Thứ Năm, 21/12/2023 11:02

Các điểm nhấn chính sách chứng khoán năm 2023

Nhìn lại những điểm nhấn chính sách trên thị trường chứng khoán năm 2023, không có nhiều chính sách mới mang tầm vóc định hình lại thị trường; song nhiều chính sách được đưa ra nhằm giải quyết các vấn đề khó đang tồn tại hoặc làm bước đệm cho đà phát triển của thị trường.

Làm sạch dữ liệu chứng khoán

Ngày 23/09, Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở Giao dịch, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử. Việc kết nối nhằm làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán, để đảm bảo trùng khớp và loại bỏ dữ liệu sai, trùng lặp hoặc thông tin ảo.

Ngày 24/11/2023, UBCKNN cùng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an đã ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai “Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Kế hoạch tập trung thực hiện gồm 3 nhóm nhiệm vụ chính:

Thứ nhất: đối soát, xác thực thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, làm sạch dữ liệu nhà đầu tư chứng khoán và dữ liệu người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán.

Thứ hai: kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ hoạt động nghiệp vụ của ngành chứng khoán.

Thứ ba: ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử định danh thông tin nhà đầu tư chứng khoán.

Sau khi đề án làm sạch dữ liệu được ban hành, trong tháng 10 và 11, có gần 900 ngàn tài khoản bị đóng do các công ty chứng khoán chủ động rà soát và đóng các tài khoản không phát sinh giao dịch.

Làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán để đảm bảo trùng khớp và loại bỏ dữ liệu sai, trùng lặp hoặc thông tin ảo. Ảnh minh họa

Lùi thời hạn chuyển sàn cổ phiếu

Ngày 15/11/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư số 69/2023, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2021, quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác.

Theo đó, Thông tư 69 nới thời hạn hoàn tất sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu từ ngày 30/06/2025 thành 31/12/2026.

Theo lộ trình sắp xếp lại thị trường chứng khoán (TTCK) sửa đổi, tới trước ngày 01/07/2025, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) tiếp tục nhận đăng ký niêm yết với tổ chức đáp ứng điều kiện niêm yết theo Nghị định 155/2020 và có vốn điều lệ 120 tỷ đồng trở lên. Đồng thời, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tiếp nhận đăng ký niêm yết với tổ chức đáp ứng điều kiện niêm yết theo Nghị định 155/2020 và có vốn điều lệ 30 tỷ đồng trở lên.

Sau ngày 01/07/2025, HNX sẽ không nhận hồ sơ đăng ký niêm yết mới, mọi hoạt động niêm yết sẽ được chuyển về HOSE.

Chậm nhất tới ngày 31/12/2025, HNX sẽ chuyển hết cổ phiếu niêm yết về HOSE và chậm nhất tới 31/12/2026, toàn bộ cổ phiếu đăng ký giao dịch (UPCoM) sẽ được chuyển về HOSE.

Chậm nhất tới 31/12/2026, toàn bộ cổ phiếu HNX, UPCoM sẽ được chuyển về HOSE

Các chính sách thúc đẩy nâng hạng thị trường

Nâng hạng TTCK là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới. Mục tiêu này đã được đưa vào Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”; đồng thời, cũng đã được đưa vào trong dự thảo “Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030”. Theo đó, Việt Nam hướng đến nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.

Trên thực tế, thị trường Việt Nam đã vào danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Rusell từ năm 2018. Tuy nhiên, tới nay thị trường vẫn chưa chính thức được nâng hạng do 2 nhóm lý do chính.

Thứ nhất là vấn đề yêu cầu ký quỹ trước giao dịch. Thứ hai là vấn đề giới hạn sở hữu nước ngoài.

Trong năm 2023, cơ quan quản lý thể hiện nhiều nỗ lực để thúc đẩy, rút ngắn lộ trình được nâng hạng của TTCK Việt Nam.

Để giải quyết vấn đề ký quỹ trước giao dịch, giải pháp triển khai hệ thống CCP (đối tác bù trừ trung tâm) là phương án tối ưu để xử lý vấn đề yêu cầu ký quỹ trước giao dịch. Tuy vậy, phải cần thêm thời gian để có thể triển khai CCP.

Theo đó, trong khi chờ CCP, cơ quan quản lý đang nghiên cứu các giải pháp trước mắt mang tính kỹ thuật để giảm thiểu các lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài trong vấn đề ký quỹ trước giao dịch.

Đối với vấn đề giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan quản lý đề xuất theo hướng rà soát hạn chế nhà đầu tư nước ngoài chỉ áp dụng với lĩnh vực cần thiết như quốc phòng an ninh, bảo hộ thương mại.

