Cơ hội nào cho ngành gỗ trong thị trường tài chính carbon?
Nếu các ngành khác phát thải carbon thì ngành gỗ lại có đặc điểm hấp thụ carbon, nghĩa là phát thải carbon âm. Chính vì vậy, việc khai thác ngành gỗ cũng như các sản phẩm từ gỗ như thế nào sẽ rất quan trọng trong thời gian tới.
Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tại hội đàm chủ đề “Thị trường tài chính Carbon: Cơ hội và Thách thức cho ngành gỗ Việt Nam” do HAWA Việt Nam tổ chức ngày 07/03/2024 tại TPHCM.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ (giữa) phát biểu tại hội thảo được tổ chức bởi HAWA Việt Nam. Nguồn: BTC
|
Muốn tham gia cuộc chơi, cần chuẩn bị sẵn sàng
Tháng 10/2023, châu Âu đã chính thức áp dụng thí điểm Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và các ngành hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp có thể kể đến xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, thuốc trừ sâu và hydro, chiếm 94% lượng phát thải carbon của châu Âu. Thời gian thí điểm sẽ đến ngày 01/01/2026.
Do vậy, tất cả doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng sang châu Âu sẽ phải chuẩn bị chứng minh các sản phẩm của mình không hấp thụ hoặc hấp thụ carbon trong giới hạn mà châu Âu quy định.
Trong khi sắt thép, xi măng đều là những ngành phát thải carbon rất lớn thì riêng ngành gỗ, đặc biệt nhờ vào việc trồng rừng, bảo vệ rừng lại trở thành ngành hỗ trợ để cho các ngành phát thải nhiều carbon có thể trung hòa carbon.
“Chính vì vậy, trong tương lai, việc phát triển ngành gỗ cần phải đi theo hướng này để đảm bảo tăng thu nhập cho những người bảo vệ rừng, cũng như những người kinh doanh trong chuỗi giá trị ngành gỗ”, vị PGS.TS nêu quan điểm.
Hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu đồ gỗ, do đó cần phải lưu ý đến những quy định của châu Âu để chuẩn bị sẵn sàng trong thời gian sắp tới.
Ông Thọ đưa ví dụ, ở châu Âu vừa qua có rất nhiều nông dân cũng như những người kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp đã biểu tình vì các yêu cầu liên quan đến môi trường, làm tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh của họ. Do vậy, Việt Nam muốn tham gia cuộc chơi này thì chắc chắn cần có sự chuẩn bị sẵn sàng.
Từ ngày 01/01/2025, châu Âu chính thức áp dụng quy định tất cả nông sản nếu có nguồn gốc từ phá rừng tính từ sau ngày 31/12/2020 thì sẽ không được xuất khẩu sang khu vực này. Điều tương tự cũng đúng với ngành gỗ và những ngành khác.
Một doanh nghiệp chế biến gỗ. Nguồn: Báo Chính phủ
|
Theo ông Thọ, nếu không có sự chuẩn bị cho việc này, thì rất nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng. Trong thời gian vừa qua, lĩnh vực dệt may bị ảnh hưởng trực tiếp, đến mức có thể phá sản doanh nghiệp do châu Âu đã đặt yêu cầu bảo vệ môi trường lên ưu tiên số 1, còn chất lượng là số 2, sau đó đến giá cả.
“Vì vậy, từ ngày 01/01/2025, nếu chúng ta không chứng minh được sản phẩm đồ gỗ không xuất phát từ phá rừng sau ngày 31/12/2020 thì cũng không xuất được sang châu Âu”, ông Thọ nhấn mạnh thêm.
“Rất nhiều người nghĩ rằng các sản phẩm gỗ của họ không được sản xuất từ rừng bị phá sau thời điểm quy định nhưng điều quan trọng là không chứng minh được sản phẩm của họ không phải sản phẩm từ phá rừng. Chính vì vậy, cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để xác nhận được điều đó”.
Từ đó cho thấy, việc theo dõi, lưu trữ được số liệu để chứng minh khi cần là rất quan trọng. Nhiều doanh nghiệp không biết được nên cần có sự tuyên truyền để nền kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và có thể đáp ứng những yêu cầu xuất khẩu, tránh những trường hợp để doanh nghiệp gặp khủng hoảng do không thể xuất khẩu.
Lợi thế dành nào dành cho các doanh nghiệp gỗ?
Tiến sĩ Vũ Tấn Phương - Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO), Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết với ngành gỗ, trước mắt không ảnh hưởng bởi CBAM nhưng sẽ ảnh hưởng bởi EUDR, quy định của châu Âu về chống phá rừng.
Tiến sĩ Vũ Tấn Phương chia sẻ tại hội thảo. Nguồn: BTC
|
Đồng thời, Chính phủ hiện nay đã rất ưu tiên quản lý rừng bền vững, sử dụng nguyên liệu được chứng nhận mang lại tính hợp pháp, có thể truy xuất được, toàn vẹn về môi trường xã hội.
Do đó, theo ông Phương, mục tiêu đặt ra với ngành gỗ từ nay đến năm 2030 phải đạt 1 triệu ha rừng được chứng nhận quản lý rừng bền vững để 100% nguyên liệu gỗ sử dụng cho sản xuất trong nước và xuất khẩu là nguồn hợp pháp và được chứng nhận, hướng đến sản xuất có trách nhiệm.
Việc này sẽ đem lại một số lợi thế cho các doanh nghiệp. Thứ nhất là, có thể có được nguồn tài chính xanh từ việc thương mại tín chỉ carbon nếu chứng minh được việc giảm phát thải trong quá trình sản xuất, hay tăng khả năng hấp thụ trong quá trình quản lý rừng.
Thứ hai là, doanh nghiệp sản xuất có các cơ hội tiếp cận công nghệ mới, công nghệ xanh, thay thế công nghệ cũ. Thứ ba là giúp doanh nghiệp nâng cao được năng lực quản trị. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần thực hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng.
“Những việc làm như vậy sẽ làm tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Khi sản xuất có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội theo hướng carbon thấp thì giá trị thương hiệu ắt sẽ rất cao, sẽ giúp cạnh tranh tốt hơn và đương nhiên tiếp cận được nhiều thị trường hơn”, ông Phương chia sẻ.
Đã có chính sách nào ngành gỗ có thể tận dụng?
Ông Thọ cho biết, trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chính phủ đã có rất nhiều ưu đãi ví dụ như về đất đai, thuế phí, mua sắm xanh, trái phiếu xanh, tín dụng xanh. Hơn nữa, danh mục phân loại xanh hiện giờ đã được trình Thủ tướng để các doanh nghiệp đáp ứng danh mục này sẽ nhận được các ưu đãi, chẳng hạn về trái phiếu xanh,…
Cùng với đó Chính phủ sẽ ban hành kế hoạch quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Các nội dung như vậy cùng ưu điểm của gỗ trong việc giảm phát thải khi tham gia vào nền kinh tế xanh, ngành gỗ chắc chắn sẽ được hưởng nhiều ưu đãi.
Ngoài ra, Chính phủ cũng có những ưu đãi đối với liên kết sản xuất từ xử lý phân bón, giống cây trồng cho đến giao thông vận tải, các nhà sản xuất cuối cùng cũng như sẽ có rất nhiều chính sách để đảm bảo cả quá trình sản xuất nhằm giảm lượng phát thải carbon.
Nếu như lượng hấp thụ carbon của gỗ đạt khoảng 70 triệu tấn thì sẽ tương đương 15 triệu xe ô tô phát thải carbon trong một năm. Do đó, giảm sử dụng xe xăng và chuyển sang sử dụng phương tiện điện trong quá trình chuyển tiếp sẽ hỗ trợ vận hành nền kinh tế để có thể đáp ứng được các yêu cầu của quốc tế về cam kết quốc gia trong việc giảm phát thải carbon.
Tử Kính
FILI
|