Cái tôi, nỗi sợ hãi và tiền bạc trong cuộc đua AI (Kỳ 1): Bữa tiệc khởi đầu cho cuộc tranh luận thế kỷ
Vào một đêm trời quang đãng của tháng 7/2015, tỷ phú Elon Musk tổ chức sinh nhật lần thứ 44 của mình bằng một bữa tiệc kéo dài 3 ngày.
Vợ ông đã đứng ra tổ chức tiệc tại một khu resort nổi tiếng bởi rượu vang ngon ở California với nhiều căn cabin. Tại bữa tiệc chỉ có người thân và bạn bè, những đứa trẻ chạy đùa quanh khu bất động sản cao cấp ở vùng Thung lũng Napa.
Bữa tiệc đó đã diễn ra nhiều năm trước khi Twitter trở thành X và Tesla có lãi. Ông Musk và vợ Talulah Riley – nữ diễn viên đóng vai người máy xinh đẹp nhưng nguy hiểm trong bộ phim giả tưởng “Westworld” của HBO – bên nhau thêm một năm trước khi hôn nhân đổ vỡ. Lúc bấy giờ, Larry Page, một vị khách dự tiệc, vẫn còn là Tổng Giám đốc Google.
Khi đó, Trí tuệ nhân tạo (AI) chỉ mới đi vào tiềm thức của cộng đồng một vài năm trước. AI lúc đó được sử dụng để nhận dạng mèo trên YouTube với độ chính xác 16%.
AI cũng là chủ đề lớn của cuộc trò chuyện giữa Elon Musk và Larry Page khi họ ngồi cạnh đống lửa bên cạnh bể bơi sau bữa tối của đêm đầu tiên. Hai vị tỷ phú đã thân thiết hơn chục năm và Musk thỉnh thoảng đùa rằng ông đôi khi ngã vật ra bộ ghế sofa của Larry Page sau một đêm chơi điện tử mệt nhoài.
Nhưng cuộc trò chuyện tối đó nhanh chóng trở thành cuộc tranh cãi về việc liệu AI cuối cùng sẽ nâng cao tiềm lực của con người hay tiêu diệt nhân loại.
Cuộc tranh luận kéo dài đến khi trời se lạnh và trở nên căng thẳng hơn. Một số trong hơn 30 người dự tiệc đã tiến lại gần hơn để lắng nghe. Ông Page, sau hơn một thập kỷ chống chọi với một căn bệnh bất thường ở dây thanh quản, thì thầm mô tả tầm nhìn của ông về một xã hội số không tưởng. Larry Page cho rằng con người rồi sẽ hợp nhất với những cỗ máy có trang bị trí tuệ nhân tạo và một ngày nào đó sẽ có nhiều loại trí tuệ cùng tranh đua giành lấy các nguồn tài nguyên và trí tuệ tốt nhất sẽ chiến thắng.
Ông Musk nói nếu điều đó xảy ra, nhân loại sẽ bị diệt vong. Những cỗ máy sẽ hủy diệt loài người.
Với đôi chút thất vọng, Larry Page khẳng định nên theo đuổi tương lai không tưởng của mình. Cuối cùng, ông Page gọi Elon Musk là “specieist”, một người ủng hộ con người hơn các dạng sống kỹ thuật số trong tương lai. Sau này, Elon Musk cho rằng lời xúc phạm đó là "giọt nước tràn ly".
Nhiều người ở bữa tiệc có vẻ sửng sốt, nếu không nói là thích thú, và coi đó chỉ là một trong những cuộc tranh luận bí truyền thường nổ ra ở các bữa tiệc ở Thung lũng Silicon.
Tuy nhiên, 8 năm sau, cuộc tranh cãi giữa hai người đàn ông ấy là lời tiên tri về lĩnh vực AI. Câu hỏi đặt ra vẫn vậy: Liệu trí tuệ nhân tạo sẽ nâng cao tiềm lực loài người hay sẽ phá hủy nhân loại - hay ít nhất là gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho con người? Từ đó tạo nên một cuộc tranh luận gay gắt diễn ra giữa những người sáng lập Thung lũng Silicon, những người dùng chatbot, các học giả, các nhà lập pháp và những nhà quản lý về việc liệu công nghệ này cần được kiểm soát hay cứ kệ nó tự do phát triển.
Tranh cãi này đã khiến một số người giàu nhất thế giới đối đầu nhau: Elon Musk, Larry Page, Mark Zuckerberg (Meta), nhà đầu tư công nghệ Peter Thiel, Satya Nadella (Microsoft) và Sam Altman (OpenAI). Tất cả đều ra sức để tranh được một phần trong mảng kinh doanh AI – được kỳ vọng có thể trị giá hàng ngàn tỷ USD vào một ngày nào đó – và quyền định hình thế giới AI.
Trọng tâm của cuộc đối đầu này là một nghịch lý căng não. Những người tỏ ra lo lắng nhất về AI lại chính là những người quyết tâm nhất để tạo ra AI và làm giàu từ nó. Họ tự biện minh cho tham vọng của mình bằng một niềm tin mãnh liệt, rằng chỉ có họ mới có thể kiểm soát được AI và ngăn chúng nguy hiểm cho trái đất.
Sau bữa tiệc hè năm đó, Elon Musk và Larry Page đã ngừng trò chuyện với nhau. Vài tuần sau đó, Elon Musk ăn tối với Sam Altman. Khi đó, Sam đang điều hành một vườn ươm công nghệ và một vài nhà nghiên cứu trong phòng riêng tại khách sạn Rosewood ở Menlo Park, California - một địa điểm thương thảo được ưa chuộng cạnh bên những văn phòng công ty đầu tư mạo hiểm của Sand Hill Road.
Bữa ăn tối đó đã dẫn đến sự ra đời của công ty khởi nghiệp OpenAI vào cuối năm. Nhận hàng trăm triệu USD từ Elon Musk và các nhà tài trợ khác, phòng thí nghiệm này cam kết sẽ bảo vệ thế giới khỏi tầm nhìn của Larry Page.
Nhờ sự xuất hiện của ChatGPT, OpenAI đã thay đổi căn bản ngành công nghệ và cho thế giới thấy rõ hơn những rủi ro cũng như tiềm năng của AI. Theo hai người nắm thông tin về vòng cấp vốn mới nhất của công ty, OpenAI được định giá hơn 80 tỷ USD, mặc dù mối quan hệ hợp tác giữa Elon Musk và Sam Altman cuối cùng đã không kéo dài. Hai người từ đó không còn trò chuyện với nhau nữa.
“Có sự bất đồng, sự hoài nghi và cái tôi”, Sam Altman chia sẻ. “Những người càng cùng chí hướng thì những bất đồng càng gây tranh cãi. Hãy nhìn các giáo phái và các dòng tu mà xem. Những cuộc tranh cãi gay gắt nhất là giữa những người quan điểm tương đồng nhất.”
Sam Altman
Tháng trước, cuộc tranh đấu nội bộ đã bùng phát trong phòng họp của OpenAI. Các thành viên nổi loạn trong HĐQT đã cố gắng sa thải Sam Altman vì cho rằng không thể tin tưởng ông Sam Altman trong việc xây dựng AI nhằm mang lại lợi ích cho nhân loại. Trong năm ngày đầy hỗn loạn sau đó, OpenAI trông có vẻ sắp tan rã cho đến khi HĐQT phải lùi bước trước sức ép từ các nhà đầu tư và phần lớn nhân viên đe dọa sẽ theo bước Sam Altman rời khỏi OpenAI.
Drama bên trong OpenAI cho thế giới cái nhìn đầu tiên về mối thù sâu sắc giữa những người sẽ quyết định tương lai của AI.
Nhưng nhiều năm trước ngày OpenAI gần như sụp đổ ấy, đã có một cuộc cạnh tranh khốc liệt nhưng ít được công bố rộng rãi ở Thung lũng Silicon để giành quyền kiểm soát công nghệ có thể nhanh chóng định hình lại thế giới, từ cách dạy trẻ em cho đến cách tiến hành các cuộc chiến tranh.
Tờ New York Times đã trò chuyện với hơn 80 nhà điều hành doanh nghiệp, nhà khoa học và doanh nhân, bao gồm cả hai người từng dự bữa tiệc sinh nhật của Elon Musk năm 2015, để được nghe câu chuyện về tham vọng, nỗi sợ hãi và tiền bạc.
DeepMind ra đời
Năm năm trước bữa tiệc ở Thung lũng Napa và hai năm trước khi AI xuất hiện trên YouTube, Demis Hassabis, nhà thần kinh học 34 tuổi, bước vào một bữa tiệc cocktail tại ngôi nhà của Peter Thiel ở San Francisco và nhận ra rằng mình đã đào trúng mỏ vàng. Trong phòng khách của Peter Thiel có một bàn cờ và tiến sĩ Hassabis từng là kỳ thủ xuất sắc thứ hai thế giới ở lứa tuổi dưới 14.
“Tôi đã chuẩn bị cho cuộc gặp đó trong 1 năm”, tiến sĩ Hassabis nói. “Tôi nghĩ đó sẽ là điểm nhấn độc đáo của bản thân: Tôi biết anh ấy yêu cờ vua”.
Trong năm 2010, tiến sĩ Hassabis cùng hai đồng nghiệp ở Anh đang tìm nguồn tài trợ để bắt đầu xây dựng “Trí thông minh nhân tạo tổng hợp” (AGI) - một cỗ máy có thể làm bất cứ điều gì bộ não có thể làm. Tại thời điểm đó, rất ít ai quan tâm đến AI. Bởi sau nửa thế kỷ nghiên cứu, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã thất bại trong việc cung cấp thứ gì đó giống với não người.
Dù vậy, một số nhà khoa học và nhà tư tưởng đã chú ý tìm cách khắc phục nhược điểm của AI. Nhiều người, giống như ba chàng trai trẻ đến từ nước Anh, đã có mối liên hệ với Eliezer Yudkowsky, một triết gia về Internet và nhà nghiên cứu tự học về AI. Ông Yudkowsky là lãnh đạo của một cộng đồng gồm những người tự gọi mình là những người theo chủ nghĩa duy lý (Rationalists) hoặc những năm sau này là những người theo chủ thuyết vị tha hiệu quả (Effective Altruism).
Họ tin AI có thể tìm ra cách chữa ung thư hoặc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng cũng “vò đầu bứt tóc” trước nỗi lo rằng AI có thể làm những việc mà người tạo ra chúng không muốn. Những người theo chủ nghĩa duy lý lập luận rằng nếu máy móc trở nên thông minh hơn con người, thì máy móc có thể tấn công người tạo ra chúng.
Peter Thiel đã trở nên vô cùng giàu có nhờ khoản đầu tư sớm vào Facebook (nay là Meta) và nhờ làm việc với Elon Musk trong những ngày đầu của PayPal. Ông vốn bị mê hoặc bởi ý tưởng “điểm kỳ dị công nghệ” (the singularity), một câu chuyện khoa học viễn tưởng mô tả thời điểm mà công nghệ thông minh không còn dưới sự kiểm soát của con người nữa.
Với nguồn tài trợ từ Peter Thiel, Eliezer Yudkowsky đã mở rộng phòng thí nghiệm AI và tổ chức một hội nghị thường niên về điểm kỳ dị. Vài năm trước đó, một trong hai đồng nghiệp của Tiến sĩ Hassabis đã gặp ông Yudkowsky và ông ta giúp họ được phát biểu tại hội nghị, và hứa chắc rằng họ sẽ được mời đến bữa tiệc của Peter Thiel.
Eliezer Yudkowsky đã giới thiệu tiến sĩ Hassabis với Peter Thiel. Tiến sĩ Hassabis cho rằng rất nhiều người trong bữa tiệc sẽ cố gắng “vòi” tiền chủ nhà. Thay vào đó, ông muốn sắp xếp một cuộc gặp khác. Yudkowsky nói với Thiel rằng có một căng thẳng sâu sắc về cách hiểu giữa con Tượng và con Mã. Hai quân cờ có giá trị như nhau, nhưng chỉ những người chơi cờ giỏi nhất mới hiểu rằng sức mạnh của chúng rất khác nhau.
Cách nói này lập tức hớp hồn Peter Theil. Bị quyến rũ, ông Thiel mời cả nhóm quay lại vào ngày hôm sau và tụ tập trong bếp. Chủ nhà vừa hoàn tất buổi tập thể dục buổi sáng và vẫn đang nhễ nhại mồ hôi trong bộ đồ thể thao. Một quản gia đưa cho ông một lon Coca Diet. Cả ba trình bày về ý tưởng đầu tư, và ngay sau đó P.Thiel với công ty đầu tư mạo hiểm của ông đã đồng ý đầu tư 1.4 triệu bảng Anh (khoảng 2.25 triệu USD) vào công ty khởi nghiệp của họ. Ông là nhà đầu tư lớn đầu tiên của họ.
Họ đặt tên công ty là DeepMind, ám chỉ “học sâu”, một cách để hệ thống AI học các kỹ năng bằng cách phân tích một lượng lớn dữ liệu; đến khoa học thần kinh; và siêu máy tính Deep Thought trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “The Hitchhiker's Guide to the Galaxy”. Mùa thu năm 2010, họ đã chế tạo được cỗ máy mà mình mơ ước bấy lâu. Họ hoàn toàn tin rằng vì hiểu rõ những rủi ro nên họ có vị trí độc nhất vô nhị để bảo vệ thế giới.
“Tôi không xem đây là một quan điểm gây mâu thuẫn”, Mustafa Suleyman, một trong ba người sáng lập DeepMind, cho biết. “Có những lợi ích to lớn đến từ những công nghệ này. Mục tiêu không phải là loại bỏ chúng hay kìm hãm sự phát triển của chúng, mà là để giảm thiểu những nhược điểm của chúng”.
Sau khi thuyết phục được Peter Thiel, Tiến sĩ Hassabis tìm cách tiếp cận Elon Musk. Khoảng hai năm sau, họ gặp nhau tại một hội nghị do quỹ đầu tư của Peter Thiel tổ chức, bởi quỹ cũng đồng thời rót tiền vào công ty SpaceX của Elon Musk. Tiến sĩ Hassabis đã thu xếp được một chuyến tham quan trụ sở SpaceX. Sau đó hai người đàn ông ăn trưa trong căng tin và trò chuyện, với vỏ tên lửa treo trên trần nhà.
Elon Musk giải thích rằng ông có kế hoạch đưa người lên sao Hỏa để thoát khỏi cảnh quá đông dân số và những mối nguy hiểm khác trên Trái đất. Tiến sĩ Hassabis trả lời rằng kế hoạch sẽ thành công - miễn là những cỗ máy siêu thông minh cũng không bám theo sau đó và sẽ tiêu diệt loài người trên sao Hỏa.
Elon Musk không nói nên lời. Anh ta chưa bao giờ nghĩ đến mối nguy hiểm như thế. Ông Musk ngay sau đó đã đầu tư vào DeepMind cùng với Peter Thiel để có thể tiến gần hơn đến việc tạo ra công nghệ này.
Với nguồn vốn dồi dào, DeepMind đã thuê các nhà nghiên cứu chuyên về lĩnh vực mạng lưới thần kinh, là các thuật toán phức tạp được tạo ra nhằm mô phỏng bộ não con người. Mạng lưới thần kinh về cơ bản là một hệ thống thuật toán khổng lồ dành hàng ngày, hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng để xác định các mẫu trong một lượng lớn dữ liệu kỹ thuật số.
Được phát triển lần đầu vào thập niên 50, các hệ thống này có thể tự học cách xử lý các nhiệm vụ được giao. Chẳng hạn, sau khi phân tích tên và địa chỉ được viết nguệch ngoạc trên hàng trăm phong bì, hệ thống có thể đọc được văn bản viết tay.
DeepMind đã đưa khái niệm này đi xa hơn. Công nghệ này đã xây dựng một hệ thống có thể học cách chơi các trò chơi Atari cổ điển như Space Invaders, Pong và Breakout để thể hiện cho những gì nó có thể làm.
Điều này đã thu hút ánh nhìn của Google, một cường quốc công nghệ ở Thung lũng Silicon, và đặc biệt là Larry Page. Ông ta đã nhìn thấy cách Deep Mind chơi trò chơi Atari. Ông muốn chiếm lấy nó.
Đọc tiếp kỳ 2
Vũ Hạo (Theo The New York Times)
FILI
|