Thứ Sáu, 16/02/2024 16:51

TP HCM: Đề xuất thành lập Tập đoàn Metro và TOD

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố sẽ nghiên cứu việc thành lập Tập đoàn Metro và TOD.

Sáng 16-2, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố; Tổ Chuyên gia tư vấn xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt đô thị thành phố.

Giải phóng, đền bù xong mới khởi công

Thảo luận tại cuộc họp, TSKH, KTS Ngô Viết Nam Sơn đã đề xuất, gợi mở nhiều vấn đề để TP HCM hoàn thành được hệ thống 220 km đường sắt đô thị (metro) vào năm 2035 theo Kết luận 49/2023 của Bộ Chính trị.

TP HCM: Đề xuất thành lập Tập đoàn Metro và TOD- Ảnh 1.

Quang cảnh cuộc họp sáng 16-2

"Để hoàn thành 220 km đường sắt đô thị vào năm 2035 là một nhiệm vụ khó khăn. Do đó, cần có tư duy khác, cách làm khác cách làm hiện nay"- ông Sơn nhìn nhận.

Từ cách tiếp cận đó, ông Sơn cho rằng để làm đường sắt đô thị cần một tổ hợp đa ngành với nhiều vấn đề nằm ngoài tầm Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM như quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đền bù…

Ông Sơn đề xuất thành lập Tập đoàn Metro và TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) như một công ty cổ phần. Thành phần đầu tiên là sở, ngành liên quan; còn UBND TP HCM là nhạc trưởng, là người có cổ phần cao nhất trong Tập đoàn, điều phối nhịp nhàng các sở, ngành.

TSKH, KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất thành lập Tập đoàn Metro và TOD như một công ty cổ phần

Về cách làm theo ông Sơn cần tiếp cận với tư duy đa ngành chứ không đơn ngành. Các sở, ngành liên quan đều tham gia và sau khi đề án chốt, họ sẽ là người thực hiện.

Nhất là giải phóng mặt bằng, đền bù xong toàn tuyến mới khởi công. Nếu công tác đền bù chưa thực hiện xong mà khởi công thì giải quyết câu chuyện đền bù rất khó khăn bởi sau khi khởi công, giá đất sẽ tăng lên từng ngày, từng giờ. Thời gian giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định sẽ kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án.

"TP HCM đang đánh một trận lớn nên việc cẩn trọng là cần thiết và đánh là phải thắng"- ông Sơn bày tỏ.

Ngoài ra, ông Sơn cũng đề xuất nên có một ban thực hiện dự án TOD vì Nghị quyết 98 đã trao quyền và Trung ương cũng rất ủng hộ TP HCM thực hiện cách làm này, đầu tiên trong cả nước. Ban này thành phần đầu tiên phải có Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố, rồi Sở Quy hoạch và Kiến trúc vì TOD có vùng khác nhau tùy theo từng tuyến metro và cơ sở để xác định, làm quy hoạch ở đâu thì cần sở này.

Trong khi đó, TS Vũ Minh Khương cũng để xuất phải có một liên minh hành động để làm hệ thống metro. Liên minh này gồm TP HCM, Hà Nội, các bộ, ngành trung ương, các chuyên gia, nhà đầu tư… tinh nhuệ của cả nước dồn về đây.

Nghiên cứu việc thành lập Tập đoàn Metro và TOD

Tiếp thu ý kiến các chuyên gia, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định không chỉ đường sắt đô thị mà các vấn đề khác của thành phố, UBND thành phố đều chỉ đạo tiếp cận đa ngành, tổng thể theo mục tiêu phát triển bền vững và lấy người dân làm trung tâm.

Đó là lý do vì sao TP HCM thành lập nhiều ban chỉ đạo, tổ công tác, bởi một sở, ngành không giải quyết được vấn đề.

TP HCM: Đề xuất thành lập Tập đoàn Metro và TOD- Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp

Cụ thể ở việc xây dựng hệ thống metro, Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ tư duy đa ngành được thành phố tiếp cận ngay từ đầu, trong đó Ban Quản lý đường sắt đô thị đóng vai trò thường trực, các sở, ngành liên quan phối hợp dưới sự chỉ đạo, điều hành của UBND TP HCM.

Chủ tịch UBND thành phố cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện vấn đề này. UBND thành phố sẽ tiếp tục rà soát lại kế hoạch để làm rõ trách nhiệm liên ngành, làm sao để công việc, các khâu được thực hiện đồng bộ, tránh việc này không hoàn thành sẽ đẩy việc khác vào thế khó.

Liên quan đến TOD, thành phố cũng thành lập một tổ đa ngành do Chủ tịch UBND thành phố làm Tổ trưởng.

Đối với đề xuất thành lập Tập đoàn Metro và TOD, Chủ tịch UBND thành phố cho hay sẽ nghiên cứu thêm vấn đề này.

"Tôi hiểu ý kiến chuyên gia muốn các sở, ngành cũng như các bên liên quan đến dự án phải tham gia ngay từ đầu, có ý kiến và trách nhiệm thực hiện xuyên suốt dự án"- Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ và cho hay việc Tập đoàn Metro và TOD thành lập khi nào, giai đoạn nào, thành phố sẽ nghiên cứu.

Hiện TP HCM đã được quy hoạch 8 tuyến metro và ba tuyến xe điện mặt đất (hoặc đường sắt một ray) tổng chiều dài 220 km, vốn đầu tư ước tính khoảng 25 tỉ USD. Trong đó, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã được triển khai, những tuyến còn lại chưa đầu tư.

Bài và ảnh: PHAN ANH

Người lao động

Các tin tức khác

>   Startup công nghệ Việt Nam được định hình nhờ các nhân tài từ Oxford, Havard (16/02/2024)

>   Nhiều nhà máy tất bật chạy đơn hàng từ đầu năm (16/02/2024)

>   Trong 657,000 tỷ đồng đầu tư công năm 2024 thì chủ yếu là dành cho hạ tầng giao thông (16/02/2024)

>   Du lịch TPHCM thu hơn 6,500 tỷ đồng dịp Tết Nguyên đán 2024 (15/02/2024)

>   Nhìn lại 4 làn sóng FDI vào Việt Nam (17/02/2024)

>   Mặt hàng Việt đứng Top 5 thế giới, chỉ 1 tháng thu về gần 1,5 tỷ USD (15/02/2024)

>   Thủ tướng chỉ thị đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện (15/02/2024)

>   Huế, Lào Cai, Cần Thơ ‘bội thu’ khách du lịch dịp Tết Nguyên đán (14/02/2024)

>   Hà Nội: 7 ngày nghỉ Tết thu hơn 2.000 tỷ đồng (14/02/2024)

>   Lợi thế sản xuất Hydrogen Xanh từ điện gió ngoài khơi (14/02/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật