Thứ Tư, 07/02/2024 13:02

Tỷ giá nổi sóng đầu năm - Xu hướng sắp tới sẽ ra sao?

Bất ngờ biến động mạnh trong tháng 1 đầu năm nay, khi có lúc vượt mốc 25,000 đồng, tỷ giá USD/VND đang chịu những tác động gì? Và xu hướng sắp tới sẽ ra sao?

Nổi sóng do ảnh hưởng từ quốc tế?

Hầu hết dự báo đều cho rằng tỷ giá USD/VND sẽ ổn định trong năm 2024, tuy nhiên ngay từ tháng đầu năm nay, thị trường đang chứng kiến những bước nhảy đáng chú ý của tỷ giá. Trong tuần cuối tháng 1 vừa qua, giá đô la Mỹ bán ra trên thị trường tự do đã vượt mốc 25,000 đồng và leo lên mức cao nhất ở 25,120 đồng, đánh dấu mức tăng 350 đồng, tương đương tăng 1.4% so với cuối năm 2023.

Tương tự, giá USD trên thị trường chính thức cũng nổi sóng, với tỷ giá trung tâm USD/VND có lúc ghi nhận mức tăng 150 đồng, tương đương tăng hơn 0.6%, còn giá bán ra USD tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có lúc tăng hơn 180 đồng vào thời điểm giữa tháng 1, tương đương tăng hơn 0.7% so với đầu năm. Trong khi đó, giá giao dịch tại các ngân hàng cũng tăng xấp xỉ 350 đồng, tương đương tăng hơn 1.4% so với đầu năm.

Sự đi lên trở lại của đồng USD trên thị trường quốc tế được xem là động lực phía sau kéo tỷ giá USD/VND trong nước leo thang trong những ngày qua. Chỉ số USD-Index hôm 06/02/2024 đã leo trở lại lên mốc trên 104 điểm, mức cao nhất kể từ giữa tháng 11 đến nay. So với thời điểm cuối năm 2022, chỉ số này đã tăng gần 3.8%. Có thể thấy mức tăng của tỷ giá USD/VND vẫn đang thấp hơn mức tăng của chỉ số USD-Index.

Yếu tố hỗ trợ cho đồng USD là khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chưa sớm giảm lãi suất trở lại trong cuộc họp tháng 3 tới như nhiều dự đoán trước đó. Sau báo cáo việc làm mạnh mẽ được công bố, với 353,000 việc làm trong tháng 1/2024, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 180,000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế, xác suất Fed giảm lãi suất trong kỳ họp tới đã giảm xuống.

Cụ thể, theo công cụ CME Fed Watch, nếu như thời điểm cách đây 1 tháng, xác suất Fed giảm lãi suất cơ bản USD 0.25% về vùng 5-5.25% lên đến 64%, thì hiện chỉ còn 16.5% tính đến ngày 06/02. Ngược lại, xác suất giữ nguyên lãi suất ở vùng 5.25-5.5% đã tăng từ mức 31.9% cách đây 1 tháng lên 83.5%. Trong khi đó, xác suất giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 5 cũng đã giảm từ mức 92% trước khi dữ liệu việc làm được công bố xuống còn 78% ở thời điểm hiện tại.

Trong buổi phỏng vấn hôm 04/02 mới đây, chủ tịch Fed là Jerome Powell đã nhận xét kinh tế Mỹ hiện vững mạnh và Fed có thể giảm lãi suất trong năm nay, nhưng việc này khó diễn ra ngay vào tháng 3 như Wall Street kỳ vọng. Trước đó trong cuộc họp báo sau phiên họp cuối tháng trước, Powell cũng đã nhấn mạnh rằng hiện chưa có đề xuất giảm lãi nào và việc hạ lãi suất vào tháng 3 "không phải là khả thi nhất".

Mang tính nhất thời?

Rõ ràng nếu tỷ giá trong nước nổi sóng trong đầu năm nay chỉ đơn thuần chịu tác động từ thị trường quốc tế, biến động này có lẽ chỉ mang tính nhất thời. Vì dù Fed sẽ chưa sớm giảm lãi suất trong cuộc họp tới, nhưng ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới này vẫn đang giữ nguyên quan điểm sẽ có 3 lần giảm lãi suất trong năm 2024, như nhận định của ông Powell gần đây. Do đó, kịch bản được giới đầu tư toàn cầu kỳ vọng là đồng USD sẽ giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm 2024.

Với nguồn cung ngoại tệ trong nước, xu hướng tích cực trong năm 2023 kỳ vọng tiếp tục được duy trì. Như ở hoạt động kiều hối, với kết quả đỉnh cao của năm 2023 ghi nhận đạt 16 tỷ USD, tăng 32.5% so với năm 2022, riêng lượng kiều hối về TP.HCM là gần 9.5 tỷ USD, tăng hơn 40% so với năm 2022, NHNN chi nhánh TP.HCM dự báo trong năm 2024 lượng kiều hối chuyển về sẽ tiếp tục tăng khoảng 20% so với năm 2023. Với lãi suất tại các nước phát triển dự kiến giảm trở lại, dòng tiền của kiều bào có thể rót về Việt Nam mạnh hơn để tìm kiếm cơ hội ở các kênh đầu tư khác.

Ở hoạt động thương mại, nhiều phân tích cho thấy xuất khẩu của Việt Nam có thể đã chạm đáy vào giữa năm 2023 và vẫn đang trên đường hồi phục trở lại. Với tình trạng các đơn hàng xuất khẩu đang được nối trở lại, chính sách nới lỏng tại các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng có thể kích thích cầu tiêu dùng phục hồi, hoạt động thương mại vẫn được kỳ vọng khả quan hơn. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2024 ước tính xuất siêu 2.92 tỷ USD.

Trong khi đó, dòng vốn FDI đã đăng ký những năm trước đây dự kiến sẽ duy trì xu hướng giải ngân tích cực, khi Việt Nam cũng đang nỗ lực kêu gọi các dự án đầu tư từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, cùng với tác động của xu hướng chuyển dịch sản xuất, tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn đa quốc gia. Đặc biệt, việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và Nhật Bản trong năm 2023 này có thể giúp Việt Nam thu hút vốn FDI nhiều hơn từ 2 quốc gia này, đặc biệt là từ Mỹ khi dòng vốn đầu tư của nước này vào Việt Nam trong những năm qua vẫn còn khá khiêm tốn.

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, an toàn và đang đón “làn sóng” đầu tư, đặc biệt lĩnh vực công nghệ, điện tử, sản xuất linh kiện bán dẫn. Số liệu cho thấy tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/01/2024 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2.36 tỷ USD, tăng vọt 40.2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, lượng vốn FDI giải ngân trong tháng 01/2024 ước đạt 1.48 tỷ USD, cũng tăng mạnh 9.6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả rất tích cực, nhất là khi nhìn vào việc Việt Nam cũng đã áp thuế tối thiểu toàn cầu 15% từ đầu năm 2024, với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu Euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất.

Điều quan trọng hơn là ý chí của nhà điều hành có lẽ vẫn cam kết với mục tiêu giữ ổn định giá trị tiền đồng, đảm bảo tốc độ mất giá mỗi năm không quá 2%, để vừa có thể giữ được lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu vừa tránh những cáo buộc thao túng tiền tệ từ phía Mỹ. Ngoài ra, việc giữ ổn định tỷ giá cũng là cách giữ ổn định lãi suất hỗ trợ nền kinh tế, vì nếu để tỷ giá tăng quá mạnh cũng sẽ gây áp lực lên lãi suất tiền đồng, đi ngược với định hướng và mục tiêu điều hành của Chính phủ và NHNN.

Rõ ràng nếu tỷ giá trong nước nổi sóng trong đầu năm nay chỉ đơn thuần chịu tác động từ thị trường quốc tế,  biến động này có lẽ chỉ mang tính nhất thời. Vì dù Fed sẽ chưa sớm giảm lãi suất trong cuộc họp tới, nhưng ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới này vẫn đang giữ nguyên quan điểm sẽ có 3 lần giảm lãi suất trong năm 2024 này.

Thụy Nhiên

FILI

Các tin tức khác

>   Mẹo bảo vệ tài khoản ngân hàng dịp Tết tránh tình trạng “không cánh mà bay” (06/02/2024)

>   Yếu tố nào có thể kìm hãm tăng trưởng tín dụng? (07/02/2024)

>   Điểm lại những kết quả nổi bật của một ngân hàng sắp chào sàn HOSE (06/02/2024)

>   Điểm lại những kết quả nổi bật của một ngân hàng sắp chào sàn HOSE (06/02/2024)

>   Tự hào Việt Nam là động lực thu hút kiều hối (06/02/2024)

>   VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng CASA bán lẻ gấp đôi trong năm 2024 (06/02/2024)

>   [Infographic] Ngân hàng nào lập kỷ lục “thay tướng” năm Quý Mão? (08/02/2024)

>   OCB hoàn thành việc nộp bổ sung thuế  (05/02/2024)

>   Vì sao cổ phiếu vua trở lại đường đua sau 2 tuần hụt hơi? (05/02/2024)

>   Những lãnh đạo ngân hàng sinh năm Thìn (10/02/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật