Thứ Hai, 01/01/2024 14:00

Bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ sáng hơn trong năm 2024

Năm 2023, Chính phủ ban hành một loạt chính sách phản ứng nhanh dù chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP nhưng đã tạo tiền đề phát triển nền kinh tế trong năm 2024.

Năm 2023, các chính sách điều hành của Nhà nước về kinh tế phát huy hiệu quả: Từ thúc đẩy làm lành mạnh thị trường tài chính, bất động sản, triển khai các gói tín dụng đến việc đưa ra những chính sách giảm thuế kích cầu thị trường nội địa…

Những chính sách này cũng tạo tiền đề phát triển cho nền kinh tế trong năm 2024. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hiệu quả hơn.

TS HUỲNH PHƯỚC NGHĨA, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý (CTELG), ĐH Kinh tế TP.HCM:

Cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp

Năm 2024, bức tranh kinh tế Việt Nam (VN) sẽ sáng hơn nhờ vào sự chuyển hướng trọng điểm đầu tư và xuất khẩu của DN VN theo hướng chủ động tìm kiếm thị trường mới, hướng xuất khẩu mới... Thực tế trong quý III và quý IV-2023 một số ngành đã dần hồi phục, đơn hàng cho năm mới tăng trưởng trở lại.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024, VN cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp. Thứ nhất, VN cần tiếp tục các chính sách hỗ trợ DN tiếp cận vốn thuận lợi, giảm lãi suất cho vay, kiểm soát lạm phát, tỉ giá và tập trung hơn cho DN vừa và nhỏ.

Năm 2024, chính sách điều hành cần chú trọng đến ngành, lĩnh vực giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ảnh: QUANG HUY

Thứ hai, các tỉnh, thành cần thực hiện tốt thúc đẩy đầu tư công, không để giải ngân đầu tư công chậm. Thứ ba, Chính phủ cần tiếp tục quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.

Thứ tư, VN phải quyết liệt chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hỗ trợ phát triển công nghiệp và công nghiệp đô thị trong tương lai; đồng thời phát triển lĩnh vực kinh doanh việc làm, bất động sản, công nghệ xanh, giảm khí thải…

Ông TRẦN THANH HẢI, chuyên gia kinh tế:

Đẩy mạnh đầu tư công, mua sắm của Chính phủ

Chính sách ngoại giao thời gian qua của VN đã mang lại hiệu quả, tạo được niềm tin, đẩy mạnh hợp tác kinh tế với các nước. Đó là một thuận lợi cơ bản.

Đặc biệt, VN có thể chế chính trị ổn định, một trong những điều kiện để tạo sự ổn định của đồng nội tệ. Nguồn nhân lực của VN, yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài, hội nhập với thế giới dù chưa phải là xuất sắc nhưng đủ để hỗ trợ giảm thiểu chi phí cho DN.

Với tất cả thuận lợi trên, giải pháp chính sách đầu tiên để phát triển nền kinh tế trong năm 2024 là cần phải đẩy mạnh đầu tư công, mua sắm của Chính phủ. Chủ trương, quyết sách của Chính phủ về đầu tư công năm 2023 là hoàn toàn chính xác.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh cải cách thể chế, thủ tục hành chính. Tôi cho rằng phải có một quyết sách, cho phép các UBND tỉnh, TP được quyền tự quyết nhiều hơn. Chứ hiện nay nghị quyết vẫn phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn thì biết bao giờ các tỉnh, thành mới triển khai vào thực tế được.

Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA):

Phải khắc phục sự rời rạc, không đồng bộ

Nhìn lại năm 2023, DN đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó khó khăn chính vẫn là thị trường thế giới giảm, tổng cầu giảm, khiến nhiều mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày, gỗ, điện thoại xuất khẩu giảm. Hệ quả là DN phải chịu áp lực hàng tồn kho, vốn không xoay vòng.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”

Các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (World Bank) đều dự báo năm 2024 kinh tế VN có thể đạt tăng trưởng mức cao 5,5%-6,5%.

Chuyên gia Ngô Đăng Khoa, Giám đốc khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán (HSBC VN), cũng nhận định tăng trưởng kinh tế VN năm 2024 sẽ ở mức 6%.

Ông Khoa cho rằng giữa thách thức toàn cầu, nhìn chung kinh tế VN phần nào vẫn vững vàng và khá ổn định trong năm 2023. Đặc biệt, tính đến cuối tháng 11, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt hơn 28 tỉ USD. FDI đăng ký trong lĩnh vực sản xuất đã vượt 14,3 tỉ USD, mức cao kỷ lục trong những năm gần đây.

Sau thời gian nửa đầu năm 2023 tăng trưởng kinh tế dưới 4% - mức thấp so với cùng kỳ, kinh tế VN quý III vừa qua đã chứng kiến sự hồi phục với tăng trưởng ở mức 5,3%, đi cùng những dấu hiệu cải thiện ban đầu của thương mại.

“Vượt qua những thách thức trong năm cũ, 2024 sẽ tiếp tục là thời gian để kinh tế VN phục hồi và khởi sắc” - ông Khoa dự báo.

Hơn nữa, dù hiện tại mức lãi suất giảm nhưng các DN vẫn đang phải chịu mức lãi suất cao của các khoản vay từ đầu năm. Chương trình kích cầu thì cuối năm mới có hiệu lực. Với điều kiện như vậy, DN giữ được ổn định sản xuất là khá thành công rồi.

Vì vậy, năm 2024 chúng ta cần tiếp tục triển khai các chính sách trong năm 2023. Nhưng phải khắc phục sự rời rạc, không đồng bộ trong công tác triển khai các chính sách để mang lại hiệu quả cao hơn.

Ví dụ, hiện lãi suất giảm nhưng vốn chưa được hấp thụ vì DN chưa thấy cơ hội đầu tư ở đâu nên họ không vay. Do đó, Chính phủ, bộ, ngành và các tỉnh, thành phải làm sao tạo ra cơ chế thúc đẩy DN đầu tư vay để sản xuất, đó chính là thúc đẩy đầu tư công mạnh hơn, hiệu quả hơn.

Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN tìm kiếm khách hàng mới, mở thị trường mới. Như thị trường Ấn Độ rất lớn chưa khai thác hết, thị trường Nam Mỹ rất dễ chịu. Bản thân DN cũng phải đầu tư để đạt các tiêu chuẩn toàn cầu, trong bối cảnh thị trường đòi hỏi xanh hóa.

Đặc biệt, chính sách giảm thuế, giảm lãi suất phải đồng bộ với chương trình kích cầu đầu tư của TP.HCM. Tái khởi động chương trình kích cầu phải triển khai ngay từ đầu năm, hướng những ngành, nghề chủ lực và những ngành bệ đỡ cho nền kinh tế như nông nghiệp, thực phẩm chế biến.

Ông PHẠM XUÂN HỒNG, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3:

Cần nguồn tín dụng xanh để “xanh hóa”

Đơn hàng đã trở lại từ quý III-2023 và hiện nhiều DN có đơn hàng đến hết quý I-2024. Tuy nhiên, nhiều điều kiện đã thay đổi. Cụ thể, phần lớn đơn hàng đặt với số lượng nhỏ và khá đặc thù nên chi phí sản xuất cao hơn trước 10%-15%. Không chỉ vậy, các yêu cầu, điều kiện sản xuất, chi tiết về sản phẩm, quy trình cũng khó khăn hơn.

Bởi vậy, dự báo phải đến giữa năm 2024 thị trường xuất khẩu của nước ta mới hồi phục tăng trưởng trở lại. Đáng chú ý, DN muốn tăng khả năng cạnh tranh, có khách hàng thì phải đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng, nhà nhập khẩu về sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu tái chế… Đây là áp lực tăng chi phí với nhà sản xuất trong nước.

Hiện nhiều công ty dệt may muốn chuyển đổi sản xuất xanh, tuy nhiên không phải DN nào cũng có đủ nguồn lực để thực hiện. Mặt khác, DN muốn đầu tư thiết bị, công nghệ để sản xuất xanh thì phải có nguồn tín dụng xanh, vì vậy cần có chính sách hỗ trợ như giãn, giảm thuế để DN có điều kiện đầu tư sản xuất xanh.

Gần 218.000 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, cả nước có 159.300 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn hơn 1,5 triệu tỉ đồng. Con số này tăng hơn 7% về số DN nhưng giảm hơn 4% về vốn đăng ký so với năm ngoái.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2023 là hơn 3,5 triệu tỉ đồng, giảm 25,3% so với năm trước.

Ngoài ra, tổng số DN thành lập mới và trở lại hoạt động trong năm 2023 là 217.700 DN, tăng 4,5% so với năm trước. Như vậy, một tháng bình quân có 18.100 DN thành lập mới và trở lại hoạt động.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV-2023 cho thấy hơn 69% DN đánh giá tốt hơn và ổn định so với quý III-2023 và 30% DN đánh giá gặp khó khăn.

QUANG HUY

Pháp luật TPHCM


Các tin tức khác

>   ADB: Kết quả đạt được của Việt Nam rất đáng trân trọng (01/01/2024)

>   Triển vọng phục hồi của nền kinh tế trong năm 2024 sẽ ra sao? (01/01/2024)

>   Nợ công năm nay khoảng 3,8 triệu tỷ đồng (31/12/2023)

>   Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc trung ương năm 2025 (31/12/2023)

>   Trung tâm nghiên cứu Anh: Việt Nam thành nền kinh tế thứ 21 thế giới năm 2038 (30/12/2023)

>   Mối quan hệ giữa cung tiền, tăng trưởng kinh tế và lạm phát (31/12/2023)

>   Chuyên gia quỹ AFC Asia Frontier Fund: Mức tăng trưởng mạnh của quý 4/2023 là tín hiệu tốt cho năm 2024 (29/12/2023)

>   Toàn cảnh kinh tế xã hội Việt Nam năm 2023: Kiên cường vượt những ''cơn gió ngược'' (30/12/2023)

>   Sản xuất cải thiện trong quý 4, doanh nghiệp lạc quan hơn về năm 2024 (29/12/2023)

>   Năm 2023, CPI tăng 3.25%, lạm phát cơ bản tăng 4.16% so với năm trước (29/12/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật