Thủ đoạn lợi dụng sàn thương mại điện tử để bán hàng cấm, hàng giả
Các đối tượng lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử; mua, bán online, mạng xã hội với nhiều thủ đoạn để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ngày 31-12, Cục Quản lý Thị trường (QLTT) TP HCM có báo cáo kết quả tình hình kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn thành phố trong năm 2023.
Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn, các hoạt động như buôn lậu, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, sản xuất kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn không giảm.
Mặc dù, Cục QLTT TP HCM đã tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý rất nhiều đối tượng vi phạm kinh doanh tại các tuyến phố du lịch, địa bàn nổi cộm, trung tâm thương mại với số lượng hàng hóa vi phạm bị xử lý lớn nhưng vẫn có nhiều trường hợp tái phạm.
Các đối tượng lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán online, mạng xã hội với nhiều thủ đoạn để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hàng hóa được tập kết tại các kho hàng, bến bãi để vận chuyển đi tiêu thụ thông qua các dịch vụ giao nhận.
Hàng hóa giả, nhái nhãn hiệu nổi tiếng
|
Các đối tượng hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, hoạt động có tổ chức nên rất khó phát hiện. Các đối tượng này lợi dụng địa bàn thành phố rộng, tập trung nhiều kho hàng, bến bãi, điểm trung chuyển hàng hóa và dân cư tập trung đông, nhu cầu mua sắm của người dân cao nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vẫn không ngừng được thực hiện.
Tình hình vận chuyển hàng hóa nhập lậu, đặc biệt là các mặt hàng điện tử, hàng điện gia dụng, thuốc lá, đường cát, mỹ phẩm, thực phẩm… theo hướng biên giới Tây Nam có dấu hiệu tăng trở lại cả về quy mô lẫn số lượng.
Các đối tượng vận chuyển hoạt động không có giờ cố định, lợi dụng hoạt động giao hàng qua ứng dụng giao nhận nên khó kiểm soát, khó xác định địa điểm kinh doanh, kho hàng để kiểm tra, xử lý.
Hàng hóa giả, nhái nhãn hiệu nổi tiếng
|
Hoạt động kinh doanh mặt hàng thuốc lá điện tử gia tăng do nhu cầu lớn từ thị trường, đặc biệt là từ giới học sinh, sinh viên, các đối tượng lợi dụng mạng xã hội cũng như trang thương mại điện tử để rao bán mặt hàng này ngày càng công khai.
Trong năm 2023, lực lượng QLTT đã kiểm tra 5.091 vụ, tăng 42,05% so với cùng kỳ năm trước; kiểm tra 129 vụ thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử, tạm giữ 2.663 bao thuốc lá điếu, 6.877 điếu xì gà và 11.621 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử, phụ kiện và tinh dầu.
Đối với hàng hóa nhập lậu đã kiểm tra, xử lý 1.063 trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tạm giữ 1.473.612 đơn vị sản phẩm (quần áo, giày dép, mắt kính, mỹ phẩm, thực phẩm, hàng điện gia dụng, hàng điện tử, thiết bị điện, thuốc tân dược, phụ tùng xe máy, đồ chơi trẻ em, dụng cụ y tế, phụ tùng ô tô, hàng điện tử, điện thoại di động, máy vi tính). Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kiểm tra, xử lý 1.593 trường hợp kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tạm giữ 1.862.909 đơn vị sản phẩm.
Cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý 1.302 trường hợp vi phạm về hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó hành vi vi phạm chủ yếu là buôn bán, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Hàng hóa vi phạm có tổng số lượng là 182.374 đơn vị sản phẩm mắt kính, đồng hồ, giày dép, quần áo, mỹ phẩm, trang sức, hàng điện tử, hàng gia dụng, phụ kiện điện thoại di động, phụ tùng xe máy, túi xách, ví…
|
Nguyễn Hải
Người lao động
|