Cần Thơ: Thu ngân sách năm 2023 còn gặp nhiều khó khăn
Trong năm 2023, mặc dù các cấp, các ngành và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố nhưng do tác động của nhiều yếu tố, đặc biệt là tác động từ các chính sách miễn, giảm thuế, phí và tiền thuê đất đã ảnh hưởng đáng kể đến kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 của thành phố.
Cụ thể, tổng thu NSNN lũy kế thực hiện đến ngày 20/12/2023 đạt 14,582.76 tỷ đồng, bằng 79.68% dự toán HĐND thành phố giao, giảm 4.71% so với cùng kỳ. Cụ thể, ước kết quả thu của một số khu vực, sắc thuế chủ yếu như sau:
Đối với thu từ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) Trung ương, dự toán là 1,290 tỷ đồng, ước cả năm là 880 tỷ đồng, số thu này chỉ đạt 75.30% so với dự toán Bộ Tài chính và HĐND thành phố giao, hụt thu 54.3 tỷ đồng. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là thực hiện quy định của Luật NSNN, Cục Thuế thành phố đã rà soát và phân cấp cho các doanh nghiệp không còn vốn nhà nước về khu vực công thương nghiệp – ngoài quốc doanh (94 doanh nghiệp) từ tháng 3 năm 2023. Do đó, số tiền nộp NSNN của các doanh nghiệp này dịch chuyển về khu vực ngoài quốc doanh. Dự kiến số nộp NSNN chuyển về khu vực ngoài quốc doanh năm 2023 là 140 tỷ triệu đồng.
Đối với thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, dự toán là 1,125 tỷ đồng, ước cả năm thu đạt 1,063 tỷ đồng, đạt 95% dự toán, số hụt thu là 61.4 tỷ đồng. Theo đó, nguyên nhân là do Công ty Vinataba Philip Morris là đơn vị nộp ngân sách chủ yếu của khối đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, kế hoạch dự toán năm 2023 giao cho đơn vị này là 573 tỷ đồng nhưng do sản lượng tiêu thụ thuốc lá của đơn vị không đạt như kế hoạch đề ra dẫn đến doanh thu giảm nên số tiền nộp NSNN không đạt yêu cầu.
Đối với khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đây là một trong những khu vực thuế có số tăng thu vượt khá lớn so với dự toán năm 2023 là 2,166 tỷ triệu đồng, ước thực hiện cả năm là 2,482 tỷ đồng, vượt 15% dự toán đề ra, số tăng thu đạt 317 tỷ đồng. Như đã nêu, nguyên nhân chủ yếu là do số nộp NSNN của các DNNN dịch chuyển về khu vực ngoài quốc doanh. Đối với thuế thu nhập cá nhân, dự toán là 990 tỷ đồng, ước cả năm thu 1,175 tỷ đồng, đạt 119% dự toán, tăng thu 185 tỷ đồng.
Đối với thu tiền sử dụng đất, dự toán là 700 tỷ đồng, ước cả năm thu 1,680 tỷ đồng, đạt 240% dự toán, tăng thu 980 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế tính đến ngày 31/10/2023, số thu tiền sử dụng đất là 507.5 tỷ đồng, đạt 72.5% dự toán. Do đó, để đảm bảo thực hiện số ước cả năm thu được 1,680 tỷ đồng, các cơ quan chức năng cần phải đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất để chủ đầu tư các dự án thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Đối với thu từ tiền thuê mặt đất, nước, dự án toán là 175 tỷ đồng, ước cả năm thu đạt 141.8 tỷ đồng, đạt 81% dự toán, hụt thu là 33 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do việc thực hiện chính sách 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch vụ Covid-19, nhưng quyết định ban hành trong năm 2023, hầu hết các doanh nghiệp đã hoàn thành nộp tiền thuê đất phải nộp trong năm 2022 nên việc thực hiện chính sách ảnh hưởng đến việc thu nộp tiền thuê đất trong năm 2023; cụ thể, trong 09 tháng đầu năm, thành phố đã ban hành các quyết định giảm tiền thuê đất với tổng số tiền đã giảm là hơn 40 tỷ đồng.
Đối với thuế bảo vệ môi trường, dự toán năm 2023 là 1,486 tỷ đồng, ước cả năm đạt 653.4 tỷ đồng, đạt 44% so với dự toán, hụt hut 832.6 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022, tức là sau thời điểm giao dự toán năm 2023. Theo đó, Nghị quyết đã điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn giảm kể từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Điều này đã dẫn đến ngân sách bị hụt thu lớn đối với nguồn thu này. Cụ thể, số thuế ước giảm năm 2023 là 676 tỷ đồng. Do nguồn thu này không đảm bảo tiến độ thu các tháng nên dự kiến sẽ không hoàn thành dự toán năm đã giao.
Đối với thu lệ phí trước bạ, dự toán thu năm 2023 là 500 tỷ đồng, ước cả năm thu đạt 440 tỷ đồng, đạt 88% so với dự toán, hụt thu 60 tỷ đồng. Theo đó, nguyên do xuất phát từ việc các giao dịch, chuyển nhượng đối với các loại tài sản phải đóng lệ phí trước bạ như nhà đất, ô tô, xe máy… giảm so với năm 2022; đồng thời, nguyên nhân khác là vì Chính phủ ban hành chính sách kích cầu giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô lắp ráp trong nước từ ngày 01/7/2023 (Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 của Chính phủ) cũng đã ảnh hưởng đến nguồn thu này.
Ngoài ra, đối với các nguồn thu khác như: thu phí, lệ phí theo dự toán là 185 tỷ đồng, ước cả năm thu đạt 181 tỷ đồng, đạt 98% so với dự toán, hụt thu 3.86 tỷ đồng; thu từ xổ số kiến thiết theo dự toán là 1,650 tỷ đồng, ước cả năm thu đạt 1,843 tỷ đồng, đạt 112% so với dự toán, tăng thu là 193 tỷ đồng.
Từ những kết quả trên cho thấy, việc thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh do chưa được tính trong dự toán đầu năm dẫn đến nhiều nguồn không đạt so với dự toán như thu từ DNNN, DN có vốn đầu tư nước ngoài, lệ phí trước bạ, thuế bảo vệ môi trường, tiền thuê đất. Từ đó, làm suy giảm nguồn thu và ảnh hưởng đến cân đối ngân sách năm 2023 của thành phố.
Bên cạnh đó, nhiều khả năng số thu tiền sử dụng đất không đạt như dự kiến do cơ sở pháp lý xác định giá đất cụ thể của các dự án còn nhiều vướng mắc do Chính phủ đang thực hiện sửa đổi Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất. Điều này sẽ ảnh hưởng chung đến tỷ lệ hoàn thành dự toán thu ngân sách của thành phố trong năm 2023.
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thu ngân sách thành phố năm 2024, bảo đảm nguồn thu so với dự toán, tránh tình trạng suy giảm nguồn thu và ảnh hưởng đến cân đối ngân sách, thành phố đã đề ra nhiều định hướng và giải pháp cho các cấp, các ngành như sau:
Trước hết, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu, nắm chắc các nguồn thu và số lượng người nộp thuế trên địa bàn. Từ đó, thực hiện đánh giá, phân tích số thu NSNN, ước thực hiện thu hàng tháng, quý để đề ra biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi, đôn đốc thu dứt điểm số thuế gia hạn đã hết thời hạn gia hạn phải thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN nhằm đảm bảo mục tiêu vừa hỗ trợ người nộp thuế, vừa hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN được giao.
Đồng thời, tiếp tục xử lý, đôn đốc thu nợ thuế đối với các đơn vị nợ đọng thuế. Theo đó, cần tiến hành tổng hợp phân tích, đánh giá, phân loại các khoản nợ thuế, đảm bảo việc triển khai thực hiện các biện pháp quản lý nợ thuế và cưỡng chế thu hồi nợ thuế đúng quy trình, quy định, áp dụng đầy đủ các quy trình xử lý đối với từng đối tượng. Cùng với đó, cần tăng cường và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành nghề có rủi ro cao, có hoạt động liên kết, chuyển giá, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số,…
Mặt khác, kịp thời rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các dự án có thu tiền sử dụng đất trong thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định pháp luật nhằm huy động có hiệu quả nguồn lực từ xã hội phục vụ phát triển thành phố.
Đinh Tấn Phong - Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ
FILI
|