của các quốc gia trên thế giới
Nguồn: McKinsey Global Institute
Tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh
Trong vài năm trở lại đây, tầng lớp trung lưu Việt Nam vẫn duy trì được đà phát triển, ngày càng mở rộng về địa bàn và trở nên đa dạng hơn. Lực lượng người tiêu dùng đang lớn mạnh hơn, có yêu cầu cao hơn và khó tính hơn.
Một nửa dân số Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu sau năm 2030, tạo ra nhiều thu nhập khả dụng hơn và thúc đẩy tiêu dùng. Ngành bán lẻ ICT sẽ hưởng lợi về dài hạn nhờ xu hướng này.
Tăng trưởng tầng lớp trung lưu ở Việt Nam giai đoạn 2000 - 2030
(Đvt: Triệu người)
Nguồn: McKinsey Global Institute
Cổ phiếu đáng chú ý
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) là doanh nghiệp chiếm thị phần vượt trội với hơn 3,300 điểm bán hàng và bỏ xa so với đối thủ là FPT Shop và Viettel Store.
Số lượng cửa hàng của các công ty bán lẻ công nghệ
Nguồn: VietstockFinance
Cơ cấu doanh thu của MWG lũy kế 11 tháng 2023
Nguồn: MWG
Câu chuyện thoái vốn của Bách Hóa Xanh sẽ đem đến khả năng bứt phá cho MWG. Sau thời gian tái cấu trúc vào tháng 4/2022, hiện tại Bách Hóa Xanh có gần 1,700 điểm bán đã hoạt động ổn định trở lại. Hiện tại, chuỗi cửa hàng này đang chào bán riêng lẻ 10% cổ phần thay vì 20% như kế hoạch ban đầu. Việc hạ tỷ lệ xuống là do kết quả kinh doanh của chuỗi Bách Hóa Xanh tích cực hơn và trở thành điểm sáng duy nhất trong cơ cấu doanh thu của MWG. Trước đó vào cuối tháng 9/2023, Reuters từng đưa tin mức định giá Bách Hoá Xanh sẽ nằm trong khoảng 1.5-1.7 tỷ USD.
Theo định giá riêng của người viết thì chuỗi Bách Hóa Xanh sẽ có giá trị khoảng 1.42 tỷ USD với doanh thu năm 2023 được MWG công bố 31.6 ngàn tỷ đồng và P/S các cổ phiếu cùng ngành trong khu vực châu Á (tính giá trị trung bình) là 1.09 lần.
Bảng so sánh các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng
Nguồn: Investing & MWG
Nếu thương vụ thành công, Bách Hóa Xanh nói riêng và MWG nói chung sẽ được bổ sung nguồn vốn rất lớn, giúp cho việc kinh doanh, mở rộng trong thời gian tới sẽ vô cùng thuận lợi. Qua đó thực hiện mục tiêu chạm điểm hòa vốn trong năm 2024 và thu về lợi nhuận trong những năm tiếp theo.
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|