Thứ Tư, 10/01/2024 09:25

SSI Research: Dòng tiền trước Tết Nguyên đán thường có biến động mạnh

Trong báo cáo chiến lược tháng 1/2024, SSI Research nhận định, trong tháng giao dịch đầu tiên của năm, quán tính phục hồi có thể tiếp diễn nhưng sẽ tập trung vào nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng với 3 chủ đề chính.

Thứ nhất, chi tiết kế hoạch hành động của Chính phủ trong năm 2024 và các văn bản pháp lý được thông qua.

Theo đó, tháng 1 thường là tháng ghi nhận nhiều thông tin mang tính vĩ mô, liên quan đến kế hoạch hành động của Chính phủ trong năm 2024 và các văn bản pháp lý được thông qua. Với việc Luật Đất đai sửa đổi, Luật Tổ chức Tín dụng sửa đổi và một số thông tư, nghị định mới sẽ được thông qua, ngành bất động sản, ngân hàng và đầu tư công có thể được hưởng lợi.

Thứ hai, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng. Sự kiện căng thẳng địa chính trị tại kênh đào Suez khiến cước tàu biển bật tăng mạnh là rủi ro mang tính dài hạn và trước mắt nhóm ngành liên quan đến vận tải/logistics sẽ được hưởng lợi từ sự kiện trên.

Thứ ba, quý 4/2023 là quý đầu tiên lợi nhuận thị trường tăng trưởng dương trở lại sau 4 quý liên tục suy giảm. Tổng lợi nhuận của rổ cổ phiếu theo dõi của SSI (đại diện 85% vốn hóa HOSE và 65% vốn hóa toàn thị trường) được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 12.1% trong quý 4; động lực chính đến từ các nhóm nguyên vật liệu (+419%), hàng tiêu dùng không thiết yếu (+51.6%), công nghệ thông tin (+23.7%) và tài chính (+22.7%).

SSI Research lưu ý xu hướng dòng tiền trước dịp Tết Nguyên Đán thường có nhiều biến động mạnh, cũng như cung chốt lời khả năng sẽ diễn ra khi VN-Index đã hồi phục 12% từ đáy ngắn hạn hay lo ngại tỷ giá biến động có thể quay lại khi các dữ liệu kinh tế Mỹ gần đây cho thấy rủi ro có thể Fed không sớm giảm lãi suất như kỳ vọng.

Nhà đầu tư vẫn nên giữ tỷ trọng cân bằng giữa cổ phiếu và tiền mặt để có dư địa tận dụng cơ hội khi biến động thị trường diễn ra.

Về tín hiệu kỹ thuật, chỉ số VN-Index tiếp nối xu hướng với những tín hiệu khả quan hơn sau 2 tháng cuối năm 2023 tạo đáy và hồi phục. Việc tích lũy quanh vùng 1,076- 1,130 diễn ra chủ đạo trong tháng 12/2023, tạo nền tăng trưởng cho đầu năm 2024.

Bên cạnh đó, các chỉ báo kỹ thuật như RSI và ADX đảo chiều và bước đầu quay trở lại tín hiệu tích cực ở trung hạn ủng hộ cho đà tăng của thị trường.

SSI Research nhận định, với việc tiếp nối đà tăng trưởng đã tạo nền trước đó, chỉ số VN-Index sẽ theo xu hướng chuyển động tích cực dần với mức dao động 1,125 -1,180 trong tháng 01/2024.

Ngoài ra, nhóm phân tích cũng cảnh báo ở trường hợp kém tích cực khi VN-Index xâm phạm dưới vùng 1,095-1,100 điểm, nhà đầu tư được khuyên cần chờ đợi thị trường cân bằng để tham gia trở lại.

Dòng vốn ETF đẩy mạnh rút ròng còn dòng vốn quỹ chủ động cải thiện trong tháng 12

Trong báo cáo, chuyển động của các quỹ cũng được nhóm phân tích trình bày cụ thể. Về phía các quỹ ETF chủ yếu nghiêng về bên bán (-2.1 ngàn tỷ đồng) và tập trung ở một số quỹ lớn với quy mô giao dịch đáng kể. Trong đó, một số quỹ duy trì xu hướng rút vốn từ tháng trước như VanEck (-125 tỷ đồng), SSIAM VNFIN Lead (-557 tỷ đồng) và DCVFM VNDiamond (-1,159 tỷ đồng).

Nguồn: SSI Research, EPFR

Nhóm phân tích của SSI cũng nhấn mạnh về động thái rút vốn mạnh bất ngờ trong tháng 12 của iShares Frontier, giá trị lên tới 2.6 ngàn tỷ đồng, trong đó có 30% tỷ trọng phân bổ vào thị trường Việt Nam. Ngược lại, Fubon là điểm sáng hiếm hoi ghi nhận giá trị vốn vào ròng 459 tỷ đồng.

Cả năm 2023, dòng vốn ETF ở mức -1.7 ngàn tỷ đồng, sau khi ghi nhận giá trị hút vốn kỷ lục 25.9 ngàn tỷ đồng trong năm 2022. Trong đó, đóng góp từ nhóm quỹ ngoại gồm Fubon là +1.7 ngàn tỷ, VanEck (+1.7 ngàn tỷ), Xtrackers FTSE Vietnam (+1.5 ngàn tỷ); ngược lại, các quỹ nội chịu áp lực rút vốn mạnh như DCVFM VNDiamond (-3.7 ngàn tỷ), SSIAM VNFIN Lead (-1.9 ngàn tỷ), DCVFM VN30 (-945 tỷ đồng) và iShares Frontier (-2.4 ngàn tỷ).

Nguồn: SSI Research, EPFR

Khác với các quỹ ETF, nhóm phân tích chỉ ra số liệu từ các quỹ chủ động đầu tư vào thị trường Việt Nam đảo chiều vào ròng nhẹ 320 tỷ đồng trong tháng 12, chủ yếu là sự xuất hiện của quỹ mở mới; nhóm quỹ còn lại có giao dịch khá cân bằng.

Tính cả năm, dòng tiền từ các quỹ chủ động vào ròng khoảng 3.4 ngàn tỷ đồng (tập trung trong quý 1/2023), tổng tài sản tăng 12% so với cuối năm 2022.

Nguồn: SSI Research, EPFR

Còn khối ngoại bán ròng mạnh tới 10 ngàn tỷ đồng trong tháng 12. Từ đầu năm 2023 đến nay khối ngoại bán ròng gần 23 ngàn tỷ đồng và tập trung ở một số mã cổ phiếu nhất định.

Nhóm phân tích nhận định, xu hướng đối lập kể trên phần nhiều đến từ xu hướng rút vốn ra khỏi thị trường ASEAN từ các quỹ đầu tư đa quốc gia (không được tính đến trong số liệu ở trên).

Nhìn về trung hạn, SSI Research đánh giá dòng tiền đầu tư vào thị trường Việt Nam có thể được hưởng lợi từ dòng tiền chuyển dịch sang thị trường đang phát triển. Song, điều này thường chỉ xuất hiện sau khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Còn về ngắn hạn, sức hấp dẫn của cổ phiếu Việt Nam từ các nhà đầu tư Thái Lan và Hàn Quốc có thể bị ảnh hưởng từ những quy định/kế hoạch mới của Chính phủ nước này giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán nội địa.

Kha Nguyễn

FILI

Các tin tức khác

>   Công ty chứng khoán bị 'tuýt còi' và băn khoăn về kỷ luật thị trường (09/01/2024)

>   Góc nhìn 09/01: Tiếp diễn đà tăng? (08/01/2024)

>   Góc nhìn tuần 08 - 12/01: Kiểm định kháng cự 1,155 - 1,160? (07/01/2024)

>   BWE, QTP và PTB có tiềm năng đón sóng? (08/01/2024)

>   Bất động sản nhà ở năm 2023: Chỉ 25% nhu cầu có cơ hội chuyển thành cầu thực (06/01/2024)

>   Góc nhìn 05/01: Tránh mua đuổi? (04/01/2024)

>   2024 là năm thích hợp để tích sản cổ phiếu (08/01/2024)

>   Fed cắt giảm lãi suất là từ khóa chính cho chứng khoán năm 2024 (05/01/2024)

>   Góc nhìn 04/01: Nâng tỷ trọng cổ phiếu? (03/01/2024)

>   Năm 2024, dòng tiền ngoại chưa có xu hướng quay lại mạnh mẽ (09/01/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật