Thứ Ba, 02/01/2024 08:37

Bộ trưởng Tài chính: Đang khẩn trương triển khai các giải pháp để nâng hạng TTCK Việt Nam

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Bộ đang phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục khẩn trương triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Nhân dịp kết thúc năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chia sẻ với báo chí về một số vấn đề về TTCK, trái phiếu doanh nghiệp cũng như điều hành chính sách tài khóa của Bộ.

Quyết tâm nâng hạng TTCK theo lộ trình đã đặt ra

Chia sẻ về thị trường tài chính nói chung, trong đó có thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2023 với thị trường chứng khoán, mặc dù đứng trước nhiều biến động do ảnh hưởng của tình hình kinh tế chính trị thế giới, TTCK Việt Nam vẫn cho thấy vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Tổng mức huy động vốn qua TTCK năm 2023 có sự tăng trưởng cả về giá trị đăng ký phát hành và giá trị thực tế phát hành so với năm 2022. Tính đến ngày 30/11/2023, tổng giá trị đăng ký phát hành cổ phiếu và trái phiếu qua UBCKNN đạt 103,697 tỷ đồng, tăng 59% so với mức đăng ký cùng kỳ năm 2022; tổng giá trị thực tế phát hành đạt 77,362 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022.

Chúng tôi cho rằng dư địa huy động vốn của doanh nghiệp qua TTCK vẫn còn lớn. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo UBCKNN rà soát tổng thể khung pháp lý về chứng khoán và TTCK để tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn qua TTCK. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường. Chúng tôi cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục khẩn trương triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Riêng đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện pháp luật, quản lý giám sát để vừa ổn định, khôi phục niềm tin của thị trường TPDN, vừa chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm để thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả. Các chính sách tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được Chính phủ ban hành đã góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư, giãn áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn.

Đây cũng là văn bản pháp lý tiền đề làm cơ sở để các bộ, ngành tiếp tục ban hành các văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn ngắn hạn của thị trường tài chính. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng tăng cường thanh tra, giám sát, đẩy mạnh việc chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm để lành mạnh hóa thị trường. Công tác tuyên truyền về thị trường TPDN cũng được Bộ Tài chính tích cực triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó, các chủ thể tham gia thị trường đã tăng cường tính tuân thủ pháp luật, minh bạch hơn trong hoạt động. Những sự thay đổi này sẽ góp phần phát triển thị trường theo chiều sâu, đảm bảo thị trường phát triển an toàn, hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, doanh nghiệp tăng nhu cầu tiếp cận vốn để đầu tư, việc phát triển thị trường TPDN là rất cần thiết để cung ứng nguồn vốn dài hạn, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng. Với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, hiện nay, thị trường TPDN đã bước đầu hồi phục và đạt một số kết quả tích cực. Tính đến hết tháng 11/2023, đã có 77 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 220 ngàn tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã tích cực bố trí nguồn lực thanh toán TPDN đến hạn và thực hiện đàm phán với nhà đầu tư cũng như tái cơ cấu và gia hạn TPDN nhằm giảm áp lực trả nợ gốc, lãi khi TPDN đáo hạn. Khối lượng mua lại TPDN tính đến hết tháng 11/2023 đạt 207.5 ngàn tỷ; gần 40% khối lượng trái phiếu chậm trả của 68 doanh nghiệp đã có phương án đàm phán.

Với quyết tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính, cùng sự vào cuộc chung tay của các doanh nghiệp, người dân, thị trường bảo hiểm, chứng khoán, TPDN còn nhiều dư địa phát triển và sẽ lấy lại được đà tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Năm 2024 Bộ Tài chính tập trung điều hành chính sách tài khóa linh hoạt và hợp lý

Theo Bộ trưởng Phớc, dự báo năm 2024, khó khăn sẽ nhiều hơn thuận lợi. Trong khi đó nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài chính hết sức nặng nề. Dự toán thu NSNN là 1.7 triệu tỷ đồng; dự toán chi NSNN là 2.1 triệu tỷ đồng; bội chi NSNN là 399.4 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 3.6% GDP.

Vấn đề khó khăn đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, mức độ nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được đa mục tiêu nói trên, trong đó mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu lớn của ngành tài chính là xây dựng và tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm. Bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội.

Trong đó đặc biệt chú trọng nguồn lực thực hiện nhanh các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng; chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp và tinh gọn bộ máy. Để đạt được các mục tiêu đề ra, ngành tài chính sẽ triển khai quyết liệt một số nhóm giải pháp:

Trước hết, thường xuyên theo dõi, dự báo đúng tình hình kinh tế thế giới và trong nước, không để bị động, bất ngờ. Tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác nhằm giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất, đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thu ngân sách theo hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; quyết liệt công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế...

Ba là, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tiếp tục cơ cấu lại chi đầu tư công; tập trung nguồn lực bố trí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách các công trình trọng điểm quốc gia,…

Bốn là, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công, tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững.

Năm là, đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu DN, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến... Trước mắt trong thời gian ngắn tới đây, chúng tôi chú trọng điều hành các nhiệm vụ tài chính – NSNN trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sao cho bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh trước, trong và sau Tết diễn ra bình thường. Triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2024 ngay từ đầu năm để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Chiến lược phát triển TTCK: Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% GDP vào năm 2030 (30/12/2023)

>   DND: Quyết định của Hội đồng quản trị Ban hành Quy chế Công bố thông tin (29/12/2023)

>   MTC: Quyết định về việc ban hành Quy Chế Công Bố Thông Tin (28/12/2023)

>   BTW: Về việc công bố thông tin việc ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty Cổ phần Cấp nước Bến Thành (28/12/2023)

>   CMM: Quy chế Công bố thông tin (27/12/2023)

>   KRX không vận hành vào ngày 25/12 như kế hoạch? (25/12/2023)

>   Các điểm nhấn chính sách chứng khoán năm 2023 (21/12/2023)

>   HDC: Ban hành Quy chế CBTT (19/12/2023)

>   SFC: Quy chế nội bộ về quản trị công ty (18/12/2023)

>   BTN: Ban hành quy chế công bố thông tin (15/12/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật