Thứ Hai, 08/01/2024 13:32

Thấy gì từ lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường và hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp tăng?

Lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cùng với số hồ sơ lao động xin trợ cấp thất nghiệp, đặt ra bài toán cho doanh nghiệp làm sao để cải thiện tình hình sản xuất và dịch chuyển lao động phù hợp với điều kiện thực tế trong năm 2024.

14.4 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường mỗi tháng

Dữ liệu từ Tổng Cục Thống kê cho thấy, tính chung trong năm 2023, cả nước có 159.3 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.52 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.05 triệu lao động, tăng 7.2% về số doanh nghiệp, giảm 4.4% về vốn đăng ký và tăng 7.3% về số lao động so với năm trước.

Bên cạnh đó, 58.4 ngàn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 2.4% so với năm 2022, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 lên 217.7 ngàn doanh nghiệp, tăng 4.5% so với năm 2022. Bình quân mỗi tháng có 18.1 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tình hình đăng ký và giải thể doanh nghiệp
Nguồn: Tổng Cục Thống kê

Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 89 ngàn doanh nghiệp, tăng gần 21% so với năm 2022; 65.5 ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng gần 29%; 18 ngàn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3%. Bình quân một tháng có 14.4 ngàn doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Số liệu từ Tổng Cục Thống kê, tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355.5 tỷ USD, giảm 4.4% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95.55 tỷ USD, giảm 0.3%, chiếm 26.9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 259.95 tỷ USD, giảm 5.8%, chiếm 73.1%.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 327.5 tỷ USD, giảm 8.9% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 117.29 tỷ USD, giảm 7.2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 210.21 tỷ USD, giảm 9.8%.

Môi trường kinh doanh bất lợi đặt nhiều doanh nghiệp vào tình thế rất khó khăn. Đại diện doanh nghiệp sản xuất lều xuất khẩu có nhà máy tại Hà Nam chia sẻ: “Hầu hết các công ty trong ngành đều có lượng đơn hàng giảm, do đó lượng nhân công cắt giảm cũng nhiều hơn mọi năm. Hiện tại, các doanh nghiệp trong ngành đều đang cầm cự, nếu qua Tết Nguyên đán tình hình đơn hàng vẫn không cải thiện, có thể sẽ không có nhiều doanh nghiệp còn trụ được”.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế nhận xét, lượng doanh nghiệp thành lập mới vẫn lớn hơn lượng doanh nghiệp giải thể. Tuy nhiên, lượng doanh nghiệp giải thể năm nay tăng cao hơn năm trước và rõ ràng số liệu đang phản ánh năm 2023 là năm cực kỳ khó khăn.

Nhìn vào thực tế, năm 2023 khó khăn chung đối với toàn thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. 2023 được nhiều tổ chức đánh giá là năm đặc biệt khó khăn so với các năm trước.

Số doanh nghiệp giải thể tăng lên, trong khi đơn hàng xuất khẩu không có. Xuất khẩu vẫn giảm hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam lại lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng kinh tế. Thế nên khi xuất khẩu không được, không có đơn hàng thì kéo theo doanh nghiệp xuất khẩu, cũng như những doanh nghiệp trong các ngành khác không có công ăn việc làm, phải giải thể và ngừng hoạt động.

Gần 1 triệu người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp

Chị X.L.T (Bình Thạnh, TPHCM) tâm sự: “Tôi thấy khá vất vả. Chưa bao giờ tìm việc khó như hiện nay, nhất là thời điểm gần cuối năm, hầu như không có công việc nào phù hợp với chuyên môn cũng như kinh nghiệm của tôi. Càng gần cuối năm tôi càng hạ chỉ tiêu tìm việc xuống, bao gồm lương, môi trường hay khối lượng công việc. Không chỉ tôi, các đồng nghiệp ngang tầm hoặc cao hơn tôi đều gặp khó khăn trong việc tìm được một công việc đúng chuyên môn chứ đừng nói đến việc đáp ứng mong muốn về lương hay môi trường làm việc. Hy vọng hết quý 1/2024, thị trường lao động hồi phục và tôi có thể tìm được công việc phù hợp với bản thân”.

Trường hợp của chị T. không phải là ngoại lệ. Thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố, tính đến tháng 11/2023, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp khoảng 955,000 người, tăng 9.5% so với cùng kỳ 2022.

Một số chỉ tiêu thị trường lao động quý 3/2023
Nguồn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong quá trình thiết kế chính sách của năm 2024, điều quan trọng nhất là làm sao có thể chuyển hướng nền kinh tế, đào tạo nghề cho những người mất việc tìm được công ăn việc làm mới.

Đặc biệt, hiện nay lực lượng lao động đang thất nghiệp trong các ngành xuất khẩu chủ chốt như dệt may, gia dày - ngành trong năm vừa qua không có đơn hàng. Nếu muốn chuyển sang ngành khác thì lực lượng lao động phải học, đào tạo nghề. Và đó là dịch chuyển cơ cấu của nền kinh tế cho phù hợp.

Khi không có đơn hàng, hoạt động của các doanh nghiệp gặp khó khăn là điều hiển nhiên. Do đó, chuyển đổi công việc lại là điều tốt trong tình hình hiện nay, vì dệt may, da giày là ngành thâm dụng lao động và năng suất không cao. Hiển nhiên, việc chuyển hóa không phải một sớm một chiều, mà có nhiều vấn đề kéo theo.

Ông Thịnh dẫn ví dụ như hiện tại nước ta đang muốn đào tạo ít nhất 50,000 việc làm chuyển hướng từ dệt may, da giày sang chip, điện tử… thì phải đào tạo nghề; nhưng cũng không thể đào tạo nhanh chóng, vì lao động trong các ngành dệt may da giày chủ yếu là lao động phổ thông. Đòi hỏi tay nghề của người lao động trong một số ngành có thể đơn giản, nhưng một số ngành khác lại đòi hỏi chuyên môn cao.

Do đó, việc tăng cường đào tạo nghề, đảm bảo chi trả bảo hiểm thất nghiệp, cũng đang là một trong những việc vừa đúng với chính sách, đồng thời còn tạo điều kiện cho lao động bắt nhịp sang lĩnh vực mới, ngành nghề mới.

Lao động làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Bảo hiểm thất nghiệp quận Bình Thạnh những ngày đầu tháng 1/2024. Ảnh: Cát Lam
Thông tin tuyển dụng tại Trung tâm Bảo hiểm thất nghiệp quận Bình Thạnh. Ảnh: Cát Lam

Chuyển dịch sản xuất sang đáp ứng nhu cầu nội địa

Dự báo qua năm 2024, một số ý kiến cho rằng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam không cạnh tranh về giá, trong khi các quốc gia khác rẻ hơn. Ông Đinh Trọng Thịnh lại cho rằng, thực tế ngành dệt may, da giày còn có một nguyên nhân khác là không đảm bảo các tiêu chuẩn xanh về phát thải khí CO2, yêu cầu xanh hóa trong sản xuất. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi công nghệ sản xuất, máy móc, thiết bị; không chỉ đơn thuần là việc có đơn hàng hay không.

Nếu doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chí phát thải khí CO2 trong dệt may, da giày, họ vẫn sẽ không ký được hợp đồng, do không đạt được chuẩn xanh hóa của các nước nhập khẩu.

Rõ ràng, đáp ứng tiêu chuẩn xanh hóa là điều phải tính đến, đầu tiên là thay đổi ngay trong những ngành xuất khẩu để đảm bảo đáp ứng yêu cầu xanh, lúc đó mới có được đơn hàng để sản xuất.

Song song đó, việc có thể làm ngay là chuyển hướng các ngành nghề sản xuất vào phân khúc hàng hóa phục vụ nhu cầu nội địa cũng như thị trường khác. Các thị trường nhập hàng từ Mỹ hay châu Âu là truyền thống, nay không nhập hàng vì tiêu chuẩn phát thải vượt chuẩn các quốc gia này đề ra. Do đó, trước mắt, Việt Nam có thể tìm kiếm các thị trường khác đáp ứng tiêu chuẩn để xuất khẩu, nhất là những nước đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) để được ưu đãi về thuế và dễ dàng hơn.

Đối với những quốc gia khác, có thể mức thuế quan cao hơn, nhưng nếu việc xuất khẩu vẫn đem lại lợi nhuận và tạo ra được việc làm cho người lao động thì vẫn cần cân nhắc.

Trên thực tế, thị trường trong nước với nhu cầu của 100 triệu dân, điều kiện thu nhập ngày một tăng - có tiềm năng rất lớn nên nắm bắt thị trường tiêu dùng trong nước là điều rất quan trọng. Lâu nay, thị trường nội địa chưa được các doanh nghiệp chú ý đúng mức, hàng ngoại nhập vẫn chiếm thị phần cao trong tiêu dùng nội địa. Doanh nghiệp cần nắm bắt thị trường này để tiêu thụ hàng hóa tốt hơn, tạo điều kiện phát triển hơn.

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   Bức tranh kinh tế Việt Nam 2023 qua phân tích của chuyên gia kinh tế (06/01/2024)

>   Năm 2023, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 430 tỷ USD (05/01/2024)

>   Kinh tế Việt Nam 2024: Chính phủ cần làm gì thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế?  (04/01/2024)

>   Kinh tế Cần Thơ phát triển ra sao trong 20 năm qua? (04/01/2024)

>   Giải pháp nào cho phát triển bền vững kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam? (03/01/2024)

>   PMI tháng 12/2023: Số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng so với tháng 11 (02/01/2024)

>   Bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ sáng hơn trong năm 2024 (01/01/2024)

>   ADB: Kết quả đạt được của Việt Nam rất đáng trân trọng (01/01/2024)

>   Triển vọng phục hồi của nền kinh tế trong năm 2024 sẽ ra sao? (01/01/2024)

>   Nợ công năm nay khoảng 3,8 triệu tỷ đồng (31/12/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật