Ngân hàng thuần số nổi lên như một xu thế toàn cầu và đặt ra nhiều thử thách đối với khung pháp lý và hoạt động quản lý nhà nước của nhiều quốc gia. Thực tiễn quản lý hoạt động này tại Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hồng Kông có thể cung cấp thêm góc nhìn có giá trị cho Việt Nam trong quá trình xây dựng khung pháp lý trong tương lai.
Mạnh dạn thử nghiệm
Chiến lược tài chính toàn diện và sự phát triển không ngừng của công nghệ tài chính những năm vừa qua không chỉ làm thay đổi mô hình kinh doanh của các ngân hàng truyền thống mà còn tạo ra các xu thế phát triển mới đối với ngành ngân hàng. Trong đó, có thể kể đến ngân hàng thuần số (Internet-only Bank hay Digital-only Bank) – mô hình các ngân hàng thế hệ mới không có chi nhánh thực tế và tất cả dịch vụ tài chính đều được thực hiện trực tuyến hoặc thông qua các kênh di động.
Kể từ năm 2014, Trung Quốc đã cấp phép thí điểm cho bốn ngân hàng thuần số, bao gồm: (i) WeBank của Tencent; (ii) MYbank của Alibaba; (iii) AiBank của Baidu; và (iv) Citic. Trong đó, WeBank là ngân hàng thuần số đầu tiên khai trương hoạt động thử nghiệm từ ngày 18-1-2015. Với vốn đăng ký là 3 tỉ nhân dân tệ, phạm vi kinh doanh chủ yếu cung cấp các sản phẩm tiền gửi dưới 200.000 nhân dân tệ và các sản phẩm cho vay dưới 5 tỉ nhân dân tệ.
Được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Tencent – tập đoàn công nghệ khổng lồ sở hữu QQ và Wechat, WeBank đã kết hợp giữa tài chính và công nghệ để tạo nên một bước tiến lớn trong các hoạt động thu hút khách hàng, cung cấp dịch vụ tài chính và quản lý rủi ro hoàn toàn thông qua các kênh trực tuyến. Thông qua dữ liệu lớn được khai thác từ khối lượng tài nguyên thông tin khổng lồ trên các nền tảng khác nhau của Tencent, WeBank có thể sử dụng các thông tin về thời gian hoạt động, hành vi đăng nhập, quản lý tài sản ảo, tần suất thanh toán, thói quen mua sắm và cả hành vi trên mạng xã hội… để phát triển một hệ thống đánh giá tín dụng cá nhân hết sức hiệu quả và tinh vi. Sự hợp nhất giữa dữ liệu và công nghệ tài chính này không chỉ mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành ngân hàng, mà còn đặt ra những câu hỏi về quyền riêng tư và bảo mật thông tin cá nhân.
Thông qua dữ liệu lớn được khai thác từ khối lượng tài nguyên thông tin khổng lồ trên các nền tảng khác nhau của Tencent, WeBank có thể sử dụng các thông tin về thời gian hoạt động, hành vi đăng nhập, quản lý tài sản ảo, tần suất thanh toán, thói quen mua sắm và cả hành vi trên mạng xã hội… để phát triển một hệ thống đánh giá tín dụng cá nhân hết sức hiệu quả và tinh vi.
|
Mặc dù vậy, tại thời điểm các ngân hàng thuần số nói trên được cấp phép hoạt động, tại Trung Quốc vẫn chưa hình thành khái niệm pháp lý chính thức về mô hình này trong Luật Ngân hàng thương mại năm 1995, sửa đổi năm 2003 và 2015. Thay vào đó, Trung Quốc ban hành các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) mang tính khuyến khích với phương châm “cấp phép trước, điều chỉnh sau”.
Tại Đài Loan, Đạo luật Thử nghiệm đổi mới và phát triển công nghệ tài chính đã sớm được thông qua từ tháng 12-2017. Theo đó, mô hình ngân hàng thuần số cũng sớm nhận được quan tâm của các cấp. Đến tháng 4-2018, Ủy ban giám sát tài chính Trung Hoa Dân Quốc (FSC) đã công bố chính sách cho phép thành lập ngân hàng thuần số với mục đích hỗ trợ hệ thống ngân hàng bắt kịp xu hướng số hóa cũng như khuyến khích đổi mới tài chính và tăng cường tài chính toàn diện nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trẻ tuổi.
Sau đó một năm, ủy ban này đã cấp phép cho ba ngân hàng thuần số, bao gồm: (i) LINE Financial Taiwan, được điều hành bởi tập đoàn Nhật Bản LINE Group; (ii) Next Commercial Bank, được điều hành bởi nhà mạng Đài Loan Chunghwa; và (iii) Rakuten International Commercial Bank, do Công ty thương mại điện tử Rakuten Inc của Nhật Bản và IBF Financial Holdings của Đài Loan vận hành. Trong các ông lớn này, LINE Group cũng là tập đoàn công nghệ đứng sau ứng dụng trò chuyện và mạng xã hội được sử dụng rộng rãi nhất ở Đài Loan, tương tự như Wechat tại Trung Quốc.
Tại Hồng Kông, việc thành lập và hoạt động của các ngân hàng thuần số nằm dưới sự quản lý của Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA). Cùng thời điểm với Đài Loan, giấy phép ngân hàng thuần số đầu tiên ở Hồng Kông cũng được ban hành vào năm 2018. Đến thời điểm hiện tại, đã có tám ngân hàng thuần số được cấp phép dựa trên khung pháp lý được xây dựng bởi Hướng dẫn sửa đổi về cấp phép các ngân hàng số được quy định tại phần 16 (10) của Sắc lệnh Ngân hàng được ban hành bởi HKMA vào tháng 5-2018.
Từng bước định hình khung pháp lý về cấp phép và quản lý
Khác với các hoạt động chuyển đổi số dịch vụ ngân hàng sẵn có tại các ngân hàng truyền thống đã được cấp phép, ngân hàng thuần số là mô hình ngân hàng được hoạt động như một pháp nhân độc lập dựa trên nền tảng công nghệ số. Do đó, vấn đề cấp phép và quản lý được xem là một thách thức. Hiện tại, Đài Loan và Hồng Kông về cơ bản đã định hình được khung pháp lý điều chỉnh các vấn đề này.
Về cấp phép thành lập, cơ quan quản lý sẽ tập trung vào việc thẩm định hàng loạt các điều kiện khác nhau về vốn, phạm vi hoạt động, cấu trúc sở hữu, hệ thống tiêu chuẩn giám sát…
Thứ nhất, chủ thể thành lập phải đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định. Với Đài Loan, mức vốn pháp định là 10 tỉ đài tệ, tương đương với vốn pháp định để thành lập một ngân hàng thương mại thông thường. Tại Hồng Kông, con số này là 300 triệu đô la Hồng Kông.
Thứ hai, về cấu trúc sở hữu: Đài Loan yêu cầu có ít nhất một cổ đông sáng lập là ngân hàng hoặc công ty tài chính và tỷ lệ sở hữu tối thiểu mà cổ đông này nắm giữ phải đạt 40%. Trong khi đó, Hồng Kông yêu cầu phải có ít nhất 50% vốn sở hữu của một ngân hàng có uy tín hoặc tổ chức tài chính khác có uy tín tốt trong cộng đồng và có kinh nghiệm phù hợp. Trong trường hợp một ngân hàng tham gia liên doanh 50-50 với một tổ chức phi ngân hàng, ngân hàng phải có quyền bổ nhiệm chủ tịch ngân hàng thuần số và chủ tịch phải được nắm giữ lá phiếu quyết định (casting vote). Ngoài ra, ngân hàng mẹ (hoặc tổ chức tài chính) phải cam kết cung cấp thêm vốn và/hoặc hỗ trợ thanh khoản khi có nhu cầu. Đồng thời, ngân hàng mẹ (hoặc tổ chức tài chính) cũng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò tích cực trong việc giám sát hoạt động kinh doanh và công việc của ngân hàng thuần số thông qua việc tham gia vào hội đồng quản trị.
Thứ ba, Đài Loan yêu cầu cổ đông lớn của ngân hàng thuần số phải có khả năng đảm bảo tính liêm chính và tuân thủ cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn của người phụ trách ngân hàng, có hiệu quả tài chính và kinh doanh tích cực. Bên cạnh đó, cổ đông này cần có năng lực xây dựng cụ thể chiến lược kinh doanh, các hình thức hợp tác với các tổ chức tài chính khác, kế hoạch kinh doanh, cơ cấu đầu tư… cho ngân hàng thuần số. Trong trường hợp cổ đông lớn đến từ ngành nghề phi tài chính (ví dụ ngành công nghệ tài chính, thương mại điện tử hoặc chuyên môn khác) thì phải chứng minh được mô hình kinh doanh thành công. Ngược lại, ở Hồng Kông, các yêu cầu đối với cổ đông lớn không được đặt ra.
Thứ tư, yêu cầu về hệ thống tiêu chuẩn và giám sát: Ở Đài Loan, ngân hàng thuần số được giám sát theo tiêu chuẩn tương tự áp dụng cho các ngân hàng thông thường, tức là bao gồm cả khung tuân thủ, bảo vệ dữ liệu khách hàng, kiểm toán nội bộ, phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, bảo mật thông tin, quản trị doanh nghiệp… Giống như vậy, Hồng Kông quy định các ngân hàng thuần số cần đáp ứng các tiêu chí thành lập tối thiểu, tuân thủ các yêu cầu giám sát tương tự như đối với ngân hàng thương mại truyền thống được quy định trong sắc lệnh của HKMA. Ngoài ra, chủ thể xin cấp phép thành lập ngân hàng thuần số cũng phải có một kế hoạch kinh doanh chi tiết nêu rõ dự định tiến hành hoạt động kinh doanh và các đề xuất để tuân thủ các tiêu chí một cách liên tục. Để tạo điều kiện thuận lợi cho HKMA kiểm tra và thanh tra, ngân hàng thuần số cũng phải lưu giữ đầy đủ sổ sách, tài khoản và hồ sơ giao dịch tại Hồng Kông.
Thứ năm, quy định về hiện diện thực tế: Ngoài trụ sở chính và trung tâm dịch vụ khách hàng để đáp ứng nhu cầu trực tiếp của khách hàng, ngân hàng thuần số tại Đài Loan không được thành lập chi nhánh thực tế. Tại Hồng Kông, ngân hàng thuần số được yêu cầu duy trì sự hiện diện thực tế thông qua một trụ sở tại Hồng Kông. Trong trường hợp muốn thành lập chi nhánh, duy trì hoạt động các văn phòng ở địa phương, ngân hàng thuần số phải được sự chấp thuận của HKMA và đáp ứng các điều kiện được pháp luật quy định.
Về quản lý, FSC của Đài Loan tuyên bố sẽ tăng cường giám sát các khía cạnh khác nhau trong hoạt động của ngân hàng thuần số bao gồm: quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro danh tiếng, khuôn khổ quản trị doanh nghiệp, hành vi cạnh tranh thị trường và bảo vệ người tiêu dùng. Tương tự, HKMA cũng nhấn mạnh nghĩa vụ đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, quản trị rủi ro, xây dựng kế hoạch kinh doanh, làm rõ điều khoản điều kiện với khách hàng của các ngân hàng thuần số.
Nguyễn Ngọc Phương Hồng - Lưu Minh Sang (Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM)