Cần cơ chế đặc thù thu hút các "ông lớn" công nghiệp bán dẫn
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các tập đoàn hàng đầu trên thế giới về công nghiệp điện tử, bán dẫn.
Năm 2023, với việc đoàn lãnh đạo cấp cao Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA) cùng đại diện nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn tới Việt Nam tìm cơ hội đầu tư, trong đó có ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn NVIDIA (Mỹ), đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (bìa trái, hàng thứ nhất) cùng ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn NVIDIA (thứ hai từ trái sang) tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cuối năm 2023
|
Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, để nắm bắt các cơ hội đó, phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, trong đó có yếu tồ về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về việc một số quốc gia đã đầu tư cho ngành bán dẫn từ hàng chục năm trước, vậy vị trí của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay như thế nào, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), cho biết ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã hình thành và trải qua một thời kỳ phát triển dài hơn 40 năm nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức độ khai thác dịch vụ, lắp ráp thiết bị với linh kiện và các vi mạch chính đều được mua của nước ngoài.
Theo ông Huy, phương thức hoạt động này làm cho các sản phẩm điện tử ở Việt Nam có giá trị gia tăng rất thấp, khó cạnh tranh với các sản phẩm điện tử được sản xuất ở nước ngoài và nền công nghiệp điện tử đã phát triển rất chậm, chưa thể hiện được vai trò chủ lực trong sự phát triển kinh tế đất nước.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam vẫn chỉ tập trung vào hoạt động gia công để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ, chưa có dấu hiệu đầu tư vào công nghệ nguồn, cụ thể là công nghệ sản xuất linh kiện và vi mạch bán dẫn.
Ông Vũ Quốc Huy nêu rõ, không làm chủ được công nghệ sản xuất linh kiện và vi mạch bán dẫn, Việt Nam không thể tạo ra được các sản phẩm điện tử có hàm lượng chất xám cao, có giá trị gia tăng lớn, và càng không thể tạo ra các sản phẩm mới có tính chất đột phá về mặt công nghệ sử dụng cho các mục đích khác nhau và đặc biệt là cho an ninh quốc phòng.
Nhu cầu nguồn nhân lực ngành bán dẫn là rất lớn
Nhu cầu nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam tới năm 2030 dự báo cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế (gồm 14.000 cho nhu cầu trong nước và 1.000 cho nhu cầu từ nước ngoài) và 35.000 kỹ sư trong các công đoạn khác.
"Điều đó đồng nghĩa với việc số lượng công ty thiết kế vi mạch bán dẫn sẽ tăng gấp 3 lần hiện tại với khoảng 100 công ty, mỗi công ty khoảng 150 kỹ sư và có khoảng 15 nhà máy đóng gói vi mạch với vốn đầu tư trung bình 1 tỉ USD và quy mô trung bình khoảng 2.300 kỹ sư trên một nhà máy"- ông Huy cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (bìa trái, hàng thứ nhất) cùng ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn NVIDIA (thứ hai từ trái sang) tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cuối năm 2023
|
Lãnh đạo NIC cũng nhìn nhận, với nguồn cung nhân lực dồi dào, Việt Nam đang có lợi thế lớn cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành kỹ thuật - công nghệ. Tuy nhiên, việc tập trung đào tạo kỹ sư trong ngành bán dẫn chưa được chú trọng, nên tạo ra khoảng cách lớn giữa nguồn cung và nhu cầu trong ngành.
Do đó, việc tập trung đầu tư vào đào tạo kỹ sư bán dẫn là một hướng đi chiến lược nhằm tận dụng tốt nội lực trong nước để làm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm điện tử trong nước và góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước là điều rất cấp thiết.
Thời gian vừa qua Việt Nam đón rất nhiều doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp bán dẫn từ Mỹ và các nước trên thế giới, ông Vũ Quốc Huy cho biết các doanh nghiệp nước ngoài đã đánh giá rất cao những tiềm năng của Việt Nam.
Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA) đã nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu và thông báo những kế hoạch đầu tư mới và dự định phát triển tại thị trường đầy tiềm năng. "Và mới đây, Chủ tịch Jensen Huang của NVIDIA đã cam kết biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia và sẽ thành lập pháp nhân ở Việt Nam"- ông Huy nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết công nghiệp chíp bán dẫn gồm 4 phân khúc là sản xuất vật liệu bán dẫn cho sản xuất chíp, thiết kế chíp, in đúc chíp và đóng gói, kiểm thử chíp. Các phân khúc sản xuất vật liệu và in đúc chíp cần vốn đầu tư rất lớn, công nghệ cao.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam phát triển công nghiệp chíp bán dẫn trước mắt hướng vào tham gia các phân khúc thiết kế và đóng gói, kiểm thử chíp. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác, liên doanh liên kết với một số tập đoàn về công nghiệp bán dẫn hàng đầu trên thế giới để từng bước khai thác, chế biến nguồn đất hiếm có trong nước phục vụ cho sản xuất chíp bán dẫn.
Để thúc đẩy phát triển mạnh và có chiều sâu công nghiệp điện tử, sản xuất chíp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nhấn mạnh cần nhanh chóng tổ chức đào tạo, hợp tác với các đối tác để phát triển đội ngũ nhân lực đạt chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp này nhất là nhân lực về thiết kế chíp hiện đang rất thiếu.
Đồng thời, cần rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ mạnh hơn để phát triển mạng lưới doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp khởi nghiệp, mạng lưới cơ sở khoa học cônh nghệ, khu công nghệ cao, mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo tham gia vào phát triển lĩnh vực công nghiệp điện tử, sản xuất chíp.
Ngoài ra, nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các tập đoàn hàng đầu trên thế giới về công nghiệp điện tử, bán dẫn, sản xuất chíp đầu tư vào Việt Nam, hợp tác với doanh nghiệp trong nước cùng sản xuất và chuyển giao công nghệ.
Minh Chiến
Người lao động
|