Bài học đích đáng của tôi trong năm 2023
Kết thúc phiên 29/12/2023, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khép lại ở mức 1,129.3 điểm, tăng 12.2%. Tôi nghĩ đây là mức tăng trưởng khá tốt. Tuy nhiên, so với mức tăng của VN-Index thì hiệu suất đầu tư của bản thân tôi lại là số 0 tròn trĩnh. Bên cạnh việc phải đau khổ cắt lỗ 1 mã cổ phiếu khi tỷ lệ lỗ đã lên tới 54%, tôi cũng có bài học đáng giá về nguyên tắc đầu tư cũng như kiểm soát cảm xúc.
Từ tự tin thành chủ quan
Có thể nói, TTCK năm 2023 trải qua khá nhiều biến động khó lường và diễn biến phức tạp. Riêng trong 4 tháng đầu năm, hầu như VN-Index chỉ tích lũy đi ngang và biến động trong biên độ hẹp. Lúc đó, tôi cũng khá thận trọng trong việc đầu tư, vì đã chứng kiến những vụ sụp đổ bất ngờ của thị trường trong những năm 2020, 2021 và 2022. Tôi chỉ dám đứng ngoài quan sát và mua thăm dò một số mã cổ phiếu nhóm bất động sản, bán lẻ và thép.
Bước sang tháng 5 và tháng 6, khi có dấu hiệu dòng tiền đổ vào thị trường, tôi đã liều lĩnh khi cho rằng VN-Index đang vào giai đoạn Uptrend và mạnh dạn tham gia vào thị trường với số vốn khá lớn, chiếm 70% tổng tài sản của mình. Khi đó, danh mục của tôi có 5 mã, trong đó có 2 mã ngành bất động sản - đây đều là những công ty lớn đang trong giai đoạn tái cấu trúc sau khoảng thời gian chịu nhiều khó khăn từ bất ổn vĩ mô, thị trường trái phiếu. Ngoài ra, danh mục của tôi có 1 mã ngành bán lẻ với tình hình kinh doanh và dòng tiền rất ổn trong nhiều năm. Với nhận định rằng giá lương thực có khả năng tăng cao khi hiện tượng El Nino đang gây nóng kỷ lục trên toàn thế giới, tôi đã thêm 1 mã cổ phiếu về ngành gạo vào danh mục đầu tư.
Ban đầu, khoản đầu tư của tôi sinh lời khá tốt với tỷ suất sinh lời bình quân lên đến 50 - 60% chỉ trong vòng 2 tháng, đặc biệt là mã cổ phiếu về ngành gạo. Lúc đó, tôi rất tự tin, chủ quan cho rằng mã này sẽ rất tiềm năng trong dài hạn khi có nhiều dự báo rằng tình trạng thiếu lương thực sẽ kéo dài và Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn trong việc xuất khẩu gạo tăng. Tuy nhiên, tôi đã quên mất rằng mình phải phân tích tình hình tài chính, nội tại cũng như cách quản trị của doanh nghiệp đó một cách kỹ càng. Thay vào đó, tôi chỉ chăm chăm nhìn chart và tin tưởng vào trình độ phân tích kỹ thuật của mình. Với việc phân tích qua loa, mang tính chủ quan, tôi đã quyết định bán những mã sinh lời tốt trong danh mục và quyết định dồn tiền vào mã cổ phiếu gạo này.
Sự thật phũ phàng và bài học cảnh tỉnh
Tuy nhiên, “đời không như mơ”, sự thật đã cho tôi một “cái tát” phũ phàng và giúp tôi có bài học nhớ đời. Sau hơn 3 - 4 tháng tăng tốt thì TTCK đã có những nhịp chỉnh lớn từ đỉnh hơn 1,244 điểm xuống còn dưới 1,030 điểm. Lúc này, giá trị của tài sản của tôi cũng sụt giảm một cách nhanh chóng.
Thay vì áp dụng nguyên tắc cutloss nếu danh mục lỗ vượt quá 7%, tôi lại lì lợm tiếp tục mua vào để trung bình giá, với hy vọng rằng mã cổ phiếu gạo sẽ ngưng giảm và tăng trở lại. Thậm chí, tôi đã bỏ ngoài tai, phớt lờ những thông tin tiêu cực liên quan đến mã này như: Kết quả kinh doanh giảm sút, ban lãnh đạo lén lút bán cổ phiếu rồi đến những thông tin thiếu minh bạch liên quan đến quản trị và điều hành công ty… Cho đến khi đọc thấy tin tức rằng mã cổ phiếu gạo này sẽ chỉ được giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần, tôi mới thực sự tá hỏa, hoang mang không biết xử lý như thế nào. Tôi cảm giác như bất lực trước sự bảo thủ, cố chấp của chính mình, đã gây ra hậu quả vô cùng tai hại như vậy. Cuối cùng, tôi đau khổ quyết định cutloss cổ phiếu này khi tỷ lệ lỗ đã lên hơn 54%.
Có thể thấy, tổng kết 1 năm đầu tư của tôi, dù khoản đầu tư quay về số vốn gốc, nhưng so với hiệu suất của VN-Index thì quá là thê thảm. Tôi đã tự mình đạp đổ những thành quả mà tôi đã mất công gây dựng từ những năm trước đó. Hơn nữa, tôi đã có một bài học rất lớn về kỷ luật trong đầu tư. Và giờ đây, tôi thực sự đã thấm thía câu nói của nhà đầu tư chứng khoán vĩ đại Jesse Livermore: “Lần duy nhất ta thực sự mất tiền là khi ta phá vỡ những quy tắc của chính mình”.
Thiên Lương
FILI
|