Thứ Tư, 07/02/2024 15:11

Lãi suất tiền gửi giảm sâu trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán

Kỳ điều chỉnh cuối cùng trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các ngân hàng đều giảm mạnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm về mức thấp nhất trong lịch sử.

Hầu hết các ngân hàng giảm từ 0.1-0.4 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi ở tất cả các kỳ hạn, trong kỳ điều chỉnh đầu tháng 2/2024 như: VBB, NVB, BAB, SGB, LPB, MBB, TCB, MSB

Vietbank (VBB) giảm từ 0.3-0.4 điểm phần trăm lãi suất tất cả kỳ hạn từ ngày 22/01/2024. Ngân hàng đưa lãi suất kỳ hạn 1 tháng xuống còn 3.4%/năm, kỳ hạn 3 tháng giảm còn 3.6%/năm, kỳ hạn 9 tháng giảm còn 4.9%/năm và kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 5.2%/năm.

Áp dụng từ 03/02/2024, NVB giảm 0.2-0.5 điểm phần trăm lãi suất tất cả kỳ hạn, đưa lãi suất kỳ hạn 1 tháng giảm còn 3.9%/năm, kỳ hạn 6 tháng giảm còn 4.7%/năm và kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 5.12%/năm.

Dù chỉ giảm nhẹ 0.2-0.3 điểm phần trăm so với kỳ trước, lãi suất tiền gửi từ ngày 01/02/2024 của LPB ở kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 1.8%/năm, kỳ hạn 3 tháng giảm còn 2.1%/năm.

BAB áp dụng lãi suất mới từ ngày 07/02/2024, giảm từ 0.2-0.5 điểm phần trăm tất cả kỳ hạn so với kỳ điều chỉnh gần nhất. Cụ thể, với khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, BAB áp dụng lãi suất kỳ hạn 1 tháng ở mức 3%/năm, kỳ hạn 3 tháng giảm còn 3.2%/năm, kỳ hạn 6 tháng giảm còn 4.5%/năm và 12 tháng chỉ còn 4.9%/năm.

Trong khi đó, VPBank giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống nhưng lại tăng kỳ hạn trên 12 tháng. Thay đổi từ 30/01/2024, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng VPBank giảm còn 3%/năm, kỳ hạn 3-6 tháng giảm còn 3.2%/năm, kỳ hạn 12 tháng trở lên áp dụng 5%/năm.

Ở nhóm các ngân hàng quốc doanh, VietinBank và BIDV có mức lãi suất tương đương nhau. Hai ngân hàng này tiếp tục giảm lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, áp dụng 4.8%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng và 5%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng.

Đối với tiền gửi tại quầy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng ở mức 2.2%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng giảm về 2.5%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng áp dụng 3.5%/năm, kỳ hạn từ 12-18 ở mức 5%/năm, kỳ hạn từ 24 tháng trở lên ở mức 5.3%/năm.

Agribank sau khi điều chỉnh giảm thêm đã đưa lãi suất tiền gửi về tương đồng với Vietcombank. Lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng giảm còn 1.7%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng áp dụng 2%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng là 3%/năm. Riêng kỳ hạn 12 tháng tại Agribank là 4.8%/năm trong khi tại Vietcombank là 4.7%/năm.

Như vậy, tính đến ngày 07/02/2024, lãi suất tiền gửi tiết kiệm 1-3 tháng được các ngân hàng đưa về mức 1.7-4.1%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng trong khoảng 3.0-4.9%/năm, kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 4.0-5.4%/năm. Các mức lãi suất tiền gửi này đã về vùng thấp nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.

Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 5.5%/năm đã biến mất. DongABank là ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi cao nhất chỉ với 5.4%/năm. Kế đó là VBBBaoVietBank ở mức 5.2%/năm.

Ở kỳ hạn 6 tháng, DongABank vẫn giữ mức lãi suất cao nhất ở 4.9%/năm. Kế đó là VBB giữ mức 4.8%/năm.

Trong khi kỳ hạn 3 tháng không còn mức lãi suất 4%/năm, thay vào đó DongABank cao nhất chỉ với 3.9%/năm.

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tại các ngân hàng tính đến ngày 07/02/2024

Trước đó, tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết hiện lãi suất giảm về mức thấp nhất trong 20 năm qua. Nhiều ngân hàng thương mại nói lãi suất không thể thấp hơn được nữa. Tinh thần chỉ đạo của NHNN là các ngân hàng vẫn tích cực tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế, nếu giảm được lãi suất thì phải giảm. NHNN không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024. Do đó, một trong những giải pháp là NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất. Ngoài ra, điều hành lãi suất còn phải dựa trên diễn biến kinh tế thế giới và các cân đối vĩ mô lớn.

Trong báo cáo ra ngày 29/01/2024, UOB đánh giá với tốc độ hoạt động kinh tế đang phục hồi và triển vọng tốt hơn vào năm 2024, khả năng cắt giảm lãi suất hơn nữa đã giảm đi. Vì vậy, UOB cho rằng NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4.5%. Thay vì tiếp tục hạ lãi suất vì sẽ bị hạn chế bởi giới hạn dưới, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 01/02/2024, Tổng Giám đốc HDBank – ông Phạm Quốc Thanh chia sẻ, trong năm nay, chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn theo xu hướng hỗ trợ đà hồi phục của các ngành kinh tế. Chính sách tỷ giá và lãi suất sẽ đảm bảo thanh khoản lành mạnh cho tăng trưởng kinh tế. Ông Thanh cho rằng xu hướng lãi suất thấp như hiện nay sẽ vẫn duy trì trong quý 1 và có thể tăng nhẹ từ quý 3/2024 trở đi. Điều này cũng hỗ trợ cho các ngành đã có dấu hiệu hồi phục tích cực trong giai đoạn vừa qua.

Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) dự báo lãi suất tại Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào động thái điều hành lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nếu sau cuộc họp tháng 03/2024, Fed giảm lãi suất sẽ tác động lên chính sách lãi suất nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới giảm theo, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc này.

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   Tỷ giá nổi sóng đầu năm - Xu hướng sắp tới sẽ ra sao? (07/02/2024)

>   Mẹo bảo vệ tài khoản ngân hàng dịp Tết tránh tình trạng “không cánh mà bay” (06/02/2024)

>   Yếu tố nào có thể kìm hãm tăng trưởng tín dụng? (07/02/2024)

>   Điểm lại những kết quả nổi bật của một ngân hàng sắp chào sàn HOSE (06/02/2024)

>   Điểm lại những kết quả nổi bật của một ngân hàng sắp chào sàn HOSE (06/02/2024)

>   Tự hào Việt Nam là động lực thu hút kiều hối (06/02/2024)

>   VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng CASA bán lẻ gấp đôi trong năm 2024 (06/02/2024)

>   [Infographic] Ngân hàng nào lập kỷ lục “thay tướng” năm Quý Mão? (08/02/2024)

>   OCB hoàn thành việc nộp bổ sung thuế  (05/02/2024)

>   Vì sao cổ phiếu vua trở lại đường đua sau 2 tuần hụt hơi? (05/02/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật