Tùy mỗi trường hợp với đặc tính nội tại của nền kinh tế quốc gia, hướng đi của dòng tiền kiều hối và khả năng hấp thụ của nền kinh tế mà tác động của kiều hối dường như có khác biệt.
Tầm quan trọng của kiều hối và những mặt trái không mong đợi
Kiều hối trong những thập niên gần đây đã gia tăng nhanh chóng và đóng vai trò quan trọng với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (như Việt Nam đang được xếp vào nhóm có thu nhập trung bình thấp – theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới). Số liệu từ Ngân hàng Thế giới, kiều hối (theo tỷ lệ phần trăm GDP) nhận được ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình đạt hơn 1,5% GDP, còn cao hơn so với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng (1,4% GDP).
Các nghiên cứu kinh tế rút ra một số tác động tích cực lẫn tiêu cực của kiều hối.
Kiều hối được xem là một nguồn tài chính từ bên ngoài với các quốc gia nhận (đặc biệt là quốc gia thu nhập thấp và đang phát triển), từ đó, giúp giảm các rào cản về nguồn vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng.
Tuy vậy, kiều hối cũng dẫn đến một số tác động tiêu cực. Cụ thể nhất là vấn đề “căn bệnh Hà Lan”, theo đó, dòng kiều hối có thể khiến cung lao động trên thị trường giảm (do người nhận được kiều hối có thể giảm nhu cầu việc làm) trong khi cầu tiêu dùng hàng không xuất khẩu (tạm gọi là hàng nội địa) tăng lên. Hệ quả là, thị trường lao động có sự chuyển dịch nhân lực từ khu vực sản xuất hàng xuất khẩu sang khu vực sản xuất hàng không xuất khẩu, dẫn đến năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu giảm do chi phí lao động tăng lên. Bên cạnh đó, dòng kiều hối (nếu xem xét như một dòng vốn) đi vào sẽ có thể làm tăng giá trị đồng tiền (tỷ giá hối đoái thực) và vì vậy, cũng làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu.
Mặc dù vậy, các nghiên cứu trước đây cũng chưa có kết luận cuối cùng về tác động tiêu cực hay tích cực của kiều hối lên nền kinh tế. Các nghiên cứu cho thấy, tùy mỗi trường hợp với đặc tính nội tại của nền kinh tế quốc gia, hướng đi của dòng vốn kiều hối và khả năng hấp thụ của nền kinh tế mà tác động của kiều hối dường như có khác biệt.
Điều đáng quan ngại trong trường hợp của Việt Nam là dường như kiều hối không đi vào sản xuất mà chủ yếu được sử dụng vào đầu tư bất động sản, trả nợ, tiết kiệm, và tiêu dùng cho hàng lâu bền. Điều này nếu diễn ra trong thời gian dài không chỉ có thể dẫn đến rủi ro tồn tại tác động tiêu cực của vấn đề “căn bệnh Hà Lan” mà còn một số vấn đề khác như sự nóng lên của thị trường bất động sản.
|
Với trường hợp Việt Nam, một số nghiên cứu cho thấy kiều hối có một số tác động tích cực nhất định như giúp gia tăng tài sản của hộ gia đình, tăng trưởng kinh tế, nhưng một số nghiên cứu khác lại tìm thấy kết quả tiêu cực hơn. Một trong những kết quả quan trọng là hướng đi của dòng kiều hối vào nền kinh tế như thế nào. Điều đáng quan ngại trong trường hợp của Việt Nam là dường như kiều hối không đi vào sản xuất mà chủ yếu được sử dụng vào đầu tư bất động sản, trả nợ, tiết kiệm, và tiêu dùng cho hàng lâu bền. Điều này nếu diễn ra trong thời gian dài không chỉ có thể dẫn đến rủi ro tồn tại tác động tiêu cực của vấn đề “căn bệnh Hà Lan” mà còn một số vấn đề khác như sự nóng lên của thị trường bất động sản. Do đó, đây là một kết quả nghiên cứu mà các nhà làm chính sách phải quan tâm và có chính sách phù hợp.
Một vài gợi ý
Ở khía cạnh chính sách vĩ mô, các nghiên cứu cho thấy không thể có một chính sách để giải quyết tất cả các vấn đề. Người viết xin đưa ra một số ý gợi mở để cân nhắc.
Thứ nhất, các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cần theo dõi sát sao diễn biến của kiều hối và quan hệ với tỷ giá hối đoái thực của đô la Mỹ/tiền đồng. Tác động của kiều hối lên tỷ giá hối đoái thực là một khả năng có thể xảy ra và làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Do đó, NHNN cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để không làm tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng thực thay đổi quá bất ngờ hoặc bị gìm giữ quá lâu.
Ở khía cạnh chính phủ và các chính quyền địa phương, các tổ chức như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến khích các quốc gia nhận nhiều kiều hối cần quan tâm đầu tư vào hạ tầng công và thể chế.
Về hạ tầng công, cần tập trung đầu tư vào các cơ sở hạ tầng quan trọng để tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các hoạt động kinh tế mới thông qua khởi nghiệp. Việc giảm các chi phí như chi phí vận tải là rất cần thiết để dòng kiều hối được hướng đến các hoạt động sản xuất hơn là tiêu dùng.
Về thể chế, cần thiết phải xác định rằng kiều hối không nên bị đánh thuế vì kiều hối có thể giúp giảm nghèo đói, hỗ trợ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Tuy nhiên, cần cải thiện thể chế, đặc biệt các điều kiện kinh doanh để người nhận kiều hối có thể sử dụng dòng tiền này hướng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một vấn đề cũng cần được cân nhắc đó là đầu tư vào giáo dục để không chỉ hướng đến người lao động trong nước mà còn giúp những người nhận kiều hối hoặc những người xuất khẩu lao động trở về. Đào tạo kiến thức và kỹ năng phù hợp để họ sử dụng nguồn vốn này tối ưu, hướng vào sản xuất kinh doanh là cần thiết. Đồng thời, việc kiến thức kỹ năng của người lao động tốt hơn cũng là một cách để gián tiếp tăng năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu trong trường hợp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi kiều hối.
Cuối cùng, cũng cần xác định quan điểm chính sách rằng kiều hối có thể được xem là một nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế nhưng không phải là một nguồn lực dài hạn. Bởi lẽ, điều này có thể dẫn đến vòng xoáy dựa vào kiều hối để có thêm thu nhập. Người dân sẽ ngày càng bị phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ kiều hối và tìm cách để di cư/xuất khẩu lao động, kết quả là càng làm sự phụ thuộc tăng lên.
TS. Nguyễn Phúc Cảnh (Đại học Kinh tế TPHCM)