TP.HCM: 97% người lao động trở lại làm việc sau khi nghỉ Tết
Trên địa bàn TP.HCM, kết quả khảo sát tại 3.247 doanh nghiệp cho thấy tỉ lệ doanh nghiệp đã hoạt động trở lại khoảng 98%, tỉ lệ người lao động quay trở lại làm việc là 97%.
Ngày 19-2, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã có báo cáo về tình hình lao động quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo đó, qua khảo sát nhanh tại các doanh nghiệp và thông tin từ phòng LĐ-TB&XH quận, huyện và TP Thủ Đức, Liên đoàn lao động thành phố, … trong dịp Tết, TP.HCM ghi nhận 13 doanh nghiệp tổ chức cho người lao động làm việc xuyên tết với 1.544/6.566 lao động. Ngoài ra, có một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, vận tải… tại các khu vực tập trung đông khách du lịch và người người dân tham quan, mua sắm.
TP.HCM có 97% người lao động đã trở lại làm việc sau khi nghỉ Tết. Ảnh minh hoạ. Ảnh: XUÂN KHOÁT
|
97% lao động trở lại TP.HCM làm việc
Theo bà Lượng Thị Tới, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết từ ngày 15-2 (mùng 6 Tết Âm lịch) đối với các cơ quan, đơn vị (trừ trường học công lập) và doanh nghiệp nhà nước hầu hết người lao động đã quay trở lại làm việc, tỷ lệ gần 99%;
Đối với tình hình người lao động tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước có đông lao động, tỉ lệ doanh nghiệp trở lại hoạt động khoảng 65% với tỉ lệ lao động vào làm việc là 85%. Do thời gian quay trở lại làm việc sau Tết rơi vào các ngày thứ 5, thứ 6 cuối tuần nên một số doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động nghỉ phép năm, nhất là lao động ở các tỉnh xa về quê ăn tết.
Đến ngày 20-2, qua kết quả khảo sát tại 3.247 doanh nghiệp, tỉ lệ doanh nghiệp đã hoạt động trở lại khoảng 98%, tỉ lệ người lao động quay trở lại làm việc là 97%. Theo nhận định của các doanh nghiệp tỉ lệ thiếu hụt lao động sau Tết dưới 3%, tập trung tại các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành có sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện - điện tử, kinh doanh bảo hiểm - tài chính…
So với năm 2023, tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc sau tết không có nhiều thay đổi. Nguyên nhân có thể nhận thấy rõ nét là tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp trong năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn do biến động khó lường của kinh tế toàn cầu, người lao động mong muốn ổn định việc làm, gắn bó với doanh nghiệp hơn trong năm 2024.
Mặt khác, hoạt động sản xuất kinh doanh đang có nhiều dấu hiệu tích cực với việc một số doanh nghiệp tiếp nhận được các đơn hàng sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2024 ngay thời điểm cuối năm 2023.
Ổn định việc làm, chăm lo đời sống người lao động
Bà Tới cho hay nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động, việc làm, quan hệ lao động trong thời gian tới, nhất là tập trung ổn định tình hình, chăm lo đời sống của người lao động sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Sở sẽ tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục theo dõi tình hình lao động quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán, tình hình thiếu hụt lao động tại các doanh nghiệp, phối hợp với các cơ quan, tổ chức triển khai các chương trình tiếp sức người lao động, kết nối cung - cầu lao động để giúp người lao động sớm ổn định công việc, doanh nghiệp tập trung kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm.
Sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối cung - cầu lao động, hạn chế việc thiếu hụt lao động trong các doanh nghiệp cũng như tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp sắp xếp lại lao động với số lượng lớn. Thực hiện kịp thời các chính sách bảo hiểm thất nghiệp (trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề).
Thứ hai, tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các Sở, ngành thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp giữa Sở LĐ-TB-XH với Liên đoàn Lao động Thành phố, Bảo hiểm xã hội Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, … trong việc nắm bắt tình hình lao động, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động Thành phố, Bảo hiểm xã hội Thành phố, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, …tăng cường giám sát, kịp thời tìm hiểu, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động thực hiện đúng các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.…
Thứ tư, tăng cường thông tin, phổ biến các chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động để đảm bảo chất lượng việc làm, thích ứng với những thay đổi công nghệ sản xuất cũng như phù hợp với định hướng của thành phố.
Nguyễn Hiền
PHÁP LUẬT TPHCM
|