Doanh nhân Việt kể chuyện bán gạo ST25, thanh long... tại Mỹ
Kinh nghiệm từ xuất khẩu thanh long, gạo ST25... được chia sẻ như bài học cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt vào thị trường Mỹ, nơi đang tăng trưởng 20%/năm.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ thời gian gần đây tăng trưởng mạnh, ở mức trung bình 20%/năm, trong đó nổi bật là hàng nông sản.
Tuy nhiên, để chinh phục được thị trường khó tính bậc nhất thế giới này, ngoài việc nắm rõ được về các rào cản thương mại, chính sách chống bán phá giá, chống trợ cấp, các luật liên quan đến an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp cần biết đóng gói bao bì, quảng bá sản phẩm với từng nhóm đối tượng khách hàng...
Đây là nội dung được chia sẻ trong tọa đàm về chủ đề xuất khẩu và phân phối thực phẩm vào thị trường Mỹ, do VBI Global - Tổ chức Người Việt toàn cầu về kinh doanh và đầu tư tổ chức sáng nay, 21-3. Tọa đàm được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, với các diễn giả và người tham dự từ cả các đầu cầu bên Mỹ và Việt Nam.
Tặng miễn phí sản phẩm ăn thử là một trong những giải pháp tác động đến hành vi người tiêu dùng tại Mỹ. Ảnh: Year of the Durian
|
Bài toán chất lượng, thủ tục và luật pháp
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T, nông sản Việt khi xuất khẩu sang Mỹ hay gặp vấn đề chất lượng không đồng đều. Vài lô đầu có thể chất lượng rất ổn, nhưng rồi đến các lô hàng sau lại xôi đỗ, có lô phải bỏ đi phần lớn.
Lý do thì nhiều, nhưng nên chú ý tới công tác bảo quản. Như hàng rau quả, trái cây, trên đường vận chuyển xuyên Thái Bình Dương có khi bị kém chất lượng bởi container mất lạnh.
Hình thức xuất khẩu của phần lớn doanh nghiệp Việt là xuất nợ, thu tiền sau. Vậy nên gặp phải lô kém chất lượng, bạn hàng sẽ từ chối thanh toán, phía Việt Nam dễ mất trắng.
Bài học mà CEO của Vina T&T vẫn nhớ là mặt hàng thanh long. Có kinh nghiệm và thị trường tốt ở châu Âu rồi, và cũng làm chủ công nghệ bảo quản để xuất hàng đường biển 30 ngày vẫn đảm bảo chất lượng. Vậy nhưng vẫn nguồn hàng ấy, công nghệ bảo quản ấy, lô hàng xuất Mỹ lại bị bạn hàng phản ứng.
Rà soát lại, T&T mới phát hiện nguyên nhân nằm ở kỹ thuật chiếu xạ. "Hàng xuất châu Âu thì không cần, nhưng đi Mỹ lại yêu cầu. Mà quá trình làm kỹ thuật chiếu xạ thì có thể trái cây đã bị nóng lên, đến khi bỏ container lạnh thì dễ hỏng. Vậy là phải tìm cách khắc phục" - ông Tùng nói.
Từ bên kia Thái Bình Dương, bà Jolie Nguyễn, CEO kiêm nhà sáng lập Công ty LNS International, đơn vị nhiều năm nhập nông sản Việt Nam lưu ý vấn đề thủ tục, giấy tờ chứng thực tiêu chuẩn thực phẩm, nông sản. Theo đó, các quy định này rất chặt chẽ, có phần phức tạp, doanh nghiệp xuất khẩu Việt nam cần tìm hiểu, nắm thật chắc. Nếu cần thì nên sử dụng dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp, đến khi thực sự quen mới tự làm.
Trong quá trình này, doanh nghiệp xuất khẩu trước tiên cần nắm thật chắc sản phẩm của mình. Tùy loại mà sẽ xác định xem cần đáp ứng quy trình thủ tục của những cơ quan nào bên Mỹ.
Chẳng hạn, với hàng thủy hải sản thì sản phẩm tươi sống, đông lạnh và sản phẩm đã chế biến đều có thủ tục riêng, bà Jolie Nguyễn lấy ví dụ.
Với sản phẩm đã chế biến thì thủ tục là đăng ký, lập hồ sơ theo quy định của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cùng các yêu cầu về đóng gói. Còn với thủy sản tươi sống, đông lạnh, doanh nghiệp cần có thêm giấy phép của Cơ quan Quản lý Cá và Động vật hoang dã (USFWS). Cơ quan này sẽ xác nhận việc sản phẩm đáp ứng các tiêu chí về đánh bắt hợp pháp, về kiểm soát hóa chất trong quá trình nuôi trồng...
Vai trò của truyền thông và mạng xã hội
Từ kinh nghiệm kinh doanh thực phẩm ở Mỹ, ông Dương Võ, CEO của Mekong Foods lưu ý là ngoài việc đáp ứng thủ tục hải quan, đưa được hàng vào biên giới Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt cũng cần quan tâm tới câu chuyện bán hàng.
Các công ty xuất khẩu không nên bỏ mặc việc đó cho đơn vị nhập khẩu. Bởi Mỹ là thị trường có độ cạnh tranh cao, để thương hiệu Việt chiếm lĩnh, thay thế cho những thương hiệu sản phẩm mà người tiêu dùng Mỹ vốn đã quá quen thuộc là việc không hề dễ dàng.
Ông Võ gợi ý, doanh nghiệp xuất khẩu có thể khởi đầu bằng việc có người đứng giới thiệu sản phẩm và mời người tiêu dùng ăn thử, hoặc tặng kèm sản phẩm đó vào những sản phẩm có liên quan vốn đã bán chạy từ trước đó.
Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu nông sản Việt của Vina T&T, ông Nguyễn Đình Tùng kể lại câu chuyện bán gạo ST25 tại Mỹ.
Sau khi gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới trong cuộc thi tại Philippines, ông Tùng đã quyết tâm chào thị trường Mỹ bằng việc cho người đứng trước các nhà thờ địa phương phát cho mỗi người một kg gạo này. Người tiêu dùng thấy ngon nên sau đó tìm đến hệ thống phân phối ST25 để mua hàng.
"Tỷ lệ sản phẩm dùng để tặng kèm chạy thêm doanh số ước tính khoảng từ 5 đến 10% mỗi lô hàng nông sản" - ông Tùng nói.
Cũng về bán hàng, doanh nhân Jolie Nguyễn của LNS International lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mạng xã hội nội địa cũng như truyền thông trong nước.
Bà Jolie Nguyễn cho biết tại Mỹ đang có "trend" mua hàng theo KOL trên mạng xã hội. Với người Việt tại Mỹ, có lúc đọc báo Việt Nam thấy trong nước có sản phẩm gì đang được chuộng, thì họ muốn xài thử. Vậy nên, truyền thông trong nước cũng là kênh để doanh nghiệp Việt xuất thêm nhiều hàng sang Mỹ.
Ngọc Diệp
Pháp luật TPHCM
|