Quyết định của một trader: Chọn con tim hay nghe lý trí?
Thị trường chứng khoán không chỉ là nơi các nhà đầu tư, trader muốn kiếm tiền mà cũng là nơi chứa nhiều cảm xúc thăng trầm, có cả hỉ nộ ái ố. Tuy nhiên, để có thể thành công trong mỗi lần giao dịch, các trader phải học cách kiểm soát tâm lý, nói cách khác chính là kiểm soát chính mình.
“Không phải lỗi của tôi, chỉ là xui mà thôi!”
Đây là câu nói cửa miệng của các trader mới tham gia thị trường mỗi khi bản thân mắc sai lầm trong quá trình giao dịch. Còn nhớ khi lúc mới tham gia thị trường chứng khoán vào những năm 2014, 2015, lúc đó tôi chỉ là cậu sinh viên năm 4 với kiến thức mong manh được học trên ghế nhà trường nhưng có rất nhiều hoài bão, mơ mộng về “3 chữ cái”, dấu vết của dòng tiền hay hành vi của cá mập… Tôi tỏ ra khá hào hứng với các lệnh mua bán mỗi khi thị trường lên và buồn bã khi bảng điện tràn ngập màu đỏ, màu lanh xơ. Lúc đó, tôi đã quyết định trở thành một trader vì nghĩ mình có đủ tố chất, sự đam mê và cháy bỏng với nghề này.
Tuy nhiên, sau khoảng thời gian giao dịch, tôi dần cảm thấy mọi quyết định mua bán của tôi bị chi phối phần lớn bởi cảm xúc, đi theo sự ồn ào của đám đông chứ không phải do tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ những sai lầm hay là kỷ luật của bản thân. Mỗi lần giao dịch thành công, tôi đều tự đắc cho rằng mình có khả năng thiên bẩm trời phú. Còn khi giao dịch thất bại, tôi đều tặc lưỡi nói với các đồng nghiệp của mình: “Ôi xui quá! Này là do tôi xui thôi”.
Đỉnh điểm cho đến khi chứng kiến, tự mình trải qua các đợt sụp đổ của VN-Index trong giai đoạn 2018-2020 và mất nhiều tiền “học phí” cho thị trường, tôi mới thực sự tỉnh ngộ. Lúc này, tôi mới nhận ra mình chỉ là người may mắn khi tham gia thị trường đúng lúc có sóng tăng trong năm 2016-2017 và dần dà bị cảm xúc chi phối từ đó đánh mất hết thành quả vào những năm tiếp theo. Tôi đã không hiểu tầm quan trọng của bức tranh toàn cảnh vĩ mô, bối cảnh kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến kết quả giao dịch của mình ở mức độ nào.
Diễn biến VN-Index trong giai đoạn 2016-2020
|
Học cách kiểm soát cảm xúc
Sau nhiều thất bại, phải trả những cái giá rất đắt để “tự khai sáng” bản thân, tôi đã và đang học cách kiểm soát cảm xúc. Tôi chủ động ghi chép “nhật ký giao dịch”, bao gồm các quyết định mua bán và lý do của các quyết định này. Chỉ khi đó tôi mới thực sự biết thế nào là may mắn và khi nào sử dụng những kỹ năng, kiến thức tích lũy trong nhiều năm qua để thực hiện giao dịch. Quan trọng hơn là tôi đã rút được những kinh nghiệm gì từ những lần giao dịch sai lầm và kể cả những giao dịch thành công. Điều này tôi đã học được từ câu nói nổi tiếng của nhà đầu tư vĩ đại John Templeton – Người sáng lập quỹ Templeton Growth Fund: “Thời điểm để nhìn lại phương pháp đầu tư của bạn là khi bạn thành công nhất chứ không phải là khi bạn mắc nhiều lỗi lầm nhất”.
Tôi cũng hiểu rằng bản chất của thị trường là sự cô đọng tuyệt đối các sự kiện tài chính. Kết quả là thảm họa tài chính nhanh chóng dễ bị quên đi. Hậu quả xa hơn là khi trường hợp tương tự hoặc gần tương tự xảy ra, đôi khi chỉ trong một vài năm sau đó, chúng lại được hô hào bởi lớp nhà đầu tư mới hay còn gọi là F0. Nhà đồng sáng lập huyền thoại và chiến lược gia đầu tư chính của Grantham, Mayo & van Otterloo (GMO, một công ty quản lý đầu tư) – ông Jeremy Grantham cũng đã từng nói: “Chúng ta sẽ học nhiều điều trong thời gian ngắn, một chút trong trung hạn và không có gì cả trong lâu dài. Điều này đã từng có tiền lệ trong lịch sử”.
Bên cạnh nhật ký giao dịch, tôi học cách tự bản thân rèn luyện tính khách quan, tức là mọi hành động phải dựa trên niềm tin rằng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Vì vậy, trước mỗi khi giao dịch, tôi đều tự đặt câu hỏi cho bản thân: Liệu tôi có cảm thấy áp lực, bất an khi làm điều này không? Nếu có thì tôi sẽ lập tức dừng lại việc mua bán cổ phiếu.
Và giờ đây, sau hơn 10 năm làm trader, tôi đã và đang giác ngộ khi coi đầu tư chứng khoán là công việc nhàm chán, đó chính là lúc bạn học cách kiểm soát cảm xúc!
Thiên Lương
FILI
|