Bên cạnh đó, có thể triển khai chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR); cổng công bố thông tin giao dịch ngoài biên độ của nhà đầu tư nước ngoài với các cổ phiếu hết room ngoại (Foreign Board); đẩy mạnh quá trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tăng tỷ lệ cổ phần sở hữu nước ngoài.

Song song đó, Hệ thống KRX được đẩy mạnh tiến độ và đang bước vào những giai đoạn cuối cùng là một trong những chiếc chìa khóa quan trọng để mở ra cánh cửa nâng hạng thị trường.

Việt Nam hướng đến nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025

Nghị định 08/2023 “gỡ bí” cho trái phiếu doanh nghiệp

Từ sau các vụ việc trên thị trường tài chính tháng 10/2022, cùng với diễn biến xấu trên thị trường tài chính trong và ngoài nước, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bị tác động nặng nề, nhà đầu tư mất niềm tin, doanh nghiệp bị áp lực phải mua lại trái phiếu đã phát hành cũng như không phát hành được trái phiếu mới để huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo trong các lĩnh vực có liên quan đến thị trường này, từ việc hoàn thiện khung pháp lý đến duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh cũng như các thị trường có liên quan tới thị trường trái phiếu như thị trường bất động sản, thị trường tín dụng, thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ của Nhà nước.

Đáng chú ý, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, trong đó có chính sách hoãn thực hiện một số quy định của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cũng như chính sách cho phép doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể có các cơ chế đàm phán, giãn, hoãn và hoán đổi trái phiếu đã phát hành trên tinh thần rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa giữa các bên.

Nghị định số 08 được ban hành, tình hình thị trường TPDN có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại. Nếu như quý đầu năm hầu như không có đợt phát hành nào nào, từ quý 2 trở đi, tháng sau khối lượng phát hành đều cao hơn tháng trước. Tới hết tháng 11, thị trường có 77 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng khoảng 220,000 tỷ đồng.

Nghị định số 08 giúp thị trường TPDN có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại. Ảnh minh họa

Hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ đi vào hoạt động

Ngày 19/07, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tập trung đầu tiên của Việt Nam đã đi vào hoạt động. Hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị định 65/2022/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

Thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ khởi đầu với 19 trái phiếu của 3 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, đến đầu tháng 12 đã có 760 trái phiếu của hơn 200 doanh nghiệp đăng ký, tương ứng khoảng 2/3 trái phiếu trên thị trường đã được đăng ký trên hệ thống giao dịch tập trung này.

Về quy mô giao dịch, thị trường đã có những bước tăng trưởng so với ngày giao dịch đầu tiên. Hiện nay, trung bình một phiên trên 3 ngàn tỷ đồng. Tổng 5 tháng kể từ khi đi vào giao dịch đến nay đạt khoảng trên 1.2 ngàn tỷ đồng mỗi phiên. Đây là tín hiệu rất tốt đối với thanh khoản trên thị trường. Cùng với tác động của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ thì việc đưa hệ thống tra cứu riêng lẻ này vào hoạt động, các hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp đã quay trở lại tích cực hơn.

Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tập trung đầu tiên của Việt Nam khai trương và vận hành ngày 19/07/2023

Thị trường TPDN riêng lẻ thứ cấp được thực hiện theo cơ chế giao dịch thỏa thuận. Với cơ chế này, các nhà đầu tư phải tìm hiểu thông tin đầy đủ và xác nhận trước khi mua. Cơ chế thanh toán tương tự thị trường phái sinh là thanh toán tức thời và thanh toán cuối ngày.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) là đơn vị tổ chức giao dịch trái phiếu riêng lẻ từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, trừ các ngày nghỉ lễ. Thời gian giao dịch cụ thể gồm 2 phiên: phiên sáng (9h00-11h30), phiên chiều (13h00-14h45).

Chí Kiên

FILI

Các tin tức khác

>   HDC: Ban hành Quy chế CBTT (19/12/2023)

>   SFC: Quy chế nội bộ về quản trị công ty (18/12/2023)

>   BTN: Ban hành quy chế công bố thông tin (15/12/2023)

>   Thủ tướng: Tăng cường các giải pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán hiệu quả, bền vững (14/12/2023)

>   Thứ trưởng Bộ Tài chính triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 cho UBCKNN (13/12/2023)

>   UBCKNN gặp gỡ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Hàn Quốc trên TTCK Việt Nam (13/12/2023)

>   NO1: CBTT QĐ HĐQT về việc ban hành Quy chế CBTT (12/12/2023)

>   CTF: Quy chế nội bộ về quản trị công ty sửa đổi (08/12/2023)

>   CTF: Quy chế nội bộ về quản trị công ty (05/12/2023)

>   Hiệu quả của chính sách tiền tệ có đang suy giảm?  (05/12/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật