Sửa quy định nhằm gỡ "việt vị" cho mô hình CCP?
Theo quy định tại Nghị định 155/2020 của Chính phủ, tới 01/01/2024, hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán tại thị trường chứng khoán Việt Nam phải thực hiện theo cơ chế CCP. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, mô hình này vẫn chưa được triển khai.
Ủy ban Chứng khoán vừa thực hiện lấy ý kiến đóng góp về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Trong đó, dự thảo đề nghị sửa đổi khoản 13 điều 310 nhằm nâng thời hạn tối đa bắt buộc triển khai thực hiện hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) từ 3 năm lên thành 5 năm.
Điều 310 là điều khoản chuyển tiếp về việc thực hiện hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam.
Theo quy định tại điều 150 của Nghị định 155/2020, hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán thực hiện theo cơ chế CCP. Cụ thể, áp dụng CCP đối với hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch thực hiện trên hệ thống giao dịch chứng khoán, ngoại trừ hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch công cụ nợ.
CCP là cơ chế bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện, trong đó Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thông qua hoạt động thế vị trở thành một đối tác của giao dịch chứng khoán, thành viên bù trừ là đối tác còn lại của giao dịch.
Nghị định 155/2020 có hiệu lực từ 01/01/2021. Tại thời điểm đó, mô hình CCP chưa thể được triển khai nên Nghị định đưa ra điều khoản chuyển tiếp nêu rõ cách thức hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán sẽ tiếp tục được thực hiện theo Luật Chứng khoán cũ (Luật 2006, sửa đổi bổ sung năm 2010), thời hạn tối đa trong 3 năm.
Thời hạn 3 năm này kết thúc vào ngày 01/01/2024. Tuy nhiên, mô hình CCP tính tới hiện tại (02/01/2024) vẫn chưa được triển khai.
Việc sửa đổi thời hạn trong điều khoản chuyển tiếp là cần thiết để hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán không rơi vào thế “việt vị” vì chưa thể triển khai hoạt động theo mô hình mới, ngược lại, tiếp tục hoạt động theo mô hình cũ là sai quy định.
Nói về tiến độ của CCP, theo thông tin từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), VSDC đã hoàn tất và sẵn sàng triển khai CCP khi hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) của thị trường đi vào hoạt động.
Mô hình CCP triển khai cho thị trường chứng khoán cơ sở sẽ nâng sức mua của nhà đầu tư lên đáng kể khi thay đổi tỷ lệ ký quỹ trước khi mua, thay vì phải có đủ 100% tiền ký quỹ trước khi mua, nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ theo yêu cầu của thành viên bù trừ (dự kiến từ 10 - 20%).
Thanh khoản của thị trường sẽ được cải thiện khi nghiệp vụ bán chứng khoán chờ về được áp dụng sau khi triển khai CCP cho hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán do các tính năng liên quan đã được tích hợp trong hệ thống công nghệ thông tin mới, cũng như khung pháp lý cho các giao dịch này.
Đồng thời, việc triển khai cơ chế CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở sẽ có tác động rất quan trọng đến việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ hạng cận biên lên mới nổi.
Năm 2024, Lãnh đạo UBCKNN đề nghị VSDC tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong hoạt động nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.
Đồng thời, tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường cơ sở, phù hợp với chức năng của hệ thống KRX, cũng như đảm bảo cho thành viên thị trường trong việc triển khai nghiệp vụ có liên quan.
Bên cạnh sửa đổi nói trên, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán cũng bổ sung thêm khoản mục cho nội dung hủy niêm yết bắt buộc. Cụ thể, bổ sung điều Khoản 7 cho Điều 120, quy định rằng “Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định”.
|
Chí Kiên
FILI
|