Thúc đẩy hình thành trung tâm tài chính quốc tế TP HCM
Dự kiến trong năm 2024, TP HCM sẽ trình Quốc hội về khung pháp lý, cơ chế cho trung tâm tài chính quốc tế.
Trong đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM, thành phố xác định rõ mục tiêu trở thành "HUB" - nơi hội tụ để thu hút các đầu mối, dòng vốn doanh nghiệp (DN), tư nhân, toàn cầu.
Tham vấn kinh nghiệm quốc tế
Trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu ngay trước Tết Nguyên đán vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì tọa đàm "Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam" tại Davos - Thụy Sĩ. Các chuyên gia tài chính quốc tế tham dự tọa đàm đánh giá Việt Nam là một trung tâm tài chính tiềm năng, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính có tính liên kết cao và hoàn toàn có thể tạo bước nhảy vọt trong lĩnh vực này.
Tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu chia sẻ kinh nghiệm, tham vấn lựa chọn mô hình phát triển, giải pháp phù hợp nhằm phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam. Đặc biệt, tham vấn về thể chế, chính sách và giải pháp phát triển hệ sinh thái tài chính theo hướng toàn diện, bao gồm: ngân hàng số, thanh toán số, giao dịch số, tài chính xanh, sàn giao dịch tín chỉ carbon, sàn giao dịch hàng hóa, sàn giao dịch ngoại tệ...
Thủ tướng mong các đối tác nước ngoài, với uy tín, kinh nghiệm và tầm ảnh hưởng của mình sẽ đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia, nâng cao các chuẩn mực về kế toán, kiểm toán, báo cáo tài chính, tạo nền tảng quan trọng để phát triển thành công trung tâm tài chính quốc tế trong thời gian tới.
TP HCM có tiềm năng rất lớn trở thành trung tâm tài chính của khu vực và thế giới. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
|
Cũng tại tọa đàm, Thủ tướng đã thống nhất thành lập Tổ Công tác nghiên cứu, tư vấn xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam. Tổ công tác do TS Philipp Rösler - nguyên Phó Thủ tướng Đức gốc Việt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì.
Trước đó, vào tháng 10-2023, Chính phủ cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng đề án do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm trưởng ban.
Tại tọa đàm nêu trên, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh về kế hoạch tới năm 2030, thành phố sẽ hình thành trung tâm tài chính khu vực. Trong năm 2024, TP HCM phải trình Quốc hội khung pháp lý cho trung tâm này rồi tiếp tục cập nhật, bổ sung.
Liên quan những chuyển động mới về đề án trung tâm tài chính quốc tế TP HCM, ngày 18-2, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một chuyên gia đang tham gia tổ tư vấn, nghiên cứu xây dựng đề án, cho biết thành phố tiếp tục tổng hợp các mô hình phù hợp để hoàn thiện khung pháp lý, đề xuất cơ chế cho trung tâm. Khi có khung chính sách sẽ triển khai cụ thể để thu hút nhà đầu tư chiến lược. Dự kiến trong năm nay, TP HCM sẽ trình đề án chính thức lên Chính phủ và Quốc hội.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM - đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng đề án trung tâm tài chính quốc tế TP HCM, nhiều lần nhấn mạnh tính cấp thiết phải hình thành trung tâm tài chính quốc tế. Theo ông, TP HCM đã trải qua 2 làn sóng đầu tư. Với quy mô và vai trò mới trong bối cảnh hiện nay, TP HCM cần tạo ra làn sóng thu hút đầu tư thứ ba, trong đó kiến tạo hình thành thị trường vốn.
"Hiện nay, nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng chưa đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Họ cần nguồn vốn đa dạng, quy mô lớn và dài hơi hơn để có thể mở rộng đầu tư và phát triển. Việc sớm hình thành trung tâm tài chính quốc tế sẽ là nền tảng để TP HCM thu hút đầu tư, tạo cú hích mạnh, đồng bộ cho các ngành cùng phát triển" - ông Nguyễn Ngọc Hòa nhìn nhận.
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS), thành phố có tiềm năng rất lớn trở thành trung tâm công nghệ tài chính (fintech) của khu vực Đông Nam Á và đang hoạch định chính sách để hiện thực hóa tiềm năng này. Cụ thể, TP HCM có nhiều lợi thế để phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế, là nơi bắt nguồn những sáng kiến quan trọng nhất cả nước như thành lập ngân hàng thương mại đầu tiên, thị trường chứng khoán, thị trường ngoại hối, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp... TP HCM cũng dẫn đầu cả nước về tích hợp, ứng dụng fintech.
Ưu tiên một số trụ cột
Theo nhiều chuyên gia, để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM, cần triển khai một cách đồng bộ các kế hoạch như: phát triển công nghệ tài chính - fintech; ngân hàng số và giao dịch tài chính số; phát triển thị trường hàng hóa phái sinh; ban hành quy chế quản lý, khung chính sách pháp lý…
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM, nêu quan điểm: Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP HCM cần phải được xây dựng khác biệt so với những trung tâm tài chính quốc tế hiện hữu. Bởi lẽ, nếu ra đời sau mà lối đi không khác biệt thì không đủ sức hấp dẫn dòng vốn đầu tư trên thế giới đổ về.
Một hướng TP HCM đang có lợi thế là xây dựng trung tâm fintech, cho phép thí điểm có kiểm soát (sandbox) liên quan blockchain (công nghệ chuỗi khối), AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (internet vạn vật)..., sẽ thu hút nhiều hơn các tập đoàn tài chính, công nghệ.
"Trung tâm fintech không thể đứng một mình mà cần kết hợp với các trung tâm thương mại quốc tế. Chẳng hạn, Singapore là trung tâm tài chính kết hợp trung tâm trung chuyển cảng biển, hàng không quốc tế. Với vị trí, vai trò của mình, TP HCM kết hợp với sân bay Long Thành đang xây dựng và siêu cảng quốc tế Cần Giờ đã được quy hoạch, triển khai trong tương lai sẽ tạo ra những lợi thế để bổ trợ trung tâm tài chính quốc tế" - PGS-TS Nguyễn Hữu Huân phân tích.
TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Khoa Tài chính - Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, cho rằng trung tâm tài chính quốc tế không phải là một tổ chức hay một khu vực hiện hữu mà nên hiểu đó là một hệ sinh thái bao gồm các nhà đầu tư, tổ chức huy động vốn, các định chế tài chính, tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính… Khi đã có đông đảo nhà đầu tư quốc tế, định chế quốc tế, việc huy động vốn quốc tế sẽ thuận lợi hơn. Khi đã xây dựng được một hệ sinh thái thuận lợi cho các giao dịch quốc tế, nhà nước sẽ thu được phí dịch vụ, các loại thuế…, biến tài chính trở thành một ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn trong GDP.
"TP HCM không phải xây dựng nên trung tâm tài chính quốc tế mà là kiến tạo những điều kiện thuận lợi cho sự vận hành của hệ sinh thái. Khi các điều kiện này thuận lợi, dần dần sẽ thu hút chủ thể tham gia. Các điều kiện cần nhà nước kiến tạo bước đầu là xây dựng hệ thống luật pháp, quy định, nguyên tắc vận hành phù hợp; tạo lập một số thị trường, sở giao dịch cơ bản (chứng khoán, phái sinh, hàng hóa, ngoại hối…), nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ" - TS Nguyễn Anh Vũ phân tích.
Pháp lý mạnh hỗ trợ khởi nghiệp fintech
Theo HIDS, để đạt được mục tiêu trở thành một trung tâm fintech của Đông Nam Á, TP HCM cần làm rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình so với các nước trong khu vực. Cùng với đó, TP HCM phải hoạt động tích cực như một trung tâm fintech của khu vực - phát triển nhiều loại hàng hóa tài chính đa dạng hơn, có hệ thống pháp lý mạnh mẽ để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp fintech và có các điều kiện, hệ thống quản lý rõ ràng để các công ty khởi nghiệp phát triển. TP HCM cũng cần ưu tiên công nghệ, chất lượng kết nối hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và có chiến lược dài hạn ngay từ bây giờ.
|
(Còn tiếp)
Linh Anh Phương An Sơn Nhung
Người lao động
|