Thứ Hai, 01/01/2024 16:45

Xoay xở duy trì thưởng Tết để giữ chân người lao động

Năm nay, doanh nghiệp ở TPHCM vẫn gặp khó khăn về đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp nhất là ngành dệt may và thời trang đang chật vật xoay xở lo thưởng Tết cho người lao động. Đa số doanh nghiệp cho biết mức thưởng Tết cho người lao động là tối thiểu một tháng lương cơ bản, vừa để giữ chân người lao động vừa là tri ân người lao động sau một năm ‘đồng cam cộng khổ’ với doanh nghiệp.

Nỗ lực cho mùa thưởng Tết, dù ít hay nhiều

Cuối năm 2022 và 2023 là thời điểm mà ngành dệt may và thời trang gặp nhiều khó khăn nhất, hơn cả thời điểm dịch Covid-19 với mức tăng trưởng doanh số chậm. Một số doanh nghiệp phải cắt giảm hàng ngàn lao động vì không có đơn hàng. Số doanh nghiệp khác phải thích ứng linh hoạt, chuyển đổi sản xuất… nhằm duy trì việc làm cho người lao động, ổn định sản xuất.

Theo ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn may mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TPHCM), trong năm 2023, do ảnh hưởng tình hình chung của kinh tế thế giới, số lượng đơn hàng của công ty bị sụt giảm. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của doanh nghiệp, cũng như thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, từ tháng 11 đến nay, đơn hàng đã dần hồi phục, người lao động được bố trí tăng ca trở lại.

Nhắc đến lương thưởng cho công nhân, ông Sơn cho biết công ty đã thương lượng về mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2024 cho người lao động. Dự kiến người lao động sẽ được thưởng một tháng bình quân thu nhập trong năm. Theo đó, bình quân khoảng 9 triệu đồng/người, cao nhất 23 triệu đồng/người và thấp nhất 6,2 triệu đồng/người. So với năm 2023, mức thưởng Tết năm nay có tăng nhẹ, khoảng 300.000 đồng/người.

Những chuyến xe nghĩa tình đưa người lao động có hoàn cảnh khó khăn ở TPHCM về quê các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc để đón Tết Nguyên đán vào năm 2023. Ảnh: Minh Thảo

Trao đổi với KTSG Online, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nidec Việt Nam (thành phố Thủ Đức), cho biết: “Một nén tiền công không bằng một đồng tiền thưởng, do đó vẫn có thưởng Tết dù ít hay nhiều. Năm nay, dù mức thưởng Tết không cao, chỉ ở mức 1,1 tháng lương nhưng công ty vẫn có các chế độ chăm lo, hỗ trợ cho người lao động”.

Bên cạnh thưởng Tết, doanh nghiệp cũng sẽ sắp xếp khoảng 18 chuyến xe đưa, đón hơn 500 người lao động và người thân về quê đón Tết ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và miền Tây. Trong đó, công ty hỗ trợ 90% tiền vé xe ghế ngồi, còn với người lao động có thời gian làm việc hơn 10 năm sẽ được công ty hỗ trợ 100% vé xe về quê, ông Hồng chia sẻ.

Còn tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Đông Nam Việt Nam chuyên sản xuất hàng may mặc có trụ sở ở huyện Hóc Môn (TPHCM), bà Huỳnh Khánh Trân, Chủ tịch công đoàn công ty này, cho biết đến thời điểm hiện tại, dù chưa có thông báo chính thức về thưởng Tết Nguyên Đán năm 2024 nhưng trước mắt, công ty đã thống nhất chi 500 triệu đồng để tổ chức tất niên cho người lao động. Ngoài ra, công ty sẽ hỗ trợ một ít tiền mặt cho công nhân là đoàn viên và một phần quà lưu niệm và tổ chức bốc thăm trúng thưởng trong tiệc tất niên. Còn thưởng Tết, sang đến tháng 1-2024 mới có thông tin chính thức.

Năm 2023 cũng là một năm khó khăn của Công ty trách nhiệm hữu hạn SB Gear Vina (huyện Hóc Môn, TPHCM) vì giảm đơn hàng, người lao động chỉ làm việc 8 tiếng/ngày và không tăng ca. Thế nhưng, để chia sẻ khó khăn với người lao động, đại diện của Công ty SB Gear Vina, cho biết năm nay doanh nghiệp này vẫn duy trì khoản thưởng Tết như mọi năm. Theo đó, mức thưởng là hai tháng lương cơ bản, trong đó 50% khoản thưởng đã được chi cho người lao động vào dịp lễ 1-5 và 2-9, còn 50% tiếp theo sẽ chi trả vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Bên cạnh đó, công ty cũng dự kiến tặng mỗi người lao động một phần quà Tết trị giá khoảng 500.000 đồng/phần.

Có thể thấy rằng dù doạt động sản xuất, kinh doanh trong năm còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn xoay xở, cố gắng duy trì mức thưởng trong khả năng để giữ chân người lao động.

Doanh nghiệp gặp khó, xoay xở duy trì phúc lợi

Về vấn đề thưởng Tết cho người lao động trên địa bàn TPHCM, ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng lao động, tiền lương và Bảo hiểm xã hội thuộc Sở Lao động – Thương binh và xã hội TPHCM, cho biết tính đến nay, có 1.289 doanh nghiệp đã gửi báo cáo cho đơn vị về tình hình lương năm 2023 và thưởng Tết Nguyên đán năm 2024. Theo đó, tiền thưởng Tết tại TPHCM bình quân là hơn 12,3 triệu đồng/người, giảm nhẹ so với kết quả khảo sát của năm 2023 là 12,8 triệu đồng/người.

Trong số hơn 1.200 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 448 doanh nghiệp (chiếm hơn 34%) cho biết họ đang gặp khó trong việc thưởng Tết cho người lao động. Nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm còn nhiều khó khăn, đơn hàng giảm, doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động, khó thu hồi công nợ, trả tiền lãi vay… Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã thực hiện thông tin sớm cho người lao động biết và chia sẻ; đồng thời cố gắng chi thưởng Tết cho người lao động theo thoả thuận.

Theo đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, qua đánh giá sơ bộ cho thấy, có trên 46% doanh nghiệp được khảo sát, ngoài tiền thưởng Tết cho người lao động, các doanh nghiệp còn có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực cho người lao động chăm lo Tết như tặng quà hoặc phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón về quê, hỗ trợ tiền tàu xe, tặng vé xe…

Dù ngành dệt may gặp khó nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì sản xuất và thưởng Tết cho người lao động. Ảnh minh hoạ: Đức Hoà

Về thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024, trung bình các doanh nghiệp nghỉ từ 8-9 ngày, trong đó nhiều doanh nghiệp kết hợp bố trí giải quyết phép năm để người lao động có đủ thời gian dài về quê thăm gia đình.

Theo báo cáo của Liên đoàn lao động TPHCM, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, đơn vị sẽ triển khai nhiều kế hoạch chăm lo cho người lao động trên địa bàn thành phố. Cụ thể, đối với chương trình “Tết sum vầy – Xuân tri ân”, dự kiến chăm lo cho 13.000 gia đình đoàn viên, người lao động hoàn cảnh khó khăn; trong đó ưu tiên người lao động làm việc tại doanh nghiệp bị cắt giảm giờ làm, không có điều kiện về quê đón Tết. Mỗi trường hợp được chăm lo 1 triệu đồng bao gồm quà và tiền mặt.

Tại các khu chế xuất và khu công nghiệp, TPHCM cũng sẽ tổ chức 9 “Phiên chợ nghĩa tình – Tết đoàn viên” cho 30.000 công nhân và hỗ trợ 500.000 đồng/người trong dịp Tết sắp tới. Ngoài ra, Liên đoàn lao động các quận, huyện cũng sẽ tặng 4.000 phần quà Tết cho công nhân ở trọ có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại các khu chế xuất và khu công nghiệp.

Minh Thảo

TBKTSG



Các tin tức khác

>   Thủ đoạn lợi dụng sàn thương mại điện tử để bán hàng cấm, hàng giả (31/12/2023)

>   Nhiều hàng quán tại trung tâm TP HCM nói "không tăng giá dịp bắn pháo hoa" (30/12/2023)

>   Trung Quốc: Hàng nghìn quán càphê có thương hiệu “mọc lên như nấm” (30/12/2023)

>   Nhóm ngành nào có mức thưởng Tết cao nhất tại TPHCM? (28/12/2023)

>   Hàng chục tấn thực phẩm chức năng "thương hiệu Úc, Canada"... sản xuất ở trại nuôi gà (27/12/2023)

>   Mỹ: Phương pháp đột phá tiêu diệt 99% tế bào ung thư (27/12/2023)

>   Kiểm tra kho hàng bán online chốt hàng nghìn đơn mỗi ngày trên địa bàn Hà Nội (26/12/2023)

>   Tết Nguyên đán chính thức trở thành ngày nghỉ lễ của Liên hợp quốc (26/12/2023)

>   3 câu chuyện nơi thành phố bên sông (01/01/2024)

>   Người tiêu dùng Việt mua hàng nhiều nhất ở sàn thương mại nào? (25/12/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật